Từng vỡ trận vì Covid-19, Italy đã học cách sống chung với đại dịch như thế nào?

Sau khi rút ra bài học kinh nghiệm đau đớn qua làn sóng dịch bệnh Covid-19 đầu tiên, Italy đã áp dụng một loạt biện pháp giúp người dân và nền kinh tế dần hướng đến trạng thái bình thường mới.

Italy là quốc gia phương Tây đầu tiên hứng chịu cuộc khủng hoảng Covid-19 nghiêm trọng nhất. Vào đầu năm 2020, khi nhiều khu vực của nước này tràn ngập các ca mắc Covid-19, một số phương tiện truyền thông cho rằng, chính phủ đã mất quá nhiều thời gian để áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Từng vỡ trận vì Covid-19, Italy đã học cách sống chung với đại dịch như thế nào? - Ảnh 1.

Italy đang học cách sống chung với Covid-19. Ảnh minh họa: Anadolu Agency.

Nhưng Italy đã rút ra một số bài học kể từ lần đầu tiên phong tỏa toàn quốc vào tháng 3/2020 và giờ đây, sau 1 năm rưỡi kiểm soát được làn sóng Covid-19 đầu tiên, nước này đã áp dụng các biện pháp, thậm chí còn nghiêm ngặt hơn cả các quốc gia khác, chẳng hạn như Mỹ.

Với những quy định mới được đặt ra, trong đó có việc yêu cầu xuất trình giấy xác nhận tình trạng tiêm chủng đối với một số hoạt động nhất định, cuộc sống hàng ngày của người dân Italy đang tiến tới cái gọi là “trạng thái bình thường mới”. Nhìn chung, người dân Italy ủng hộ chính sách này dù đôi khi chúng gây ra một chút phiền toái hoặc đòi hỏi thực hiện các biện pháp bổ sung.

“Chứng chỉ xanh”

Kể từ ngày 6/8, chính phủ Italy yêu cầu người dân phải xuất trình “chứng chỉ xanh” (hay còn gọi là "chứng chỉ Covid-19 kỹ thuật số” do Liên minh châu Âu triển khai") để tham dự các sự kiện lớn, ăn uống trong không gian trong nhà, đến phòng tập thể thao và nhiều hoạt động khác.

“Chứng chỉ xanh” về cơ bản là loại giấy thông hành vaccine, được cấp miễn phí dưới dạng giấy hoặc điện tử, xác nhận người sở hữu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ, được tiêm phòng đầy đủ hoặc đã hồi phục sau khi mắc bệnh. Loại giấy tờ này do một quốc gia thành viên cấp và phải được các quốc gia khác chấp nhận làm bằng chứng hợp lệ.

Theo một khảo sát do SWG Research thực hiện, hơn 50% dân số Italy ủng hộ việc sử dụng “Chứng chỉ xanh” để điều chỉnh hoạt động đi lại và nhiều hoạt động khác. Các chủ doanh nghiệp cũng hoan nghênh việc sử dụng yêu cầu này nhằm tránh việc phải áp dụng thêm nhiều biện pháp hạn chế hơn nữa.

Trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta độc lực cao, chính phủ Italy đã kêu gọi người dân tăng cường tiêm vaccine và yêu cầu sử dụng “chứng chỉ xanh” được cho là một biện pháp hữu hiệu thúc đẩy người dân đến các cơ sở tiêm chủng. Ngay sau khi Thủ tướng Mario Draghi công bố yêu cầu về “chứng chỉ xanh” vào ngày 22/7, một số khu vực đã ghi nhận số người đăng ký tiêm cao kỷ lục, chẳng hạn như Abbruzzo, Lazio, Lombardia, Piemonte và Toscana.

Gấp rút thực hiện mục tiêu tiêm chủng

Theo các cuộc khảo sát, người dân Italy coi vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna là những loại vaccine hiệu quả nhất chống lại biến thể Delta trong số 4 loại vaccine được Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt. Vì vậy, trong các đợt đăng ký thời gian gần đây, hầu hết người đăng ký đều lựa chọn hai loại vaccine nói trên.

Tính đến ngày 4/ 8, tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc tại của Italy cao hơn Mỹ với 53% số người đủ điều kiện được phòng chủng đầy đủ và 64% đã tiêm mũi đầu tiên, trong khi các con số này tại Mỹ lần lượt là 50% và 58%. Ông Francesco Paolo Figliuolo, quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống Covid-19 của Italy đã đặt mục tiêu tiêm tiêm chủng ít nhất 80% dân số cho tới cuối tháng 9. Tiến sĩ Giovanni Rezza, Giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm tại Bộ Y tế Italy cho rằng, điều đó sẽ cho phép Italy đạt được trạng thái bình thường mới trong những tháng đầu năm 2022.

Hệ thống mã màu theo dõi dịch bệnh

Với tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 phải sử dụng giường chăm sóc đặc biệt khá thấp, chiếm 3% tính đến ngày 4/8 và vaccine được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc, Bộ Y tế Italy điều chỉnh lại việc sử dụng hệ thống mã màu để áp dụng các quy định về y tế căn cứ vào tình hình của từng khu vực.

Trong hơn một năm qua, Italy đã áp dụng hệ thống mã màu: trắng, vàng, cam, đỏ theo thứ tự mức độ khẩn cấp, căn cứ vào số ca mắc Covid-19 của mỗi khu vực. Nhưng kể từ ngày 22/7, các mã màu được sửa đổi theo tuần, dựa trên cả tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ nhập viện trên 100.000 người dân. Một khu vực được đánh giá là vùng đỏ khi tỷ lệ lây nhiễm theo tuần cao hơn 150 trên 100.000 người, kết hợp với tỷ lệ bệnh nhân phải sử dụng giường chăm sóc đặc biệt là 30% và tỷ lệ nhập viện nói chung là 40%. Sự thay đổi này đã được chính quyền nhiều khu vực tại Italy ủng hộ mạnh mẽ.

Đeo khẩu trang và giãn cách xã hội

Ngoài yêu cầu “chứng chỉ xanh”, Italy vẫn duy trì một số quy định, chẳng hạn như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Tuy vậy, quy định này không bắt buộc đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật và những người chăm sóc người khuyết tật vì điều này có thể gây cản trở đối với việc giao tiếp hoặc chăm sóc.

Tại các điểm du lịch trên bờ biển nổi tiếng của Italy, được mở cửa trong mùa Hè năm nay, các khu nghỉ mát ven biển, nhà hàng, quán bar cũng phải yêu cầu khách du lịch thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi cần thiết hoặc buộc phải thực hiện theo quy định của chính phủ.

Du khách từ một số quốc gia khác đến Italy, phải xuất trình các loại giấy tờ chẳng hạn như giấy chứng nhận Covid-19 kỹ thuật số của EU hay thẻ tiêm phòng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, giấy xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận phục hồi sau khi mắc Covid-19.

Điều chỉnh công việc và học tập

Các văn phòng vẫn cung cấp cho nhân viên lựa chọn làm việc từ xa, đặc biệt là những người có nguy cơ rủi ro cao. Khi những nhân viên không thuộc nhóm rủi ro quay trở lại làm việc, họ được sắp xếp luân phiên nhằm hạn chế số lượng người trong văn phòng.

Một số công ty, trong đó có cả các công ty quốc tế có văn phòng tại Italy cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm tuân thủ những quy định mới liên quan đến đại dịch. Chẳng hạn, công ty sản xuất ô tô Ferrari đã đóng cửa nhà máy chính thức ở Maranello 3 ngày trước khi lệnh phong tỏa đầu tiên được áp dụng. Công ty này cũng thành lập một nhóm chuyên trách đảm bảo các nhân viên thực hiện theo quy định và khuyến nghị của chính phủ Italy.

Năm học mới tại Italy chính thức bắt đầu vào ngày 13/9, nhưng chính phủ nước này vẫn chưa ban hành các chính sách chính thức cho việc mở cửa trở lại trường học và vẫn chưa rõ những biện pháp nào sẽ được áp dụng trong suốt năm học. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chính sách này, chẳng hạn như tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 12 đến 19 tuổi và việc duy trì giãn cách tại các trường học.

Theo quy định của Italy, bắt đầu từ tháng 9/2021, giáo viên, nhân viên các trường học và sinh viên các trường đại học sẽ phải xuất trình “chứng chỉ xanh” hoặc phải thường xuyên làm xét nghiệm Covid-19./.

 

 

Link gốc: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tung-vo-tran-vi-covid-19-italy-da-hoc-cach-song-chung-voi-dai-dich-nhu-the-nao-886810.vov

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang