Hiện nay những thiết bị điện tử lên ngôi và lượng thông tin thay đổi chóng mặt từng giây khiến hành trình làm cha mẹ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội đem lại khi cập nhật thông tin nhanh nhạy, kết nối mọi người hơn với nhau.
Thế nhưng các bậc làm cha mẹ cũng không khỏi lo lắng khi chính sự lan truyền với tốc độ chóng mặt ấy, chính sự hiện đại đến vô cùng ấy lại là đòn bẩy cho những mối nguy hại tiềm ẩn cho trẻ em. Chúng ta cũng đã phải chứng kiến biết bao vụ bắt cóc, xâm hại chỉ vì sự non nớt cả tin của trẻ nhỏ. Mới đây nhất là vụ bé gái 11 tuổi mất tích ở Hà Nội và gia đình phát hiện có một nam thanh niên đi ô tô đến đón con ngay trước cửa nhà. Người này là bạn quen qua mạng của bé khoảng 2 tháng nay.
Vậy câu hỏi đặt ra cho các bậc làm cha mẹ trong thời đại công nghệ số hiện nay chính là: Làm sao để vừa có thể tận dụng lợi ích từ mạng xã hội mà vẫn có thể bảo vệ con cái khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ nó?
Để trả lời câu hỏi này, ông Tim Gerrish, sáng lập Tổ chức Tư vấn Quốc tế về Bảo vệ Trẻ em (ICPA) đã đưa ra những lời khuyên ngắn gọn nhưng cực kỳ hữu ích dành cho cha mẹ. Mỗi lời khuyên đều sát thực tế, dễ thực hiện và hiệu quả cao, không khiến con bị gò bó mà vẫn bảo vệ con an toàn khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ mạng xã hội.
1. Làm gương và dạy con cách cư xử tử tế
Cư xử tử tế ở bất kỳ đâu dù là ngoài đời thực hay trên mạng xã hội là việc đầu tiên cha mẹ nên làm để bảo vệ con. Nhắc nhở con rằng, nếu có ai nói hay làm điều gì khiến con cảm thấy khó chịu, con có thể block (chặn liên lạc), tâm sự với bố mẹ, đừng trả lời khi con không bình tĩnh. Việc này có thể dẫn đến những xung đột ngoài đời thực. Nếu bị bắt nạt trực tuyến, con nên thu thập bằng chứng rồi đưa chúng cho bố mẹ bằng cách chụp ảnh màn hình, lưu lại các bức ảnh và email.
Xử lý những việc này cần đến pháp luật và người lớn, tuyệt đối nhắc nhở con không nên cư xử bộc phát không suy nghĩ dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
2. Đề cao việc bảo mật thông tin cá nhân
Bố mẹ và các con cần phải cân nhắc kỹ trước khi chia sẻ những thông tin như nơi ở, địa chỉ email hoặc trường học trên hồ sơ cá nhân, khi nói chuyện trực tuyến với những người mà chúng ta không biết rõ. Những thông tin cá nhân của con có thể được chia sẻ với nhiều người khác và khi đó chính con và cả bố mẹ sẽ khó lòng kiểm soát được những thông tin đó sẽ bị sử dụng cho những mục đích gì.
3. Dạy con cách sử dụng mật khẩu có độ bảo mật cao
Đây là cách đơn giản nhưng lại vô cùng hữu hiệu trong việc giúp bố mẹ và các con bảo vệ bản thân khỏi tin tặc. Hãy sử dụng cả chữ hoa và chữ thường cùng các con số trong mật khẩu và không chia sẻ mật khẩu với người khác, kể cả bạn bè.
4. Tuyệt đối không tiết lộ danh tính của mình với bất cứ người lạ nào
Suy nghĩ của trẻ nhỏ thường ngây thơ và dễ bị lừa dối. Các con có thể nghĩ rằng mình biết rất rõ về người bạn trên mạng đó, nhưng thực tế lại đều là những thông tin sai sự thật. Bởi vậy, hãy luôn nhắc nhở con cái rằng đừng bao giờ tiết lộ danh tính của mình cho bất kỳ ai mà con không quen biết, chưa từng gặp gỡ và thân thiết ngoài đời thực. Những thông tin cần được bảo mật bao gồm: Tên, địa chỉ, số điện thoại, nơi ở, trường lớp, tài khoản thẻ, những người thân trong gia đình.
5. Không kết bạn với người mà con chưa từng gặp và quen biết
Việc gửi một lời mời kết bạn và chấp nhận lời mời này là cực kỳ dễ dàng ở bất kỳ trang mạng xã hội nào. Nhưng khi con đồng ý cho ai đó làm bạn với mình trên mạng xã hội, tức là con đã cho họ có cơ hội đào bới, dò xét và xâm nhập vào những thông tin riêng tư của chính con. Vì thế, bố mẹ cần nhắc con cực kỳ cẩn trọng trong việc kết bạn, nhất là với những người lạ mặt mà con chưa từng quen biết.
6. Dạy con cách thiết lập chế độ riêng tư
Trên trang mạng Facebook hay các trang mạng xã hội tương tự đều có chế độ thiết lập quyền riêng tư. Hãy dạy con cách chuyển từ chế độ chia sẻ thông tin công khai sang chế độ riêng tư hoặc bạn bè. Như vậy, chỉ có những người mà con thực sự quen biết mới có thể xem những thông tin, bài đăng của con trên mạng xã hội. Đừng quên, thường xuyên kiểm tra thiết lập riêng tư bởi các trang web thường cập nhật thông tin, thay đổi chế độ thiết lập ban đầu của người dùng.
7. Dạy con cân nhắc trước khi đăng bài
Bố mẹ nên nhắc nhở con về việc cần cân nhắc kỹ trước khi điền vào các mẫu đơn trực tuyến, cập nhật trạng thái hoặc đăng ảnh và video của con hay bạn bè lên mạng xã hội. Chỉ rõ cho con thấy rằng những ai có thể đọc thông tin con đăng tải chúng lên, bởi một khi con đã chia sẻ thông tin, con rất dễ mất kiểm soát chúng.
8. Tuyệt đối không đi gặp người bạn quen qua mạng một mình
Nếu con có một người bạn trên mạng và quyết định gặp mặt họ, hãy thông báo với bố mẹ ngay lập tức. Khi xét thấy tình hình trong tầm kiểm soát, bố mẹ có thể đi cùng con hoặc một người anh chị lớn mà con và bố mẹ cùng tin tưởng. Điều này là cực kỳ quan trọng để bảo vệ sự an toàn của con.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tu-vu-be-gai-11-tuoi-mat-tich-trong-dem-dung-bo-qua-nhung-loi-khuyen-duoi-day-neu-muon-bao-ve-con-khoi-tac-hai-cua-mang-xa-hoi-162202009000136111.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.