Từ vụ nữ sinh An Giang tự tử tại trường vì uất ức và thái độ vô cảm của cô chủ nhiệm "Yêu màu tím": Quyền lực của nghề giáo và sự đáng sợ của bạo lực tâm lý học đường

Câu chuyện đang làm xã hội xôn xao những ngày gần đây là về một em nhỏ lớp 10 nghi tự tử và ngất đi trong nhà vệ sinh. Em là học sinh giỏi 9 năm. Lên lớp 10, vì bệnh hen suyễn, em chuyển sang lớp thường. Trường tổ chức dạy thêm một số môn, chị gái xin phép cho em học một môn thôi do sức khoẻ không tốt.

Theo lời em kể, cô giáo chủ nhiệm bằng mặt nhưng không bằng lòng, liên tục hờn mát nói kháy em trong lớp, hoặc to tiếng nặng lời. Gia đình không tin nên chị gái bảo em ghi âm. Cô giáo bắt được khép thêm tội dùng điện thoại trong lớp, cộng với một số tội khác nữa như nữ sinh mặc áo mỏng và đi xe máy có phân khối lớn.

Từ vụ nữ sinh An Giang tự tử tại trường vì uất ức và thái độ vô cảm của cô chủ nhiệm
 

Gia đình đã thuyết phục em xin lỗi, nữ sinh đã nhận, nhưng sau đó phản kháng vì cho rằng mình không sai. Nhà trường gửi giấy về nhà bắt em viết kiểm điểm và trong hai tuần liền, em phải có mặt hàng ngày từ 6h30-6h50 để thực hiện "cấm túc" cho giáo viên dạy "học tập quy tắc ứng xử" và "lao động".

Sáng 30/11, nữ sinh bị bêu dưới cờ trước toàn trường. Cô giáo chủ nhiệm thấy em vắng mặt đi tìm thì thấy em ngất trong nhà vệ sinh. Sau khi tỉnh, em kể lên cơn hen suyễn, phải uống thuốc. Bất lực vì không ai tin mình và bị làm nhục trước toàn trường, em viết thư tuyệt mệnh và uống luôn cả vỉ.

Cô giáo chủ nhiệm của em, với nick name Yêu màu tím, lên group móc máy bằng một bài dân ca: "Có một loài chim tìm cái chết rất vinh để vu oan. Trong một môi trường cao quý, chim chọn một nơi rất là thanh sạch à nghen (ý nhà vệ sinh)". Trong đoạn chát, có bạn nói với cô "chết vinh còn hơn sống nhục", cô trả lời: "Tự tử chết có được coi là vinh quang không con?"

Câu chuyện chưa kết thúc vì đang trong quá trình điều tra làm rõ. Hiệu trưởng, hiệu phó đã bị tạm đình chỉ 15 ngày, nhưng văn bản không thấy nhắc đến cô giáo.

Bạo lực tâm lý học đường

Có thể khẳng định là em nhỏ này bị bạo lực học đường. Người đánh em hội đồng không phải một đám bạn xúm vào và quay video như chúng ta thỉnh thoảng vẫn thấy trên mạng. Lần này, người "đánh" nữ sinh là giáo viên tại ngôi trường em đang học.

Ở châu Âu, hai vấn đề lớn nhất là học sinh bắt nạt nhau (bully) và thầy cô giáo lợi dụng tình dục học sinh (sexual harrassment). Dưới 18 tuổi, các em vẫn là trẻ nhỏ, vì vậy, dù có sự đồng thuận vẫn là hành vi phạm tội.

Ở Việt Nam, ngoài việc học sinh bắt nạt nhau, bạo lực từ thầy cô ít mang màu sắc tình dục mà thường liên quan tâm lý. Học sinh, gia đình và cả xã hội vừa trọng vừa sợ giáo viên. Chính vì sự nể trọng và sợ hãi ấy, bạo hành tâm lý thầy cô áp đặt lên học sinh ít được nghiên cứu có hệ thống.

Thầy cô bạo lực thể xác là trường hợp phổ biến nhất, từ việc ném phấn, quật thước kẻ, gõ đầu, đấm đá, cho đến những vụ việc như cô giáo sai cả lớp tát vào mặt để trừng phạt một học trò mắc lỗi.

Từ vụ nữ sinh An Giang tự tử tại trường vì uất ức và thái độ vô cảm của cô giáo chủ nhiệm: Quyền lực của nghề giáo và sự đáng sợ của bạo lực tâm lý học đường - Ảnh 2.

Lá thư tuyệt mệnh của nữ sinh lớp 10

Đánh trẻ con là hình thức giáo dục phản giáo dục nhất. Nó thể hiện sự thấp kém, bất tài của nguời lớn, vì không khuyên nhủ được mới phải dùng vũ lực. Nó cũng thể hiện sự ngạo ngược của kẻ có quyền lực trong tay và sẵn sàng thao túng quyền lực để thống trị tình thế.

Câu chuyện bạo lực học đường xấu hổ nhất không phải là video trẻ con đánh hội đồng nhau, mà chính là sự dung túng và sử dụng bạo lực từ chính giáo viên, nhưng thường lại được xuê xoa bỏ qua với câu cửa miệng: Thương cho roi vọt.

Hình thức bạo hành thứ hai là bạo hành tâm lý. Nó hiển hiện từ những chi tiết nhỏ nhất như không tôn trọng quyền riêng tư của trẻ nhỏ cho đến việc lớn như chà đạp nhân phẩm và tư cách của các em.

Đó là những màn xướng điểm số công khai, phê bình công khai, chửi bới công khai của thầy cô trước lớp. Đó là khi giáo viên cô lập một vài học sinh cá biệt, khuyến khích tập thể bỏ rơi, móc máy, nói kháy, nói mát, hoặc coi học sinh như công dân hạng hai trong lớp.

Tôi từng có người bạn ba mẹ bỏ nhau, thầy giáo chủ nhiệm bĩu môi nói trước cả đám học sinh là "giỏ nhà ai quai nhà nấy, thảo nào tý tuổi đầu yêu đương lăng nhăng". Một người bạn thân của tôi, học giỏi ngoan hiền nhất lớp, nhưng khi trót nói chuyện đã bị thầy bắt ngồi bệt xuống sàn suốt buổi học. Cô bạn ấy không hề nhớ, nhưng hình ảnh bạn ngoan ngoãn ngồi duới chân mọi người thì cả đời tôi không thể quên.

Nhìn nhận lại nghề giáo

Làm thầy cô rất khó, vì có rất nhiều "quyền lực", nhất là với hệ thống giáo dục và quan điểm xã hội như hiện nay. Ngoài bố mẹ ra, thầy cô giáo là những người có quyền năng tạo lập tính cách, vun trồng tài năng, khai mở nhân cách, thức tỉnh đam mê, khơi nguồn lý tưởng sống.

Tuy nhiên, họ cũng là người có thể tàn phá sự tự tin, thui chột sự sáng tạo, đặt mầm mống cho thói quen gian dối, hèn nhát, và thái độ trên tiền.

Vì nghề giáo nắm trong tay nhiều quyền lực với con người và xã hội hơn hẳn các nghề khác. Nó đòi hỏi giáo viên phải có trách nhiệm nặng nề với thứ quyền lực do đặc thù công việc mang lại. Người làm những nghề ấy có thể tạo ra cả thiên thần lẫn ác quỷ. Chính vì vậy, họ gánh tránh nhiệm rất nặng nề. 

Vì nhà giáo có quyền năng tạo ra cả ánh sáng và bóng tối, nhưng nghề nghiệp ấy bản chất không đương nhiên là cao quý. Mấu chốt cuả vấn đề là, nghề giáo chỉ có thể được hoàn thành trọn vẹn bằng "phần cao quý" trong trái tim của mỗi người bình thường.

Từ vụ nữ sinh An Giang tự tử tại trường vì uất ức và thái độ vô cảm của cô giáo chủ nhiệm: Quyền lực của nghề giáo và sự đáng sợ của bạo lực tâm lý học đường - Ảnh 3.

Bài đăng vô cảm của cô giáo chủ nhiệm "Yêu màu tím"

Giáo viên ngoài dạy chữ còn dạy người. Vậy chúng ta đã làm gì để chuẩn bị cho giáo viên khi đảm nhận một trọng trách nặng nề như vậy? Xin nói ngay là cả Việt Nam và các nước phát triển đều thiếu hụt phần dạy người trong giáo trình sư phạm.

Tuy nhiên, điều khác biệt là ở môi trường Bắc Âu như tôi đang sống chẳng hạn, lương giáo viên thừa đủ để họ có một cuộc sống đầy đủ. Không còn nỗi lo cơm áo gạo tiền, giáo viên có nhiều cơ hội hơn để "phần cao quý" trong trái tim mình không bị lấn át bởi miếng cơm manh áo. Và phần cao quý đó lan toả đến học sinh, hạn chế bạo lực tâm lý và sự "lộng quyền" mà nghề giáo mang lại.

Ở Việt Nam, tình thế trắc trở hơn nhiều. Nghề giáo đòi hỏi cống hiến, sức lực, đạo đức, và sự cân bằng quyền lực. Nhưng lương giáo viên không tương xứng với sự đòi hỏi đó. Giáo viên đương nhiên phải kiếm tiền bằng dạy thêm. Giáo viên công lập bị cấm dạy thêm chính học sinh của mình khi chưa được phép của ban giám hiệu. 

Thế là đôi khi cả hệ thống nhà trường vào cuộc, biến các giáo viên thành mắt xích trong chuỗi cung ứng và vì thế, gắn bó với nhau vì lợi ích tài chính.

Vậy nên mới có chuyện khi một đứa trẻ không đi học thêm thì bé và gia đình có khi phải chống lại cả một hệ thống. Trong cái mối tơ vò ấy, phần cao quý của mỗi nhà giáo đương nhiên không thể tinh hoa phát tiết một cách thênh thang không lực cản. Đây là bài toán khó. Nhưng phải thừa nhận rằng, có thực mới vực được đạo. Thầy cô cũng là người, thật khó có thể dạy dỗ và thực hành đạo lý khi nỗi lo cơm áo ngổn ngang.

Xử lý sai trái

Tuy nhiên, không vì sự khó khăn của thầy cô mà có thể biện minh cho sự xuê xoa với các sai phạm trong giáo dục. Sự trọng vọng và nể sợ giáo viên có thể khiến một vài cá nhân lạm dụng quyền lực, và nếu những trường hợp này không được xử lý nghiêm minh, nền giáo dục sẽ mất cả chì lẫn chài. Lòng tin bị xói mòn là một nhẽ, mà chính những nhà giáo tử tế cũng sẽ thất vọng và thấy bạc bẽo với nghề.

Bởi vậy ta nên rà xét lại những sự việc chấn động một thời. Cô giáo chỉ đạo cả lớp tát học sinh cả trăm cái giờ còn đứng lớp không? Cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng còn đi dạy không? Cô giáo bắt cả lớp liếm ghế còn rao giảng đạo đức không? Và còn nhiều trường hợp khác nữa. Giờ đến cô giáo trong vụ việc này, khi cô chê bai học sinh chọn cái chết ở nhà vệ sinh và coi việc em tự tử là cái chết ô nhục, thì câu hỏi là tại sao cô không bị đình chỉ công việc mà chỉ có hiệu trưởng hiệu phó? Rồi mọi việc có "chìm xuồng" không? 

Danh dự và sự nỗ lực của bao nhà giáo khác đổ sông đổ bể vì những đồng nghiệp như thế này đến bao giờ mới đủ?

Hiện nay, luật sư Nguyễn Thạch Thảo đã cùng gia đình em N.T.N.Y. đưa đơn yêu cầu khởi kiện hình sự. Theo ý kiến cuả luật sư Lê Văn Luân thuộc đoàn luật sư thanh phố Hà Nội, vụ án có cơ sở cho thấy các dấu hiệu của một trong ba tội danh:

(1) Tội bức tử theo Điều 130 do em nhỏ quẫn bách phải tự sát;

(2) Tội hành hạ người khác theo Điều 140); và

(3) Tội làm nhục người khác theo Điều 155.

Khung cơ bản của tội bức tử là từ 2 năm đến 7 năm tù giam. Nếu em nhỏ chưa đủ 16 tuổi, đây sẽ là tình tiết tăng nặng. Trong cụ án này, hiện nay, các dấu hiệu của tội tội bức tử gồm:

(1) hành vi làm nhục (kéo dài và bằng nhiều hình thức)

(2) mối quan hệ giữa nạn nhân và người thực hiện hành là quan hệ lệ thuộ, và

(3) người bị làm nhục, bạo hành tinh thần đã tự sát

(4) người bạo hành, làm nhục nạn nhân coi thường tính mạng người khác khi tiếp tục tỏ ra tâm lý hả hê và tiếp tục hạ thấp việc tự tử của nạn nhân.

Ngoài ra, giáo viên đã vi phạm vào điều cấm của Luật Giáo dục (Điều 22): ép học sinh học phụ đạo (học thêm) để lấy tiền; lợi dụng chức vị và quyền hạn trong công tác để xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người học bằng cách bêu tên trước toàn trường trong giờ chào cờ mà còn vắng mặt chính người này; tự đặt ra hình thức "cấm túc" (một hình thức giam, giữ người trái pháp luật) trong một thời gian dài từ ngày 1-12/12 với khung giờ từ 6h30 - 6h50 (vi phạm nghiêm trọng các quy tắc ứng xử và đạo đức nhà giáo theo Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT).

