Tuổi đôi mươi đã lão hoá buồng trứng

(lamchame.vn) - Kết hôn hơn một năm không có con, Cao Thuỳ Dung 29 tuổi, ở Hà Nội đi khám thì phát hiện buồng trứng suy kiệt, nguy cơ mãn kinh sớm, khó có con.

Dù còn khá trẻ nhưng 2 năm gần đây, kinh nguyệt của Dung rất thưa, chu kỳ chỉ kéo dài 2-3 ngày, lượng cũng ít dần. Các bác sĩ tư vấn cô nên kích trứng để sinh con, nhưng sau kích, Dung vẫn không thu được nang noãn nào.

Dung xét nghiệm kiểm tra và phát hiện chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) chỉ còn 0.5 ng/ml. Thông thường ở độ tuổi này, chỉ số AMH là trên 2. Chỉ số dự trữ buồng trứng của cô gái này tương đương với phụ nữ 40-50 tuổi.

Các bác sĩ tư vấn cách duy nhất để có con là xin trứng, sau đó làm thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của chồng. Dung quyết định xin trứng của người thân. Kết quả thu được 4 nang. Số trứng này chuyển cho Dung để thụ tinh ống nghiệm.

Hiện, Dung đã sinh con, đồng thời còn hai phôi đông lạnh lại trung tâm hỗ trợ sinh sản. Người phụ nữ cho Dung trứng sau đó tiếp tục kích trứng thêm một chu kỳ để dự trữ trứng cho chính mình.

Một cô gái khác ở Hà Nội, 25 tuổi, chưa kết hôn, cũng được chẩn đoán suy buồng trứng sớm. Cô này bị rối loạn kinh nguyệt, sau đó mất kinh. Kết quả xét nghiệm AMH rất thấp, kích trứng không đáp ứng. Tương tự như Dung, cô gái này muốn sinh con cũng phải xin trứng để thụ tinh ống nghiệm.

Đây là hai trong nhiều phụ nữ bị suy giảm buồng trứng được các bác sĩ tư vấn sử dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản để sinh con.

Tuổi đôi mươi đã lão hoá buồng trứng - Ảnh 2.

Bác sĩ kiểm tra chất lượng trứng trưởng thành cho bệnh nhân. (Ảnh: BSCC)

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thông thường phụ nữ ở độ tuổi 40-50 mới mãn kinh, suy buồng trứng. Ngày nay, nhiều phụ nữ tuổi 30, thậm chí mới hơn 20, đã suy buồng trứng chưa rõ nguyên nhân.

Đa phần họ đến bệnh viện khám vì rối loạn kinh nguyệt, kết hôn lâu không có con, hoặc đã có một con muốn sinh con thứ hai nhưng không thụ thai. Khi được chẩn đoán suy giảm buồng trứng sớm, hầu hết phản ứng của họ là bất ngờ, giải pháp phải kích trứng hoặc xin trứng để làm thụ tinh ống nghiệm.

Trên thế giới, khoảng 9-24% phụ nữ bị suy giảm buồng trứng trong số trường hợp cần hỗ trợ sinh sản. Ở Việt Nam, hiện không có thống kê tỷ lệ suy giảm buồng trứng, tuy nhiên gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn so với những năm trước.

“Tỷ lệ phát hiện suy buồng trứng cao hơn có thể do phụ nữ quan tâm đến sức khỏe và chủ động đến bệnh viện khám nhiều hơn”, bác sĩ Hà nói. Những trường hợp chỉ số dự trữ buồng trứng dưới 1,1 ng/ml cần phải dự trữ trứng, hoặc đẩy sớm quá trình mang thai.

Một số người bị suy buồng trứng sớm có triệu chứng tương tự mãn kinh tự nhiên, bao gồm cơn bốc hỏa, dễ kích động, khó tập trung tư tưởng, ít quan tâm đến tình dục, mất khả năng sinh sản.

Theo chuyên gia, không có cách nào phục hồi hoạt động bình thường của buồng trứng. Phụ nữ nên xét nghiệm kiểm tra sớm, trường hợp đang có dấu hiệu suy giảm cần đến bệnh viện kích trứng, đông trứng để sau này sinh con.

Nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng không rõ ràng, một vài yếu tố như hormone, gene, hệ miễn dịch, ung thư. Các nguyên nhân về sinh hoạt và ăn uống chưa được chứng minh.

Để phòng suy giảm dự trữ buồng trứng sớm, phụ nữ nên xây dựng lối sống lành mạnh, tránh căng thẳng, ăn đủ chất, hạn chế tiếp xúc với hóa chất, khám phụ khoa định kỳ.

Phụ nữ nên kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai để bác sĩ đánh giá chức năng buồng trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng, từ đó cân nhắc biện pháp hỗ trợ sinh sản.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang