Khi các điểm nóng báo cáo số ca nhiễm SARS-CoV-2 cũng như con số tử vong vì bệnh này đang tăng nhanh trên toàn thế giới, cơn sốt trữ hàng hoá lại xuất hiện. Ngoài thực phẩm, khẩu trang và nước rửa tay, lần này hai thứ hàng mới là thuốc hạ sốt và thuốc ho cũng vào tầm ngắm.
Tại Canada nơi tôi sinh sống, các siêu thị gần khu vực đông dân cư thường xuyên được vét sạch paracetamol trên kệ. Vào chiều cuối tuần qua, Ibuprofen (một loại thuốc kháng viêm) cũng biến mất trên kệ.
Cũng đúng ngay thời điểm này, Bộ trưởng Y tế Pháp Oliver Véran chia sẻ trên tweeter như sau: "Thuốc kháng viêm (ibuprofen, cortisone) có thể là yếu tố làm cho bệnh nhiễm trùng của bạn nặng hơn. Nếu bạn bị sốt, hãy dùng paracetamol. Nếu bạn đang điều trị với thuốc kháng viêm hay có thắc mắc, hãy hỏi bác sĩ". Dòng tweet đó gây chú ý của dư luận với hơn 41.000 lượt chia sẻ.
Sức hút lớn từ dòng tweet của Bộ trưởng Y tế Pháp Oliver Véran. Kênh Twitter của vị Bộ trưởng này có gần nửa triệu người theo dõi.
Sau đó một bài báo dưới dạng thư tín gửi cho tạp chí Lancet Respiratory đưa ra một giả thuyết rằng ibuprofen có thể khiến SARS-CoV-2 dễ dàng xâm nhập cơ thể và làm bệnh nặng hơn. Cộng đồng lo lắng. Một số người đang dùng các thuốc kháng viêm theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn của dược sĩ đột nhiên hoang mang. Có nên ngưng thuốc hay không? Nên sử dụng thuốc nào cho hạ sốt?
Thuốc kháng viêm là gì?
Trước khi trả lời các câu hỏi này, xin được chia sẻ thông tin chung về 2 nhóm thuốc được đề cập ở trên. Cortisone hay corticosteroid là thuốc kê toa có tác dụng kháng viêm, ức chế miễn dịch, có nhiều chỉ định cho các tình trạng cấp và mạn tính như sốc nhiễm trùng huyết, cơn cấp hen suyễn, dị ứng, Lupus ban đỏ hệ thống… Nếu tự ý dùng mà không có sự theo dõi của bác sĩ, dược sĩ có thể dẫn đến nguy cơ gặp tác dụng phụ như cao huyết áp, hội chứng Cushing hay che lấp dấu hiệu nhiễm trùng.
Ibuprofen là thuốc không cần kê toa nên dễ dàng mua ở nhà thuốc để hạ sốt, giảm đau, giảm viêm. Nhưng vẫn phải cẩn trọng khi dùng nó.
Trong các ca suy gan, paracetamol là thuốc không kê đơn được sử dụng rộng rãi nhất. Nguồn express.co.uk
Tháng 4/2019, Cơ quan quốc gia về an toàn thuốc và các sản phẩm sức khoẻ của Pháp (ANSM) thông báo các ca nhiễm trùng, nhất là nhiễm Streptococcus có thể bị tăng nặng khi dùng ibuprofen.
Từ đó ANSM khuyến cáo nhân viên y tế cũng như người dân nên ưu tiên paracetamol khi điều trị đau và sốt. Họ cũng nhắc lại các nguyên tắc dùng các thuốc kháng viêm không chứa steroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs – NSAIDs) như ibuprofen một cách an toàn và hợp lý, cụ thể là sử dụng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất có thể.
Nhìn ở góc độ cộng đồng, lời cảnh báo của ông Véran là có cơ sở. Không nên sử dụng ibuprofen không theo chỉ dẫn hay tự ý dùng corticosteroid vì nghi ngờ bản thân bị nhiễm COVID-19.
Để điều trị sốt, paracetamol an toàn hơn ibuprofen hay các các thuốc kháng viêm không chứasteroid khác; nhưng nếu không có hay không dùng được paracetamol thì ibuprofen vẫn là lựa chọn nếu sử dụng hợp lý và thận trọng.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng đã cho biết hiện không có bằng chứng cho thấy ibuprofen có thể gây nặng cho tình trạng nhiễm COVID-19. Giả thuyết đưa ra trên tạp chí Lancet Respiratory cho đến nay vẫn chỉ là giả thuyết mà thôi.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 20/3 đưa ra một lời khuyên mới liên quan đến ibuprofen, loại thuốc hạ sốt kháng viêm được nhiều người ưa chuộng: "Tại thời điểm này, dựa trên các thông tin hiện có, WHO không khuyến nghị mọi người tránh sử dụng ibuprofen". Khuyến nghị mới này trái với tuyên bố trước đó hôm thứ ba 17/3 của người phát ngôn WHO, cho rằng người dân nên ưu tiên sử dụng paracetamol khi có các triệu chứng giống với nhiễm Covid-19. Nguồn: Trí Thức Trẻ.
Với những bệnh nhân đang dùng các thuốc kháng viêm không chứa steroid như ibuprofen, naproxen, celecoxib, meloxicam hay dùng corticosteroid cho các bệnh lý cụ thể, đúng chỉ định điều trị, hãy tiếp tục dùng bình thường. Việc tự ý ngưng thuốc có thể khiến bệnh lý đang được kiểm soát tốt trở thành mất kiểm soát, từ đó gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
Nếu muốn ngưng thuốc, buộc phải trao đổi cùng bác sĩ và dược sĩ.
Paracetamol thì sao?
Paracetamol được chỉ định cho hạ sốt và điều trị đau nhẹ đến đau vừa vừa. Mặc dù không phải là thuốc giảm đau hiệu quả nhất nhưng do nguy cơ tác dụng phụ thấp nên paracetamol vẫn được lựa chọn đầu tiên cho một số bệnh ở nhiều đối tượng đặc biệt, như viêm khớp, đau và sốt ở trẻ em, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, bệnh nhân có nguy cơ xuất huyết tiêu hoá, bệnh nhân dùng thuốc chống đông máu và bệnh nhân mắc bệnh thận.
Như mọi thuốc khác, paracetamol cũng có tác dụng phụ và có thể gây hại nếu dùng không đúng.
Paracetamol là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan nghiêm trọng ở Canada, chủ yếu do quá liều không chủ ý. Nhóm có nguy cơ cao gồm những người mắc bệnh gan từ trước, nghiện rượu, suy dinh dưỡng, người sử dụng paracetamol mãn tính và trẻ em.
Bên trái là gan mạnh khỏe, bên phải là gan bị tổn thương do lạm dụng paracetamol. Nguồn https://illuminaija.com
Thông thường, dược sĩ luôn dặn kèm khi cấp phát chế phẩm chứa paracetamol nhằm giảm thiểu nguy cơ gây độc gan và các nguy cơ khác như sau:
• Sử dụng chỉ khi cần với liều khuyến cáo. Khoảng cách giữa 2 liều là 4 đến 6 tiếng. Tối đa cho người lớn không có vấn đề về gan là 4.000mg mỗi 24h.
• Với người mắc bệnh gan, liều tối đa mỗi ngày phải ít hơn, chỉ còn 1.000 mg-2.000mg mỗi 24h.
• Với trẻ em: tối đa dùng 5 liều trong 24h. Phải dùng dụng cụ đong, không được dùng muỗng ước lượng. Dùng thuốc theo cân nặng của trẻ.
• Với đau đầu như đau đầu căng cơ, đau nửa đầu: không dùng quá 15 ngày/tháng để ngăn ngừa tình trạng đau đầu do dùng thuốc quá nhiều (medication overuse headache).
• Nhằm hạn chế nguy cơ dùng quá liều, cần cẩn trọng kiểm tra nhãn các chế phẩm trị ho-cảm, trị sốt xem mỗi chế phẩm có chứa paracetamol chưa trước khi tự ý kết hợp với nhau.
Tác giả bài viết: Dược sĩ Phạm Phương Hạnh, BH Pharmacy, Ontarion, Toronto, Canada.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Tài liệu tham khảo:
1/https://www.ansm.sante.fr/S-informer/Points-d-information-Points-d-information/Anti-inflammatoires-non-steroidiens-AINS-et-complications-infectieuses-graves-Point-d-Information
2/ Hoffmann M, Kleine-Weber H, Schroeder S et al. SARS-CoV-2 Cell Entry Depends on ACE2 and TMPRSS2 and Is Blocked by a Clinically Proven Protease Inhibitor. https://www.cell.com/cell/fulltext/S0092-8674(20)30229-4
3/ Lei F, Karakiulakis G, Roth M. Are patients with hypertension and diabetes mellitus at increased risk for COVID-19 infection? https://www.thelancet.com/journals/lanres/article/PIIS2213-2600(20)30116-8/fulltext
4/ Zisman L. ACE and ACE2: a tale of two enzymes. https://academic.oup.com/eurheartj/article/26/4/322/439241
5/ https://twitter.com/WHO/status/1240409217997189128
6/ Acetaminophen. Canadian Pharmacist Association drug monograph
7/ Corticosteroid: systemic. Canadian Pharmacist Association drug monograph
8/ Nonsteroidal anti-inflammatory drugs (NSAIDS). Canadian Pharmacist Association drug monograph
Link gốc: http://ictvietnam.vn/tuyen-bo-cua-bo-truong-y-te-phap-mau-thuan-voi-who-khi-can-ha-sot-phai-dung-thuoc-gi-82020243192848871.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.