Tháng 6 tới đây, ca sĩ Tùng Dương sẽ thực hiện liveshow thứ 10 trong sự nghiệp của mình, mang tên "Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng".
Gặp Tùng Dương vào những ngày trước thềm diễn ra live show, chúng tôi nhận được nhiều chia sẻ thẳng thắn về 4 nhạc sĩ lớn và con đường âm nhạc của anh.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường luôn yêu quý và coi tôi như một người con
Sắp tới đây, anh sẽ tổ chức liveshow "Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng". Đây thực sự là một thử thách lớn đối với anh, vì chỉ cần hát được nhạc của một trong 4 người thôi cũng đã là thách đố lớn với ca sĩ rồi...
Dự án này, tôi đã ấp ủ từ rất lâu. Tới bây giờ, khi có đủ thiên thời địa lợi và nhân duyên, tôi mới dám thực hiện. Liveshow Trời và Đất tôi thực hiện năm ngoái, với sự góp mặt của 4 diva nhạc nhẹ Việt Nam, đã là một concecpt khó làm rồi. Nhưng lần này còn nhiều khó khăn hơn khi dám "đụng" vào 4 ông lớn.
Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến đều là những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Để kết hợp được 4 màu sắc, cá tính âm nhạc này với nhau là điều không hề đơn giản, vì âm nhạc của họ đã là một phần lịch sử và đi suốt dòng chảy đương đại rồi.
Chúng ta chỉ có một Trần Tiến du ca đồng nội, bay bổng nhưng mộc mạc, rất đời và đậm tính triết lí, theo những miền ông đã qua. Hay, một Dương Thụ viết về tình yêu, ẩn ức phụ nữ nhiều hơn. Ông viết nhiều về sự tĩnh lặng trong tâm hồn người đàn ông đã trải qua nhiều biến cố cuộc đời.
Chúng ta cũng chỉ có một Phó Đức Phương nặng tình với quê hương, nhạc dân gian. Ông đi rất nhiều nơi, nhưng cuối cùng lại trở về "ăn bánh đa, bánh đúc", kêu gọi mọi người quay lại với đất mẹ, bản quán.
Phó Đức Phương và Tùng Dương
Nguyễn Cường lại không chỉ là sự hào sảng của đại ngàn, mà còn đậm dân tộc tính trong dòng máu của mình. Trong từng câu từng chữ ông viết đều mang nặng nỗi ám ảnh về dân gian. Khi thực hiện album Nguyễn Cường, tôi mới nhận thấy rõ bức chân dung này.
Số lượng tác phẩm của họ quá đồ sộ, nên để kết nối họ lại rồi vẽ chân dung họ trong một liveshow là không thể đủ. Nhưng đây là góc nhìn riêng của tôi. Tôi mong muốn những thế hệ con cháu mai sau sẽ tiếp quản giá trị mà 4 nhạc sĩ để lại.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường từng nhận xét, "Tùng Dương là một người ca sĩ viết lại lịch sử nhưng vẫn giữ được cốt cách của mình trong đó". Anh nghĩ sao về ý kiến này?
Nhạc sĩ Nguyễn Cường luôn coi tôi là một người con và yêu quý nhất mực, nên đây là những lời khen, góp ý chân thành ông dành cho tôi. Chúng tôi đã từng trải qua năm tháng cùng nhau, đi sâu vào nhau, hiểu nhau sâu sắc để hát được nhạc của nhau và tạo nên sự ăn ý trong âm nhạc.
Nguyễn Cường lúc nào cũng tưng tửng, hoan ca và rực rỡ, hào sảng, dương tính.
Tùng Dương và Nguyễn Cường
Tôi và Bằng Kiều sẽ hát cùng nhau với tâm thế của người đàn ông
Trong 4 nhạc sĩ Bộ tứ sông Hồng, Tùng Dương cảm thấy yêu thích và phù hợp với âm nhạc của ai nhất?
Nếu nói như vậy thì không công bằng với họ. Tôi không thể nói mình thích nhạc của ai hơn vì mỗi người là một màu sắc, cá tính riêng, không thể trộn lẫn. Các ông đều đại diện cho hoàn cảnh lịch sử của mình và viết nhạc một cách trần trụi nhất – đặc biệt là Trần Tiến.
Giống như trong thơ ca, tôi không thể nói mình thích thơ Lưu Quang Vũ hay Bùi Giáng, Chế Lan Viên hơn. Trong góc nhìn của tôi, tôi chạm được đến cảm xúc sâu thẳm trong nhạc của cả 4 người. Tôi có nhiều duyên nợ với 4 nhạc sĩ này và cảm thấy mình như người bạn tâm giao của họ.
Trần Tiến và Tùng Dương
Đây là liveshow thứ 10 trong sự nghiệp ca hát của anh. Anh dự định sẽ làm những gì để gây dấu ấn với khán giả?
Mỗi một liveshow đều cho tôi và ekip sự trưởng thành, nhìn nhận và thay đổi chính mình. Tôi vào nghề gần 15 năm và 10 năm liên tục làm liveshow, nên ít nhiều đã có trải nghiệm.
Về liveshow lần này, tôi chưa bao giờ nặng tình như vậy. Đây vừa là sự tri ân tới các bậc cha chú, lại vừa thể hiện sáng tạo của mình.
