Như đã đưa tin, chiều 27/12, Công an TP Phan Thiết, Bình Thuận cho biết, không có vụ việc bắt cóc tại Trường tiểu học Mũi Né 2, TP Phan Thiết vào chiều 25/12. Công an TP Phan Thiết có đủ cơ sở khẳng định vụ việc này không có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Trước đó, tối 25/12, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mũi Né 2 có văn bản gửi Phòng GD&ĐT TP Phan Thiết báo cáo về vụ việc có người lạ tiếp cận học sinh sau giờ tan học. Cụ thể, chiều 25/12, một người đàn ông đeo khẩu trang chạy xe máy BKS 86B1-662.XX tiếp cận, nói chuyện với em P.T.P là học sinh lớp 1 của nhà trường đang ngồi tại ghế đá, sau đó bế em này lên xe máy. Hành động này đã bị bảo vệ và ban giám hiệu nhà trường ngăn chặn kịp thời.
Nguồn tin trên báo Công an nhân dân cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo, Công an TP Phan Thiết đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh điều tra làm rõ vụ việc. Qua quá trình xác minh, cơ quan điều tra đã xác định được danh tính người đàn ông đi xe máy bế cháu bé lên xe là anh Nguyễn Minh Ph (SN 1983, trú tại xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), hiện đang sinh sống cùng vợ tại phường Mũi Né, TP Phan Thiết. Anh Ph hành nghề thợ hồ và chạy xe ôm.
Sau khi được cơ quan chức năng triệu tập lên làm việc, anh Ph khai nhận, vào chiều 25/12, anh đến Trường tiểu học Mũi Né 2 với mục đích tìm các cháu học sinh đi bộ hoặc chưa có người nhà đến đón thì sẽ đến hỏi thăm và chở các cháu về nhà, sau đó lấy tiền xe ôm từ gia đình các cháu. Trước khi gặp cháu P.T.P, anh Ph. đã chở 2 cháu học sinh khác về nhà và được trả số tiền 17.000 đồng. Gia đình 2 cháu bé này đều xác nhận sự việc là có thật.
Tại nơi anh Ph. thường trú (xã Ninh Phụng, Ninh Hòa, Khánh Hòa) cơ quan chức năng xác định anh Ph. chưa có tiền án, tiền sự.
Như vậy, vụ việc xảy ra không phải một vụ bắt cóc, không có dấu hiệu hành vi phạm tội. Tuy nhiên, trước hành động này, chuyên gia giáo dục đã đưa ra lời cảnh báo với các bậc phụ huynh nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em học sinh, đặc biệt là đối với các em nhỏ, chưa có nhiều nhận thức và khả năng tự bảo vệ bản thân.
Chia sẻ trên báo Dân Việt, chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, rất may vụ việc ở Bình Thuận không phải là vụ bắt cóc trẻ em, tuy nhiên, qua đây bố mẹ cũng cần gấp rút dạy con phòng tránh bắt cóc.
"Cha mẹ cần xây dựng một số nguyên tắc trong gia đình và yêu cầu trẻ thực hiện nghiêm túc. Đó là khi muốn đi đâu ra khỏi nhà, nhất thiết cần báo hoặc xin phép cha mẹ. Nếu trẻ muốn đi chơi xa, nhất thiết phải xin phép cha mẹ từ trước và có kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi. Khi trẻ chờ đợi cha mẹ đến đón ở trường thì cần có một số quy ước. Ví dụ: nếu cha mẹ nhờ ai đó đón hộ thì có một mật mã để trẻ có thể trao đổi với người đón hộ. Điều này sẽ giúp trẻ ngăn ngừa tình trạng có kẻ giả danh người đón hộ mà bắt cóc trẻ để buôn bán. Cha mẹ dặn con tuyệt đối không nhận quà cáp của người lạ.
Nếu có ai đó cần giúp đỡ, yêu cầu trẻ phải chạy đi báo cho các chú công an, cảnh sát hoặc người lớn đến giúp chứ trẻ không trực tiếp tham gia giúp đỡ vì trẻ chưa đủ khả năng này. Trẻ cần thuộc các số điện thoại của những người gần gũi nhất như mẹ, bố, ông, bà, anh chị em… Trong trường hợp cần thiết, trẻ tìm cách liên lạc ngay với người thân để có thể được trợ giúp. Trẻ không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng hoặc khi thấy có tai nạn hay sự cố trên đường. Khi thấy có đám đông tụ tập, các em nên nhanh chóng trở về nhà thay vì đứng lại để ngóng xem.
Đi chơi, trẻ nên đi cùng nhóm bạn độ 3, 4 người. Tuyệt đối tránh những nơi quá đông người hoặc quá vắng vẻ. Tránh nơi có nước; không cho phép trẻ một mình ra ngoài đường khi trời tối; không cho ai động chạm vào phần kín của mình. Khi thấy ai đó khả nghi đi theo mình, lập tức đi về phía công an và nhờ đưa về nhà. Nếu trên đường không có công an thì chọn 1 bác phụ nữ già nhất, trông dáng vẻ đang đi chợ để đến gần hỏi han. Kẻ xấu sẽ tưởng trẻ gặp người nhà và bỏ đi. Hét thật to và vùng bỏ chạy" , TS Thu Hương chia sẻ.
Ngoài ra, Tiến sĩ tội phạm học, Thượng tá Đào Trung Hiếu, đánh giá thủ đoạn bắt cóc trẻ em hiện nay rất đa dạng. Vì vậy, cha mẹ cần hướng dẫn con em mình 9 cách sau để có thể tự bảo vệ bản thân trong những trường hợp cấp bách:
-
Cha mẹ cần chia sẻ với trẻ về nạn bắt cóc trẻ em và hậu quả của nó một cách dễ hiểu nhất. Tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình, cẩn thận trong sinh hoạt, đi lại, giao tiếp.
-
Dạy cho trẻ biết "những người lạ có thể tin tưởng", gồm: thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng (đặc điểm chung là họ thường mặc quần áo đồng phục - cần giới thiệu với trẻ về những loại đồng phục phổ biến), hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường.
-
Trẻ khi biết nhận thức phải dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với những người "những người lạ có thể tin tưởng".
-
Dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Dạy trẻ tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho, đề phòng những món quà, bánh, kẹo, nước ngọt… đó có tẩm thuốc mê, trẻ ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng độc.
-
Dạy trẻ kỹ năng ứng xử khi bị người lạ kéo, dắt, lôi đi. Cần huấn luyện cho bé biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh, có thể hô: "bắt cóc trẻ con, cứu, cứu cháu với".
-
Nên cho trẻ tham gia tập luyện võ thuật, vừa rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, có đủ tự tin để bình tĩnh ứng phó trong các tình huống nguy hiểm. Khi bị bắt kéo đi mà việc la hét không có kết quả, trẻ hãy giả bộ ngoan ngoãn, bất ngờ xỉa tay vào mắt, đá vào hạ bộ, vào cẳng chân của tên bắt cóc rồi bỏ chạy, kêu cứu.
-
Khi trẻ vào độ tuổi tiểu học, THCS, bắt đầu tham gia các hoạt động của trường lớp, cộng đồng, như đi dã ngoại, vệ sinh môi trường khu dân cư, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử…, cần dạy trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối không tách đoàn, chạy lăng xăng dễ bị lạc, bị bỏ rơi dẫn đến nguy cơ bị bắt cóc.
-
Những kẻ bắt cóc thường thích bắt trẻ khi trẻ đi 1 mình và hiếm khi hành động khi trẻ đi với 2-3 người bạn. Dạy trẻ phải ghi chép số điện thoại của bạn bè, người phụ trách, cảnh sát phản ứng nhanh (113), để khi cần có thể liên lạc được.
-
Triển khai các biện pháp phòng ngừa là bước đi chủ động bảo vệ trẻ em khỏi nguồn nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ trẻ bị bắt cóc, đánh tráo.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.