Nhìn nhận lại vai trò của cha mẹ

Cũng với truyền thống tôn sư trọng đạo, cha mẹ Việt Nam thường có tâm lý dồn trách nhiệm giáo dục sang cho thầy cô. Chúng ta quên rằng thầy cô không phải là bảo mẫu. Nhiều cha mẹ lấy làm vui sướng khi con cái sợ giáo viên, vì ít ra còn có người bảo chúng nghe, nói chúng sợ. Sự sai lầm là ở chỗ chúng ta lấy sự sợ hãi làm thước đo của quyền lực và thành công trong việc nuôi dưỡng một đứa trẻ.

Khoa học về sự đổi thay chỉ ra rằng, sự sợ hãi chưa bao giờ, và không bao giờ là động lực phát triển. Người ta có thể vì sợ hãi mà thay đổi trong phút chốc, nhưng sự đổi thay ấy không bao giờ bền vững. Như một quả bóng bị ném đi, nó sẽ bật lại khi chạm tường. Sợ hãi giết chết tất cả, lòng tin, yêu thương, niềm kiêu hãnh, động lực phấn đấu, và đôi khi cả tính mạng của chính mình như trường hợp em nhỏ trong bài viết này.

Từ vụ nữ sinh An Giang tự tử tại trường vì uất ức và thái độ vô cảm của cô giáo chủ nhiệm: Quyền lực của nghề giáo và sự đáng sợ của bạo lực tâm lý học đường - Ảnh 5.

Sau nhiều ngày nằm viện, Y. tiếp tục phải điều trị tâm lý và cho biết em không muốn quay lại trường

Cha mẹ nếu không muốn mất con thì buộc phải trở thành nơi lũ trẻ tin cậy. Khi trẻ em sợ hãi, chúng sẽ không bao giờ nói ai đã làm hại mình, và đây chính là lý do tại sao hơn 90% các vụ xâm hại tình dục trẻ con là do người quen trong gia đình gây ra nhưng cha mẹ không hề hay biết.

Chúng sợ mình làm sai, sợ bị đổ lỗi, sợ bị mắng, sợ nói ra cha mẹ cũng không tin. Khi không thể tin tưởng và tâm sự thì các bé sẽ làm liều. Tuổi "trẻ trâu" hầu như ai cũng từng có ý nghĩ tự tử để trừng phạt gia đình và bạn bè để họ "sáng mắt ra". Tức nước vỡ bờ, bé nào ngoan quá hay nghe lời quá càng dễ tìm đến những giải pháp cực đoan để giải thoát.

Cha mẹ nếu không muốn mất con thì cũng buộc phải dạy trẻ phản kháng một cách văn minh, biết tôn trọng bản thân, biết giá trị bản thân. Một em bé ngoan có mặt trái của nó là bé sẽ không biết cách bảo vệ mình, dễ bị sợ hãi và người lớn quyền uy làm mất tinh thần. Cha mẹ có thể ích kỷ khi muốn con ngoan với mình nhưng lanh lợi với xã hội. Đó là điều không thể. Cũng thật thiếu logic khi nhiều cha mẹ lúc bé thì muốn con ngoan, bảo gì cũng nghe, nhưng lúc con lớn thì lại muốn chính cái con rối đó trở thành một cá nhân tự tin, quyết đoán, và độc lập.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: "Để nuôi một đứa trẻ cần sự cố gắng của một cộng đồng" (It takes the whole village to raise a child). Chính vì thế, sự việc đau lòng này cần phải hiểu từ nhiều khía cạnh. Trong cộng đồng ấy, chúng ta phải xem xét tất cả từ hệ thống giáo dục, lương bổng giáo viên, vai trò của cha mẹ, cho đến các thiết chế pháp luật.

Chỉ chửi bới một cô giáo phạm sai lầm thì quá dễ. Làm thế nào để sự việc như thế này không xảy ra nữa cần nhiều hơn là trừng phạt cô và ngôi trường cô đang làm việc. Nó bao gồm việc của ngành giáo dục, chính quyền, an ninh, tư pháp, cũng như chính từng bậc cha mẹ phải nhìn nhận lại vai trò và cách suy nghĩ của mình.

 

Theo Pháp luật và bạn đọc

 
 

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang