Hội phụ huynh là cầu nối giữa nhà trường và cha mẹ học sinh
Vụ Hội trưởng hội cha mẹ học sinh phát ngôn kỳ thị người nghèo và gia đình tan vỡ đang tạo ra làn sóng phẫn nộ.
Theo ý của phụ huynh này, người được bầu vào ban đại diện cha mẹ học sinh phải là người "có kinh tế và thời gian nuôi dạy con tốt, chăm lo gia đình đầm ấm hạnh phúc để làm hình ảnh tốt cho con của mình" và "không nên bầu những người có gia đình khiếm khuyết, vợ không có chồng hoặc chồng không có vợ... những người như thế chưa đủ tư cách thì không thể nằm trong ban phụ huynh".
Vậy, hội phụ huynh thực sự được ra đời với chức năng và nghĩa vụ thế nào?
Theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện cha mẹ học sinh hay còn gọi là Hội phụ huynh được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.
Theo đó, đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lớp tổ chức cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh để cử Ban đại diện học sinh lớp. Ban đại diện thường có từ 3-5 thành viên, trong đó có trưởng ban và một phó ban. Đây là những người nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, nhà trường để thực hiện các hoạt động trong lớp.
Ngoài Ban phụ huynh lớp thì sẽ có Ban phụ huynh trường và thường là trưởng ban hoặc phó ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp sẽ nằm trong ban phụ huynh trường. Ban phụ huynh trường được bầu theo nhiệm kỳ 1 năm học.
Vào đầu năm học, hiệu trưởng sẽ họp với trưởng ban và phó trưởng ban của tất cả các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để cử ra Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Sau khi được cử, trưởng ban điều hành cuộc họp tất cả các trưởng ban, phó trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp để thông qua chương trình hoạt động cả năm học.
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác.
Điều 8. Trách nhiệm và quyền của cha mẹ học sinh
1. Trách nhiệm của cha mẹ học sinh:
a) Phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh và thực hiện những nhiệm vụ do Ban đại diện cha mẹ học sinh đề ra.
b) Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn của lớp để chăm sóc, quản lý, động viên học sinh tích cực, tự giác học tập, rèn luyện đạo đức, tuân thủ quy định của Điều lệ và nội quy nhà trường.
c) Chịu trách nhiệm đối với sai phạm, khuyết điểm của con em mình theo quy định của pháp luật và thực hiện các khuyến nghị của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp trong việc phối hợp với nhà trường để chăm sóc, quản lý, giáo dục học sinh.
2. Quyền của cha mẹ học sinh
a) Cha mẹ học sinh có các quyền quy định tại Điều 95 của Luật Giáo dục, có quyền kiến nghị với nhà trường tạo điều kiện cho con em mình học tập, rèn luyện.
b) Ứng cử, đề cử vào Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
c) Từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện.
d) Thực hiện hoặc không thực hiện những nội dung chưa được thống nhất ý kiến trong cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh hoặc cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Trường "mượn" hội phụ huynh để thu tiền cha mẹ học sinh?
Theo quy định của Bộ, Ban phụ huynh tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa để thu các khoản thu ngoài quy định. Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm được hiện trên nguyên tắc công khai, dân chủ…và sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí.
Tuy nhiên thực tế đã phát hiện không ít trường có những khoản thu không đúng, nhất là việc Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu hộ một số khoản xã hội hóa cho nhà trường.
Mới đây nhất, phụ huynh Trường Mầm non Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) bức xúc vì mới vào năm học, nhà trường đã yêu cầu mỗi học sinh phải đóng "cứng" 1 triệu đồng và các khoản phụ thu khác. Cụ thể, 700 ngàn đồng tiền lát sân cỏ nhân tạo, trồng cây; 200 ngàn đồng quỹ lớp, 100.000 đồng quỹ trường.
Một phụ huynh có con theo học lớp 5 tuổi cho hay: "Ngôi trường này có tới 630 học sinh, như vậy quỹ trường một năm sẽ là 63 triệu đồng và tôi không biết nhà trường thu quỹ này để làm gì. Nói là tự nguyện nhưng phụ huynh nào cũng phải đóng và không có hóa đơn".
Hiệu trưởng Trường Mầm non Cương Gián cho biết, họp phụ huynh, trường đã đề ra mỗi em đóng 1 triệu đồng nhưng bằng hình thức tự nguyện, không cào bằng: “Chi hội trưởng thu từ phụ huynh, nạp về thu quỹ của ban đại diện rồi từ đó hai bên cùng kết hợp làm các hạng mục. Những khoản này hội trưởng phụ huynh từng lớp chịu trách nhiệm thu tiền chứ nhà trường và giáo viên không thu".
Hội phụ huynh thu tiền sắm dàn tivi, máy lạnh, dàn âmpli
Đầu năm học vừa qua, nhiều phụ huynh học sinh khối lớp 10 tại Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM phàn nàn vì số tiền phải đóng để mua tivi, máy lạnh, dàn âmpli, cho mỗi lớp là trên 22 triệu đồng. Bình quân mỗi học sinh phải đóng 600.000 đồng.
Việc này do Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh của trường đưa ra trong lần họp phụ huynh đầu năm. Số tiền các lớp phải đóng trung bình là trên 22 triệu/lớp. Riêng màn hình tivi đã có giá trên 17 triệu, còn lại là tiền chi mua âmpli, cáp treo, dây gắn, tiền công thợ…
Thắc mắc của phụ huynh không phải không có căn cứ, trang thiết bị giảng dạy học tập nằm trong khoản chi từ tiền ngân sách; hoặc từ nguồn thu của nhà trường, tại sao phải lấy từ sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh?
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh chỉ phải đóng góp bắt buộc một khoản duy nhất cho nhà trường là học phí. Ngoài ra còn có khoản bảo hiểm y tế trường thu hộ theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, học sinh phải đóng đến trên 30 khoản thu tự nguyện khác nhau như tiền học ngoại khóa, tiền trải nghiệm theo chuyên đề, tiền đề và giấy kiểm tra, tiền sử dụng điều hòa, tiền lao công, tiền ủng hộ cơ sở vật chất, tiền mua máy chiếu...
- Cách đây không lâu, mọi người bày tỏ ý kiến về việc xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương chia sẻ trên Lao động, dù Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh quy định rõ là không được thu một số khoản tiền nhưng ban đại diện do không hiểu, hoặc “bất chấp” đứng ra thu hộ. Đây chính là kẽ hở để lạm thu có “đất sống”.
Cứ “gắn mác” tự nguyện, hay đá trách nhiệm sang Hội cha mẹ học sinh, là người đứng đầu nhà trường an toàn. Đây là một kẽ hở, để việc lạm thu ngày càng biến tướng. Một vài cái tặc lưỡi của những người trong ban đại diện cha mẹ học sinh, đã đổ gánh nặng lên bao gia đình khác và gián tiếp “tiếp tay” cho nạn lạm thu hoành hành.
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.