Mua filler online để tiêm nâng mũi, cô gái bị hoại tử đáng sợ
Mới đây, trong một nhóm kín chuyên bóc phốt làm đẹp trên Facebook đang chia sẻ rầm rộ hình ảnh mũi bị hoại tử, nổi đầy mủ của một cô gái. Theo như lời dẫn lại, đây là trường hợp hoại tử mũi do tiêm filler giá rẻ được mua qua mạng online để nâng mũi.
Thông tin được chia sẻ trong nhóm kín nhưng thu hút đông đảo sự theo dõi của mọi người với 1.800 lượt bày tỏ cảm xúc và hơn 600 bình luận sau hơn 10 giờ đăng tải. Đa số các bình luận đều bày tỏ nỗi sợ hãi vì việc tự ý mua filler qua mạng vốn đã có nguy cơ trà trộn nhiều hàng giả, thiếu sự bảo hành. Chỉ vì ham rẻ ham đẹp mà cô gái này đã phải nhận cái kết đắng chát với hình ảnh mũi bị hoại tử, nổi đầy mủ vô cùng đáng sợ.
"Tuy nhiên, nâng mũi bằng filler không giữ được lâu, hình dáng mũi không được cải thiện nhiều, chỉ nâng cao phần sống mũi và can thiệp được ít hình dáng đầu mũi và lỗ mũi. Chưa kể, bạn có nguy cơ tắc mạch nếu người tiêm không phải là bác sĩ có trình độ, kinh nghiệm tiêm vào mạch máu dẫn đến hoại tử, mù mắt. Theo thời gian, vùng mũi được tiêm chất làm đầy cũng dễ bè to, không đẹp như lúc mới tiêm", BS Hoàng Tùng nhận định về việc nâng mũi bằng filler.
Đó là đối với việc tiêm filler có bác sĩ hay kỹ thuật viên được đào tạo tay nghề chứ không nói đến việc người không có đủ thẩm quyền thực hiện, cũng chưa cần kể đến việc tự ý mua filler trôi nổi ngoài thị trường, không nắm rõ chất liệu, thành phần, nguồn gốc của chất làm đầy. Vậy mà đã có hàng loạt những nguy hiểm rình rập, không hiểu tại sao đến giờ vẫn nhiều người vì ham đẹp ham rẻ mà quá đỗi mù quáng?
Không nên nâng mũi bằng filler là lời khuyên của bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ!
Là một chuyên gia trong ngành, GS.TS Trần Thiết Sơn (Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn) nhận định, tiêm filler được nhiều chị em hiện nay rất ưa chuộng bởi lẽ đây là hình thức phẫu thuật thẩm mỹ không cần đụng đến dao kéo, không gây đau đớn, không mất nhiều thời gian cũng như không phải nghỉ dưỡng…
Tuy nhiên, vị chuyên gia này không khuyến khích nâng mũi bằng filler. Nguyên nhân là chất này không thể đậu trên sống mũi. Trong khi cấu tạo sống mũi có đặc điểm nửa phần trên là xương, phần dưới là sụn.
Cả phần mũi có hình tháp, nếu bổ ngang sẽ cho hình tam giác. Do đó, chất làm đầy không thể đậu trên đỉnh của tam giác này. Dần dần, phần da phía trên đè xuống, xẹp sang 2 bên khiến mũi bị bè, to. Càng bơm nhiều, chất làm đầy càng bị ép khiến dịch tràn sang 2 bên vì đây là vùng trũng. Từ đó, mũi có nguy cơ biến dạng, bên cạnh nguy cơ hoại tử, nhiễm trùng do chất liệu không đảm bảo.
Nếu bạn đang xem xét việc nâng mũi bằng cách tiêm chất làm đầy, hãy cân nhắc kỹ. Bởi nâng mũi bằng filler chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn bên cạnh nhiều biến chứng hoại tử giống như cô gái này. Nếu tiêm filler mua qua mạng thì nguy cơ gặp họa càng tăng cao hơn nữa.
Tốt nhất, hãy hỏi kỹ bác sĩ của bạn loại chất làm đầy mà họ dự định sử dụng. Và hãy chắc chắn rằng bác sĩ thực hiện có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật nâng mũi đồng thời thực hiện với trang thiết bị y tế đầy đủ. Tuyệt đối tự ý nâng mũi bằng filler hay bất cứ khu vực nào trên cơ thể khi bạn không được đào tạo chuyên môn cũng như tự ý mua filler trôi nổi trên mạng về dùng chỉ vì ham rẻ.
Theo ttvn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.