Tôi đang ở tuổi tràn đầy năng lượng, nên không thể ngồi yên được phút nào. Bao giờ tôi cũng phải hoạt động, lao động không nghỉ, lúc chỗ này, lúc chỗ khác.
Tùng Dương và Thanh Lam là bộ đôi ăn ý của làng nhạc Việt, nhưng trong liveshow sắp tới, anh lại mời Bằng Kiều và Hà Trần chứ không phải chị ấy? Có nguyên nhân gì chăng?
Thanh Lam rất hợp với nhạc của 4 nhạc sĩ này. Chị là người đi trước và hát nhạc của họ từ rất lâu rồi. Chị gắn bó với các chú nhiều hơn tôi.
Thanh Lam và Tùng Dương
Nhưng trong 10 live show của tôi thì phải có tới 7, 8 show có mặt Thanh Lam rồi, nên tôi sẽ ém lại cho lần sau. Không thể để công chúng phải ăn mãi một món ăn, sẽ khiến họ thấy nhàm. Vẫn còn rất nhiều thời gian để tôi và chị Lam hát cùng nhau.
Bằng Kiều và Hà Trần cũng là bậc đàn anh, đàn chị đi trước tôi. Họ cũng có năm tháng gắn bó với âm nhạc của 4 nhạc sĩ này, nên rất trải nghiệm.
Tôi và Bằng Kiều đã từng hát với nhau đôi lần, nhưng chưa bao giờ hợp tác chính thức trong một dự án âm nhạc, nên lần này tôi muốn mời anh ấy. Lần này, chúng tôi sẽ hát những bài khán giả chưa từng nghĩ đến và phối mộc acoustic cùng nhau.
Bằng Kiều và Tùng Dương
Có những bài tưởng chừng chỉ dành cho giọng nữ, rất âm tính, gắn với 4 diva, thì chúng tôi sẽ thể hiện lại nó theo cách khác. Đặc biệt, chúng tôi sẽ hát nhạc Dương Thụ với tâm thế đích thực của một người đàn ông.
Trong liveshow này, tôi cũng muốn tái hiện cuộc đời của 4 Tráng sĩ sông Hồng, từ khi thoát thai làm người tới lúc thành công. Tôi rất nặng tình với họ.
-
Dương Thụ: Tôi rất buồn khi các ca sĩ ngày nay cứ chạy theo nhạc xưa, giờ là Bolero
Đó là bản ngã của tôi, không chiều theo số đông được
Có phải ở bất cứ loại nhạc nào, anh cũng tạo được bản sắc riêng khi thể hiện?
Nếu không biến hóa thì không phải Tùng Dương. Tôi muốn làm tận cùng những điều mình đặt ra, kể cả khi hát tình ca hay nhạc thể nghiệm. Tôi sẽ chọn những ca khúc đúng với trường phái của mình.
Từ khi học nhạc viện, tôi đã được thầy Quang Thọ dạy cho nền tảng kĩ thuật cổ điển vững chắc. Sau đó, tôi lại học thêm từ các danh ca trên thế giới, để chuyển mình sang nhạc nhẹ.
Thời học trung cấp nhạc viện, cách đây khoảng 20 năm, tôi có đi xin hát ở các quán bar. Lúc đó, ông bầu bắt phải hát những bài hit theo kiểu nhạc Hoa lời Việt, nhưng tôi kiên quyết không hát.
Tôi tự chọn một list nhạc riêng của mình để hát thử, như Ly cà phê Ban Mê hay Không thể và có thể. Nhưng sau khi nghe xong, họ lắc đầu kêu tôi hát không hợp, dù rất hay, nên không được nhận. Tới quán thứ ba, tôi vẫn bị từ chối, nên tự nhận thức được gu nhạc của mình không theo số đông.
Khi tôi thi Sao Mai Điểm Hẹn 2004, anh Lê Minh Sơn có nói rằng, muốn nghe được Ngọc Khuê thì phải nghe Tùng Dương trước. Tôi hát xong, anh ấy vào tận cánh gà bảo với tôi: "Anh chưa bao giờ nghe một giọng nam nào hát xúc động đến thế". Sau đó, anh đưa luôn cho tôi bài Ôi quê tôi.
Đó là bản ngã của tôi, tôi không chiều theo số đông được.
Anh có thể chia sẻ những dự định, dự án trong năm nay được không?
Năm nay, tôi đã thực hiện album riêng cho nhạc sĩ Nguyễn Cường. Hình ảnh nhạc sĩ Nguyễn Cường vốn gắn với đại ngàn, núi rừng, nhưng lần này, tôi sẽ thể hiện những nét sử thi hoàn toàn khác.
Những bài hát rất nặng về kĩ thuật thanh nhạc như Mái đình làng biển, Nét ca trù ngày xuân… sẽ lần đầu tiên được xuất hiện chung trong một album nhạc.
Sau liveshow này, tôi sẽ bắt tay với nhạc của những nhạc sĩ trẻ như Sa Huỳnh, Lưu Hà An. Sức làm việc như này là quá nhiều trong một năm rồi.
Từ giờ tới năm 40 tuổi, tôi sẽ phải cố gắng thực hiện những kế hoạch đã vạch ra. Tuổi trẻ thì phải sung sức, cố gắng và khắt khe với chính mình để tạo ra thành quả. Qua 40 tuổi thì sức ì bắt đầu đến rồi, nên phải tận dụng tuổi thanh xuân.
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.