Tưởng chỉ đau dạ dày nhưng "chết đứng" vì phát hiện ung thư

(lamchame.vn) - Ung thư dạ dày thường không có biểu hiện điển hình, nhiều người dễ nhầm tưởng với chứng đau dạ dày.

Ung thư dạ dày thường được phát hiện trễ

Mới đây, các bác sĩ khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TPHCM đã phẫu thuật điều trị ung thư dạ dày cho bà T.T (52 tuổi, ngụ tại Huyện Ninh Phước, Tỉnh Ninh Thuận) bằng phương pháp cắt bỏ phần dạ dày chứa khối u.
Bà T thường xuyên đau bụng âm ỉ đã 2 năm nay. Bà có đi khám ở bệnh viện gần nhà và được chẩn đoán bị viêm dạ dày và điều trị bằng thuốc nhưng không thuyên giảm. Bà ngày càng đau nhiều hơn, ăn uống kém, cơ thể suy nhược, mệt mỏi. Sau khi đến khám tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, thực hiện các xét nghiệm, sinh thiết khối u trong dạ dày thì phát hiện tế bào ung thư.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư dạ dày (ảnh BVXA)

Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ca phẫu thuật thành công. Sau 3 ngày phẫu thuật, bà T có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. Trong thời gian sắp tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi và hóa trị để ngăn ngừa những tế bào ung thư còn tiềm ẩn.

BS. Bùi Chí Viết – Trưởng khoa Ung Bướu Bệnh viện Xuyên Á cho biết, ung thư dạ dày là một trong những ung thư thường gặp tại Việt Nam, tuy nhiên đại đa số ung thư dạ dày đều phát hiện trễ. Đa số người bệnh thường chủ quan vì nghĩ đau dạ dày là bệnh đơn giản mà không đi khám hoặc điều trị dứt điểm. Ung thư dạ dày nếu được tầm soát phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi bệnh rất cao.

Ăn thực phẩm ngâm chua dễ bị ung thư dạ dày

 BS Võ Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu Hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng cho biết, nguyên nhân gây ung thư dạ dày thực sự vẫn chưa được biết đến rõ ràng nhưng các yếu tố nguy cơ đã được nghiên cứu và ghi nhận. Những quần thể tiếp xúc thường xuyên với nguy cơ này nhiều và lâu ngày thì tỉ lệ ung thư dạ dày cao hơn những quần thể khác.

Yếu tố nguy cơ ung thư dạ dày là chế độ ăn nhiều muối, ủ ngâm muối, lên men, thịt hun khói và nướng, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại, thuốc lá, béo phì, người bệnh bị nhiễm virus HP kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác thì tỉ lệ ung thư dạ dày sẽ cao. Đối tượng bị mắc bệnh dạ dày như loét, viêm dạ dày mãn tính, phẫu thuật dạ dày trước, polyp dạ dày, yếu tố di truyền, nhóm máu A thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người bình thường.

Thực phẩm muối chua làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày 

BS Võ Duy Long khuyến cáo cộng đồng sau 40 tuổi, nếu người bệnh có dấu hiệu đau bụng lâu dài, ăn không tiêu, đầy bụng hoặc có yếu tố nguy cơ gia đình hoặc nhiễm virus HP lâu dài điều trị không hết thì nên đi tầm soát ung thư. Phương pháp tầm soát ung thư dạ dày là nội soi dạ dày. Tại Nhật Bản, người trên 40 tuổi sẽ được khám và chụp Barium, nếu có bất thường sẽ được chỉ định nội soi dạ dày. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chương trình tầm soát được thực hiện mỗi 2 năm/ lần cho người trên 60 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ gia đình, polyp, loạn sản và mỗi 3 năm/ lần cho người trên 40 tuổi. Bệnh lý ung thư dạ dày nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng điều trị khỏi hẳn bệnh là rất cao.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang