Từ vụ bà Phương Hằng: Pháp luật quy định khi nào bị hoãn xuất cảnh?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Được áp dụng theo quy định tại điều 124 bộ luật tố tụng hình sự.

Mới đây, thông tin Công an TP HCM có quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với doanh nhân Nguyễn Phương Hằng gây chú ý dư luận.

Vậy, quy định về hoãn xuất cảnh, xử lý hình sự người có hai quốc tịch… như thế nào? TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) đã giải đáp như sau.

Trường hợp nào mà công dân bị tạm hoãn xuất cảnh?

TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự. Được áp dụng theo quy định tại điều 124 bộ luật tố tụng hình sự.

Từ vụ bà Phương Hằng: Pháp luật quy định khi nào bị hoãn xuất cảnh? - Ảnh 1.

TS luật, luật sư Đặng Văn Cường

Điều 124 Tạm hoãn xuất cảnh quy định:

1. Có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người sau đây khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn:

a) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

b) Bị can, bị cáo.

2. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.

3. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.

Như vậy theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự, đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh là những người đang bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua quá trình kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần thiết phải ngăn chặn ngay việc người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh còn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.

Bởi vậy, trong những vụ việc xác minh tin báo nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố có dấu hiệu phạm tội và có thể bỏ trốn thì sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh căn cứ vào Điều 124.

Công dân bị áp dụng tạm hoãn xuất cảnh có quyền khiếu nại không?

Người bị áp dụng biện pháp này nếu không đồng ý, có thể khiếu nại đến Thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc Viện trưởng viện kiểm sát Nhân dân cùng cấp theo quy định pháp luật.

Từ vụ bà Phương Hằng: Pháp luật quy định khi nào bị hoãn xuất cảnh? - Ảnh 2.

Người có hai quốc tịch phạm tội tại Việt Nam bị xử lý thế nào?

Theo Điều 3 Bộ luật tố tụng hình sự quy định như sau: Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực đối với mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hoạt động tố tụng hình sự đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

Trường hợp người nước ngoài thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc tập quán quốc tế thì được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế đó.

Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên, người nước ngoài hoặc người có 2 quốc tịch mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam đến mức có thể xử lý hình sự thì sẽ căn cứ vào quy định của bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam để xử lý hình sự.

Trường hợp giữa Việt Nam và quốc gia mà bị can mang quốc tịch có hiệp định tương trợ tư pháp hoặc hiệp ước song phương liên quan đến hoạt động tư pháp có thỏa thuận khác thì sẽ áp dụng theo thoả thuận đó.

Việc dẫn độ người nước ngoài về nước hoặc người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài về nước để xử lý sẽ phụ thuộc vào luật pháp quốc tế, phụ thuộc vào hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và quốc gia đó.

Luật sư nước ngoài có quyền bào chữa ở Việt Nam và ngược lại hay không?

Việc luật sư Việt Nam hành nghề ở nước ngoài sẽ căn cứ vào quy định của Luật luật sư Việt Nam và văn bản pháp luật có liên quan ở nước sở tại.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc hoạt động nghề nghiệp luật sư ở nước ngoài định được quy định theo Điều 43 Đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài:

1. Tổ chức hành nghề luật sư được đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài.

2. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép đặt cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp, cơ quan thuế, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động.

3. Khi chấm dứt hoạt động của cơ sở hành nghề luật sư ở nước ngoài thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp, cơ quan thuế, Đoàn luật sư ở địa phương nơi đăng ký hoạt động.

Điều 44. Cử luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý ở nước ngoài:

Tổ chức hành nghề luật sư được cử luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý ở nước ngoài theo yêu cầu của khách hàng. Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý ở nước ngoài phải tuân theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Theo quy định của Luật luật sư hiện nay, luật sư nước ngoài được phép hành nghề luật sư tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ được hành nghề trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ pháp lý, đại diện theo ủy quyền. Còn lĩnh vực tranh tụng, bào chữa trong vụ án hình sự thì không được tham gia.

Cụ thể, Luật luật sư quy định như sau:

Điều 74. Điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài:

Luật sư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam:

1. Có Chứng chỉ hành nghề luật sư đang còn hiệu lực do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

2. Có kinh nghiệm tư vấn pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế;

3. Cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;

4. Được tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài cử vào hành nghề tại Việt Nam hoặc được chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư của Việt Nam đồng ý tuyển dụng vào làm việc tại các tổ chức đó.

Điều 75. Hình thức hành nghề của luật sư nước ngoài:

Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

1. Làm việc với tư cách thành viên cho một chi nhánh hoặc một công ty luật nước ngoài tại Việt Nam.

2. Làm việc theo hợp đồng cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

Điều 76. Phạm vi hành nghề của luật sư nước ngoài:

Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có Bằng cử nhân luật của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang