Từ vụ 2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch sau khi gây tê tủy sống trong sinh mổ, mẹ cần biết trường hợp nào không nên áp dụng

Một trong những vụ việc đang được dư luận quan tâm những ngày qua là trong vòng chưa đầy 1 tháng đã có 2 sản phụ tử vong và 1 sản phụ nguy kịch sau khi tiêm thuốc gây tê tủy sống để mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ nữ thành phố Đà Nẵng.

 

2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch khi gây tê tủy sống mổ bắt thai

Cụ thể, vào khoảng 8h ngày 17/11, sản phụ V.T.N.S (SN 1987, trú tại quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhập viện Bệnh viện Phụ nữ Thành phố Đà Nẵng để chờ sinh mổ khi đang mang thai 38 tuần 3 ngày. Các bác sĩ chỉ định sinh mổ bắt thai trong trạng thái chuyển dạ, thai to, đa ối. Đến khoảng 11h20 cùng ngày, các bác sĩ tiến hành gây tê tủy sống, mổ lấy thai nhi.

Cuối ca mổ, sản phụ S. có biểu hiện duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh. Bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng nhưng đến khoảng 20h cùng ngày, bệnh nhân S. tử vong.

Từ vụ 2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch sau khi gây tê tủy sống trong sinh mổ, mẹ cần biết trường hợp nào không nên áp dụng - Ảnh 1.

Bệnh viện Phụ nữ Thành phố Đà Nẵng nơi xảy ra tai biến sản khoa nghiêm trọng.

Trong ngày 17/11, Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng cũng tiếp nhận sản phụ N.T.H (SN 1987, trú quận Liên Chiểu) đang mang thai 37 tuần 1 ngày trong tình trạng chuyển dạ vết mổ cũ. Đến 15h5 cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng mổ. Bệnh nhân H. được gây tê tủy sống nhưng sau đó có các biểu hiện tương tự sản phụ S. Sản phụ H. rơi vào tình trạng nguy kịch và hiện đang được tích cực cứu chữa.

Trước đó, vào ngày 22/10, một sản phụ khác là L.H.P.T (SN 1987, trú quận Hải Châu) cũng nhập Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng để sinh mổ và sau đó tử vong với các triệu chứng tương tự.

Một số tác dụng phụ của gây tê tủy sống khi mổ lấy thai

Phương pháp gây tê tủy sống được áp dụng phổ biến trong sinh mổ nhằm tê liệt nửa dưới của cơ thể sản phụ để mổ bắt thai. Dù kỹ thuật, thuốc và đầu kim đã phát triển rất nhiều qua các thập kỷ, nhưng phương pháp này vẫn gây ra rất nhiều tác dụng phụ cũng như biến chứng đáng lo ngại có thể kể đến dưới đây:

- Buồn nôn: Trong những phút đầu tiên sau khi thuốc gây tê tiêm vào cột sống, sản phụ có thể bị tụt huyết áp, buồn nôn, nôn mửa. Các triệu chứng này cũng có thể kéo dài sau khi thuốc tê đã hết tác dụng.

Từ vụ 2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch sau khi gây tê tủy sống trong sinh mổ, mẹ cần biết trường hợp nào không nên áp dụng - Ảnh 3.

Trong những phút đầu tiên sau khi thuốc gây tê tiêm vào cột sống, sản phụ có thể bị tụt huyết áp, buồn nôn, nôn mửa (Ảnh minh họa).

- Ngứa: Ngứa là một trong những phản ứng gây ra do nồng độ thuốc giảm đau được thêm vào trong liều thuốc gây tê tủy sống. Khi thuốc hết tác dụng (khoảng từ 12-24 giờ), tình trạng ngứa cũng giảm xuống. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mẹ vẫn có tình trạng ngứa nghiêm trọng hơn dù thuốc đã hết tác dụng.

- Đau lưng: Hầu hết sản phụ từng dùng phương pháp gây tê tủy sống đều gặp trường hợp đau lưng dai dẳng sau sinh.

- Đau đầu: Đây cũng là tác dụng phụ xuất hiện phổ biến trong gây tê tủy sống. Nguyên nhân gây đau đầu được giải thích là do sự rò rỉ dịch não tủy qua lỗ thủng màng cứng, làm giảm lớp rào cản đệm của dây thần kinh cảm giác, giãn mạch máu não và tăng áp lực não - tủy.

- Tổn thương thần kinh: Đây được coi là biến chứng đáng sợ và nguy hiểm nhất mà gây tê tủy sống gây ra. Nguyên nhân khiến sản phụ bị tổn thương thần kinh nằm ở thao tác tiêm thuốc tê. Nếu vị trí đâm kim tiêm không chính xác có thể tổn thương trực tiếp tới rễ thần kinh, chóp tủy và tủy sống.

5% trường hợp sản phụ không nên gây tê tủy sống khi sinh mổ

Năm 2017, Bộ y tế đã ra văn bản khuyến cáo các đơn vị y tế trên toàn quốc không áp dụng phương pháp vô cảm (trong đó phổ biến nhất là gây tê tủy sống) trong mổ lấy thai đối với các trường hợp sản phụ có triệu chứng: sản giật, tiền sản giật, rau bong non, ru tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm, rau cài răng lược... Nội dung văn bản nêu rõ: qua theo dõi thì nhận thấy một số sản phụ có các triệu chứng sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non, có rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm… sẽ có nguy cơ tai biến cao (suy đa tạng, rối loạn đông máu, ngừng tim, tắc mạch ối) nếu áp dụng gây tê tủy sống khi mổ lấy thai.

Từ vụ 2 sản phụ tử vong, 1 nguy kịch sau khi gây tê tủy sống trong sinh mổ, mẹ cần biết trường hợp nào không nên áp dụng - Ảnh 5.
 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, cho đến nay, không chỉ riêng Việt Nam mà trên toàn thế giới, khi mổ lấy thai, bác sĩ đều sử dụng biện pháp gây tê tuỷ sống. Tỉ lệ áp dụng phương pháp này lên tới trên 95% bởi kỹ thuật gây tê tủy sống hiện nay được đánh giá mang lại hiệu quả tốt. Khoảng 5% trường hợp sản phụ không nên sử dụng phương pháp này: "Nếu chủ quan gây tê tủy sống cho thai phụ bị các bệnh lý nên trên sẽ rất nguy hiểm, có thể gây sự cố khi mổ lấy thai như chảy máu ồ ạt, tụt huyết áp, thậm chí phải trả cái giá rất đắt".

GS Nguyễn Viết Tiến khuyến cáo các sản phụ không nên tự ý lựa chọn phương pháp sinh mà hãy tuân thủ theo sự hướng dẫn, tiên lượng của các bác sĩ chuyên khoa.

Link bài gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/tu-vu-2-san-phu-tu-vong-1-nguy-kich-sau-khi-gay-te-tuy-song-trong-sinh-mo-me-can-biet-truong-hop-nao-khong-nen-ap-dung-2220192211133727147.htm

Theo helino.ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang