Chiều 17/11, TAND Hà Nội sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sơn (33 tuổi, ở thị xã Sơn Tây) tử hình về tội "Giết người"; Lê Ngọc Ninh (53 tuổi, ở huyện Phúc Thọ) tù chung thân.
Nạn nhân là ông Ng.Đ.T. (SN 1965, trú tại huyện Phúc Thọ).
Trước đó, giữa nạn nhân và bị cáo Ninh từng là bạn và trong một cuộc nhậu, chỉ vì nghi ngờ việc rót rượu, Ninh đã gọi Sơn (con nuôi) đến đánh ông T. dẫn đến tử vong.
Tài liệu điều tra xác định, Ninh là người khởi xướng, Sơn thực hiện quyết liệt. Hành vi đó có tính chất côn đồ.
Lời cảnh tỉnh cho những người có hành vi côn đồ
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật, cho hay, thực tế trong xã hội đã có rất nhiều sự việc tương tự dẫn đến cái kết đau lòng, gia đình nạn nhân vĩnh viễn mất đi người thân, còn bị cáo vướng vòng pháp luật và phải nhận hình phạt thích đáng, để lại phía sau hàng loạt vấn đề.
Theo luật sư Bình, lẽ ra những kẻ gây án kiềm chế và kiểm soát được hành vi và có hiểu biết về pháp luật thì hậu quả sẽ không đi quá xa. Đặc biệt luật sư cho rằng đây cũng là lời cảnh tỉnh dành cho những người nào luôn coi thường pháp luật.
Trở lại vấn đề vụ án trên, HĐXX nhận định hành vi của các đối tượng có tính chất côn đồ.
Luật sư Bình cũng cho rằng, hành vi của các bị cáo thể hiện tính côn đồ xem thường pháp luật. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà đã kêu người đến giết người và dù rằng không hề có mâu thuẫn từ trước cũng sẵn sàng ra tay một cách tàn độc, lấy đi mạng sống của người khác.
Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của TAND Tối cao hướng dẫn như sau:"Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.
Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ".
Gọi con nuôi đến gây án
Theo hồ sơ vụ án, do có quen biết, chiều 5/10/2021, ông Ng.Đ.T. (SN 1965, trú tại huyện Phúc Thọ, lao động tự do) đã mời ông Kiều Duy Chinh (SN 1975, thẩm phán của TAND huyện Phúc Thọ); Lưu Văn Kiên (cán bộ VKSND huyện Phúc Thọ); Nguyễn Văn Trường (tức Trường "đá", trú tại huyện Ba Vì, TP Hà Nội); cùng một số người khác tổ chức liên hoan ở bếp ăn tại trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) huyện Phúc Thọ (địa chỉ tại thị trấn Phúc Thọ).
Do có hẹn từ trước nên ông Nguyễn Đức Trường (SN 1977, Phó Viện trưởng VKSND huyện Phúc Thọ) đã gọi điện cho Lê Ngọc Ninh đến cùng liên hoan. Sau đó, khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày, ông Nguyễn Đức Trường và ông Kiều Duy Chinh xin nghỉ trước.
Trong quá trình liên hoan, ông T. mời Ninh chén rượu nên anh Kiên đã rót rượu cho ông T.. Thấy chén rượu màu nhạt hơn, nghi ngờ anh Kiên cho ông T. uống nước lã nên Ninh đã chửi cán bộ VKSND và cầm chén rượu của mình ném vào mặt người này.
Thấy Ninh có thái độ côn đồ, anh Trường đã đấm vào mặt Ninh và được mọi người can ngăn rồi tất cả giải tán đi về. Sau đó, Ninh lái xe ô tô ra về song vẫn bực tức việc bị đánh nên đã quay xe lại và gọi điện cho ông T. ra để nói chuyện. Tại đây, bị cáo 51 tuổi đã yêu cầu ông T. gọi điện cho anh Trường "đá" đến xin lỗi.
Khi bị ông T. từ chối, Ninh đã gọi điện thoại cho con nuôi là Nguyễn Văn Sơn nói: "Bố đang va chạm đánh nhau, con cho đàn em xuống". Sau đó, Sơn đã cầm 1 thanh đao gọi taxi đến VKSND huyện Phúc Thọ.
Khi cách cổng VKSND huyện Phúc Thọ khoảng 40 m, Sơn xuống đi bộ đến chỗ ông T. và Ninh đang ngồi. Thấy Sơn đến, Ninh đánh mắt, chỉ ngón tay về phía ông T.. Sơn hiểu ý là ra hiệu đánh ông T. nên Sơn đã dùng chân đá trúng mặt nạn nhân. Tiếp đó, Sơn dùng chân liên tiếp đạp, đá nhiều lần vào đầu nạn nhân đến khi nạn nhân bất tỉnh.
Phát hiện sự việc, ông Ngô Văn Chiến (SN 1969, bạn ông T., nhậu cùng - PV) yêu cầu Ninh và Sơn đưa ông T. đi bệnh viện nên cả hai đã đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Do thương tích quá nặng, ngày 7/10/2021, ông T. đã tử vong tại nhà riêng.
Cuộc đối chất của con nuôi và bố nuôi "Nếu không vì ông ấy thì tôi đã không đến nỗi này"!
Tại phiên toà, khi được hỏi về mối quan hệ giữa bị cáo và Sơn, Ninh phủ nhận rằng: Sơn tự gọi là bố nuôi, chứ ông ta không công nhận Sơn là con nuôi. Đồng thời Ninh phủ nhận hoàn toàn hành vi "chỉ đạo" Sơn đánh ông T. đồng thời bị cáo Ninh cũng phủ nhận cáo buộc giết người và cho rằng chỉ gọi Sơn đến "bảo vệ đưa mình về"; không ra hiệu cho Sơn đánh ông T.
Tỏ ra rất bức xúc trước thái độ của "bố nuôi", Sơn thưa với chủ tọa: "Ông ấy (tức bố nuôi) nói vậy là trái với lương tâm, bị cáo nhận được "tín hiệu" bằng ánh mắt, chỉ tay của bị cáo Ninh thì bị cáo mới đánh, lúc ấy có ánh đèn chiếu sáng nên bị cáo biết rõ. Ông Ninh bảo đánh, bị cáo mới đánh. Bị cáo không thể tự nhiên đến đó, không có lý gì bị cáo đánh người ta vì bị cáo không quen biết, thù hằn gì với ông T."- bị cáo Sơn khai và thừa nhận tội như cáo trạng đã quy kết.
Bản án sơ thẩm đánh giá, chứng cứ trong vụ án đủ căn cứ thể hiện Lê Ngọc Ninh là người gọi Sơn tới VKSND huyện Phúc Thọ rồi chỉ đạo đánh ông T. dẫn tới án mạng. Trong đó, Ninh là người khởi xướng chỉ đạo Sơn thực hiện hành vi sát hại ông T.
Xét thấy hành vi của 2 bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng thể hiện tính côn đồ, đã trực tiếp tước đoạt tính mạng ông T, gây đau thương cho gia đình nạn nhân, bức xúc cho dư luận. Do vậy, tòa tuyên phạt bị cáo Sơn án tử hình, bị cáo Ninh tù chung thân; mỗi người phải bồi thường 154 triệu đồng cho gia đình bị hại.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.