Ngày 19/8, dư luận vô cùng phẫn nộ trước thông tin một sản phụ tên V.T.Y. (32 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) mất con vì phải sinh giữa đường.
Điều đáng nói là thai phụ này bị một tài xế được thuê đưa đến bệnh viện nhất quyết đuổi xuống xe dù biết người phụ nữ đang trong tình trạng nguy hiểm.
Dẫu sao thì sự việc đau lòng đã xảy ra. Vấn đề là từ trường hợp này, làm cách nào để không xảy ra sự việc đau lòng như trên nếu chẳng may có sản phụ đẻ rơi mà chưa kịp đến bệnh viện.
Sản phụ đẻ rơi con giữa đường, sau đó trẻ tử vong ở Bình Phước.
Bác sĩ Hà Quốc Đạt, cố vấn chuyên môn khoa Sản, Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) chia sẻ, nếu biết sơ cứu đúng cách trẻ sơ sinh bị đẻ rơi giữa đường hoàn toàn có thể thoát chết.
Nếu chỉ thò đầu và thò mông ra thôi thì phải tiến hành đỡ đẻ. Trong tình huống này bắt buộc người bên cạnh phải biết đỡ đẻ hoặc phải tìm được người gần nhất biết đỡ đẻ.
Nếu bé đã ra khỏi người mẹ, điều đầu tiên cần thực hiện là phải giúp bé thở. Động tác đơn giản nhất là dùng vải sạch lau nhớt trong họng bé đi, hút nhớt ở mũi và lau sơ quanh đầu và người.
Nếu em bé vẫn không khóc (giúp kích thích thở) được thì phải cầm chân bé lên, vỗ nhẹ vào mông hoặc lưng, xoa lòng bàn tay, bàn chân của bé.
Sau đó, tiến hành giữ ấm cho trẻ. Cần dùng khăn hoặc tìm quần áo sạch quấn để trẻ không mất nhiệt.
Không tự tiện cắt dây rốn nếu không biết cắt hoặc bệnh viện ở gần. Nếu bệnh viện ở xa phải tìm cách cắt trước khi bánh nhau bị bong ra (15-20 phút sau sinh).
Có thể dùng dây chỉ hoặc sợi dây nào đủ chắc cột ở giữa dây rốn (cách 20-30cm từ chỗ gốc dây rốn) trước khi cắt.
Nếu vẫn không thể cắt rốn một cách an toàn cần tìm dụng cụ để kẹp dây rốn lại. Điều này giúp tránh việc máu chảy ngược về bánh nhau làm bé sốc mất máu.
Nếu đã hoàn thành việc cắt rốn cần đưa bé và sản phụ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nếu đã hoàn thành việc cắt rốn cần đưa bé và sản phụ đến bệnh viện có chuyên khoa Sản càng sớm càng tốt.
Theo bác sĩ, trẻ sơ sinh tử vong do những nguyên nhân phổ biến là hạ đường huyết, lạnh và suy hô hấp.
Trẻ sinh non thường viêm phổi, suy hô hấp, thiếu surfactant (chất làm cho phổi giãn nở) nên dễ dẫn đến tử vong nếu không được hỗ trợ hô hấp kịp thời.
Để điều trị suy hô hấp, các bác sĩ sẽ bơm surfactant liên tục vào người bé. Tùy trường hợp, để đảm bảo trẻ không bị hạ đường huyết bác sĩ cũng có thể được đặt đường truyền và truyền dung dịch đường.
Gần đây, phác đồ Giờ vàng đã được một số bệnh viện chuyên khoa Sản lựa chọn can thiệp cứu sống nhiều bệnh nhi sinh non rất ít tháng.
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.