Từ hiện tượng mua bán tràn lan bảo hiểm xã hội cho đến hậu quả do thiếu hiểu biết về quyền lợi của chị em công sở

Đừng bỏ qua bài viết này, nếu bạn muốn quyền lợi của mình được đảm bảo một cách trọn vẹn nhất!

Sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH) được xem như cuốn "sổ tiết kiệm" của người lao động để hưởng các chế độ trợ cấp BHXH về sau này. Từ khi sổ được giao cho người lao động tự quản lý, đáng buồn, nó biến tướng thành "món hàng" để mua bán, cầm cố.

Các loại "dịch vụ" cho vay cầm sổ BHXH vào tận công xưởng, quảng cáo "thu mua sổ BHXH" công khai lan tràn trên Internet. Nào là nhận thanh lý sổ BHXH trước thời hạn, đóng BHXH nhưng đã nghỉ việc từ 6 tháng trở lên và muốn bán sổ... Dịch vụ này đánh vào tâm lý cần tiền gấp và không muốn vay mượn ai đến từ những người lâm cảnh khó khăn.

Hậu quả lớn, nhưng chẳng của riêng ai!

Người lao động đã bán cả "của để dành". Cầm cố rồi, có người chuộc được, nhiều trường hợp sổ ra đi không hẹn ngày về. Thậm chí người vay bằng cách thế chấp thẻ ATM (nhận lương hằng tháng), đến khi không còn khả năng chi trả nợ hoặc có ý định nghỉ việc hẳn đành chọn cách "gả" sổ BHXH.

Từ hiện tượng mua bán tràn lan bảo hiểm xã hội cho đến nỗi đau do sự thiếu hiểu biết của chị em công sở - Ảnh 1.
 
Từ hiện tượng mua bán tràn lan bảo hiểm xã hội cho đến nỗi đau do sự thiếu hiểu biết của chị em công sở - Ảnh 2.
 

Từng bán sổ BHXH, chị Hương (công nhân KCN Việt Hương, Bình Dương) giờ rất tiếc nuối: “Tôi làm việc hơn 14 năm, mức lương lấy làm căn cứ đóng BHXH trước khi nghỉ việc gần 6,5 triệu đồng/tháng. Lúc đó do cần tiền, tôi đi bán luôn mà không nghĩ đến hậu quả. Giờ nghĩ lại tôi thấy ân hận vô cùng”.

Số tiền người lao động nhận được hẳn nhiên sẽ thấp hơn số tiền đáng ra họ sẽ nhận được (sau khi trừ phí dịch vụ), khoản trừ này có khi là vài triệu đồng, nhưng với người lao động thâm niên ít có khi chỉ 40-50% số tiền.

Từ hiện tượng mua bán tràn lan bảo hiểm xã hội cho đến nỗi đau do sự thiếu hiểu biết của chị em công sở - Ảnh 3.
 

Sổ BHXH không phải là tài sản riêng của người lao động. Mất hay thất lạc sổ đều gây ra rất nhiều thiệt thòi, phiền phức (thậm chí tranh chấp) sau này với chính người cầm cố và các cơ quan hành chính.

Vậy nguyên nhân của những hậu quả khó lường là từ đâu?

Người lao động thiếu kiến thức về sổ BHXH

Sau một vài cuộc phỏng vấn, nhiều chị em cho biết: “Chúng tôi cứ đóng tiền đều đặn nhưng không biết rõ lắm về lợi ích cũng như các chính sách khi tham gia BHXH”.

Hay những phản ánh: “Khi làm thủ tục thì cũng chỉ được nhận hướng dẫn về mặt giấy tờ chứ về mặt pháp lý thì một số cơ quan không đề cập cho người lao động!”.

Chế tài xử phạt hành vi mua bán còn chưa quyết liệt

Vẫn có các quy định nhưng nhiều thông tin còn chưa rõ ràng, phổ biến với người dân. Chế tài áp dụng cho cả người cầm cố và người nhận cầm cố sổ BHXH còn khá nhẹ, chủ yếu tập trung vào xử phạt hành chính, tạo cơ hội cho các đối tượng nhởn nhơ ngoài vòng Pháp luật. Do vậy, chúng ta hãy cùng đi sâu vào hiện tượng nhức nhối về sổ BHXH và những điều chị em cần biết để phòng tránh nhé!

Từ hiện tượng mua bán tràn lan bảo hiểm xã hội cho đến nỗi đau do sự thiếu hiểu biết của chị em công sở - Ảnh 4.
 

Sổ BHXH là gì?

Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã có quy định về khái niệm bảo hiểm xã hội như sau:

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Thực hiện quy định của Luật BHXH năm 2014, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp phải chuyển giao sổ BHXH cho người lao động tự quản lý để tiện theo dõi quá trình tham gia BHXH của mình.

Mua bán sổ BHXH có vi phạm quy định của Pháp luật?

Theo Quyết định 1035 và Quyết định 595 của BHXH Việt Nam, trường hợp người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp, sẽ không được cấp lại sổ. Ngoài ra, sổ BHXH cũng không phải là đối tượng tài sản được cầm cố, thế chấp hoặc mua bán theo quy định.

Điều 27 Nghị định 95/2013 quy định mức phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung liên quan đến việc hưởng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, hành vi cầm cố sổ BHXH của người lao động, sau đó làm thủ tục kê khai sổ BHXH bị mất, hư hỏng để xin cấp lại, đã thuộc trường hợp kê khai không đúng sự thật, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Những giá trị hữu ích của sổ BHXH mà chị em đã bỏ qua là gì?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, NLĐ sau 1 năm nghỉ việc mà không tham gia BHXH ở đâu nữa thì được nhận BHXH 1 lần, trừ trường hợp đi định cư ở nước ngoài hay bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Theo Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Giám đốc Công ty Luật Tín Nghĩa (TP.HCM):

“Sổ BHXH rất cần thiết đối với NLĐ để xét hưởng các chế độ chính sách. Theo Luật BHXH 2014 và các văn bản pháp quy có liên quan khác (như Quyết định 1035 và Quyết định 595 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam), sổ BHXH không được cầm cố hay thế chấp.

Chính sách BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi NLĐ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản…”

Và cuối cùng, hãy tỉnh táo và trân trọng quyền lợi vốn có của mình nhé các chị em!

Mỗi chị em công sở trước hết cần có trách nhiệm, ý thức giữ gìn sổ BHXH của mình, tránh đánh mất hay làm hư hại, để bảo đảm sổ BHXH được sử dụng đúng mục đích như: Lúc ốm đau, thai sản, mất sức lao động, hưởng BHXH 1 lần, thất nghiệp, lương hưu...

Từ hiện tượng mua bán tràn lan bảo hiểm xã hội cho đến nỗi đau do sự thiếu hiểu biết của chị em công sở - Ảnh 7.
 

Nếu có thắc mắc, chị em hãy tìm kiếm sự giúp đỡ, tư vấn của những người có hiểu biết, đơn cử như các cơ quan BHXH hay Trung tâm giới thiệu việc làm uy tín để được hướng dẫn.

Chủ động tra cứu các nguồn tư liệu có sẵn, chị em có thể trau dồi thông tin từ những văn bản pháp luật quy định chi tiết nhất, hoàn chỉnh và cụ thể về bảo hiểm xã hội như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, nghị định số 115/2015/NĐ-CP hoặc thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH…

Đồng thời, các nàng cần cảnh giác những bên thứ ba lợi dụng sự thiếu hiểu biết của mình cho mục đích xấu. Thay vào đó, luôn không ngừng học hỏi những thông tin về lương thưởng, chế độ bảo hiểm để hiểu được những lợi ích mình xứng đáng có được sau những vất vả cống hiến! Đừng mờ mắt vì cái lợi ngắn ngủi mà đánh mất giá trị lâu dài của người lao động nhé chị em!

Bài viết gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/tu-hien-tuong-mua-ban-tran-lan-bao-hiem-xa-hoi-cho-den-hau-qua-do-thieu-hieu-biet-ve-quyen-loi-cua-chi-em-cong-so-222019251114138358.htm

Theo Helino

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang