Tuyệt đối đừng nhầm lẫn sốt phát ban, sốt xuất huyết và chân tay miệng ở trẻ nhỏ nếu không muốn điều đáng tiếc xảy ra

Sốt phát ban, sốt xuất huyết và chân tay miệng là những bệnh truyền nhiễm điển hình trong thời điểm giao mùa. Do đều có những biểu hiện ban đầu tương đối giống nhau, nên nhiều bậc phụ huynh chủ quan ''đoán bệnh'' cho trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy trong cách phòng ngừa và điều trị cho bé tại nhà.

Sốt phát ban, sốt xuất huyết và chân tay miệng bùng phát thời điểm giao mùa

Bộ y tế đã cảnh báo số ca mắc sốt xuất huyết, chân tay miệng và các bệnh truyền nhiễm khác hiện đang bùng phát, lây lan mạnh ở nhiều các địa phương trên cả nước. Cụ thể, theo số liệu từ Báo Quân đội nhân dân, từ đầu năm 2022 tới nay, cả nước ghi nhận 14.704 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Thông tin đưa trên báo Sức khoẻ và đời sống, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, Bộ y tế cho biết cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, có 01 trường hợp tử vong tại Bình Thuận, trong đó chỉ trong 2 tháng 4 và 5, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận tới gần 780 ca mắc tay chân miệng (Thông tin từ Cổng thông tin điện tử của Bộ y tế).

Để chủ động phòng, chống, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh năm 2022. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mỗi gia đình, mỗi cha mẹ cần tìm hiểu kỹ và có sẵn cẩm nang các thông tin về chân tay miệng, sốt xuất huyết và sốt phát ban để đề phòng và có những chẩn đoán sơ bộ chính xác cho trẻ nhỏ.

Tuyệt đối đừng nhầm lẫn sốt phát ban, sốt xuất huyết và chân tay miệng ở trẻ nhỏ nếu không muốn điều đáng tiếc xảy ra - Ảnh 1.

Bộ y tế dự báo số ca mắc chân tay miệng sẽ gia tăng trong thời gian tới

Nhầm lẫn tai hại

Sốt xuất huyết, sốt phát ban và chân tay miệng là các bệnh có nhiều dấu hiệu ban đầu khá tương đồng, bùng phát cùng thời điểm, thường xảy ra ở trẻ nhỏ nên có thể khiến nhiều phụ huynh nhầm lẫn, bối rối khi nhận biết. Đã có nhiều trường hợp phụ huynh ''vô tình'' nhận nhầm biểu hiện, điều trị sai phương pháp dẫn đến những biến chứng khó lường.

Cụ thể, tại bệnh viện Hồng Ngọc vừa qua đã tiếp nhận 2 ca bệnh cũng với lý do ''nhầm lẫn'' khiến bé phải nhập viện cấp cứu gấp.

Trường hợp thứ nhất, bệnh nhi 5 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao, bị chảy nhiều máu cam, mi mắt phù nề. Mẹ bé cho biết, bé bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban đỏ trên da sau khi đi nhà trẻ về cách đây năm ngày. Ngày thứ hai sau khi phát hiện phát ban thì bé sốt. Mẹ đã cho bé uống thuốc hạ sốt, đến ngày thứ tư thì bé cắt cơn sốt, mẹ kiểm tra không thấy loét miệng nên nghĩ con đã khỏi. Thế nhưng đến hôm sau thì bé có các biểu hiện nghiêm trọng nên mới lo lắng đưa con đến viện. Sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết bé mắc sốt xuất huyết ở thể nặng, cần nhập viện điều trị kịp thời. Lúc này, mẹ mới giật mình và hối hận khi đã liều mình tự chữa tại nhà cho con trong khi không biết rõ con bị mắc bệnh truyền nhiễm gì.

Trường hợp thứ hai nghiêm trọng hơn. Bệnh nhi 3 tuổi được cha mẹ tự chẩn đoán và điều trị tại nhà dựa theo kinh nghiệm thành công một lần trước đó. Vận dụng trí nhớ và sự tự tin trong việc chăm sóc bé đầu tiên khi bị sốt phát ban, mẹ đi mua một loạt các loại thuốc điều trị sốt phát ban mà không hề biết con đang mắc chân tay miệng. Sau vài ngày thấy con không đỡ, quấy khóc nhiều hơn, thỉnh thoảng giật mình và hay chảy nước miếng, mẹ vẫn nghĩ do các nốt ban đỏ khiến con ''khó tính'' hơn nên vẫn không đưa con tới viện. Đến ngày thứ năm, bé có biểu hiện mệt mỏi, ngủ nhiều, mẹ thấy da con nổi nốt đỏ, vân tím, nhìn trong cổ họng xuất hiện một vết loét khá lớn. Lúc này, mẹ mới hoang mang đưa con đến bệnh viện để khám. Sau khi nghe bác sĩ thông báo con đã mắc bệnh chân tay miệng nặng độ 4, bắt đầu xuất hiện biến chứng hô hấp mẹ mới giật mình hối hận. Bệnh nhi nhanh chóng được cho thở máy, chống gồng giật tốt, truyền Gammaglobulin kịp thời... Sau 2 ngày điều trị tích cực, bé gái dần hồi phục và sức khỏe ổn định.

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp biến chứng nặng do cha mẹ nhầm lẫn khi phân biệt các bệnh chân tay miệng, sốt xuất huyết và sốt phát ban. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho một số phụ huynh có suy nghĩ chủ quan tự chữa tại nhà cho con trong khi vốn hiểu biết về các mặt bệnh chưa đầy đủ.

Dấu hiệu phân biệt bệnh sốt phát ban, sốt xuất huyết và chân tay miệng ở trẻ nhỏ

Bác sĩ Trần Văn Bàn - Trưởng khoa Nhi Hồng Ngọc chỉ ra các dấu hiệu phân biệt ba bệnh ở trẻ nhỏ.

Đầu tiên, nếu trẻ mắc sốt xuất huyết, biểu hiện ban đầu sẽ là trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục từ 39 - 40 độ C, trong 2 - 7 ngày không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt. Khi hạ sốt, sẽ xuất hiện các nốt ban dạng chấm đỏ hoặc bầm máu ở da, có khi xuất huyết ở các vùng niêm mạc, như chảy máu chân răng, chảy máu cam, mắt đỏ, kèm theo đau bụng, nôn ói.

Tuyệt đối đừng nhầm lẫn sốt phát ban, sốt xuất huyết và chân tay miệng ở trẻ nhỏ nếu không muốn điều đáng tiếc xảy ra - Ảnh 2.

Trẻ sốt cao nhiều ngày không giảm

Thứ 2, nếu trẻ mắc chân tay miệng, mẹ lưu ý những dấu hiệu như sau: bé cũng sốt nhẹ hoặc cao, và có những tổn thương ở da như: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối... Sau vài ngày, con quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí cả đêm không ngủ (cứ 15 – 20 phút lại tỉnh giấc) và hay giật mình liên tục.

Tuyệt đối đừng nhầm lẫn sốt phát ban, sốt xuất huyết và chân tay miệng ở trẻ nhỏ nếu không muốn điều đáng tiếc xảy ra - Ảnh 3.

Lòng bàn tay trẻ xuất hiện nhiều nốt ban đỏ

Cuối cùng là sốt phát ban, sau thời gian ủ bệnh, bé hay sốt theo từng cơ từ 38 đến 40 độ C. Nốt ban đỏ sẽ xuất hiện trong vòng 12 - 24 giờ ngay sau khi sốt. Dấu hiệu phát ban xuất hiện trong khoảng 3 đến 5 ngày rồi lặn hẳn.

Bác sĩ Nhi mách mẹ các mẹo phân biệt sơ bộ sốt xuất huyết, chân tay miệng và sốt phát ban tại nhà.

Bác sĩ Trần Văn Bàn - Trưởng khoa Nhi Hồng Ngọc hướng dẫn cách phân biệt sốt phát ban - sốt xuất huyết - chân tay miệng

Phân biệt sốt phát ban với sốt xuất huyết

Sốt phát ban: mẹ hãy dùng ngón tay cái và ngón trỏ để căng vùng da tại nốt phát ban đỏ hoặc căng vùng da bị xung huyết. Sau khi căng da ra, nếu chấm đỏ biến mất, cho thấy đây là ban của sốt phát ban.

Sốt xuất huyết: tương tự mẹ lấy tay căng ra mà chấm đỏ li ti không lặn đi, vẫn còn nguyên, thì có thể đó là phát ban do sốt xuất huyết.

Tuyệt đối đừng nhầm lẫn sốt phát ban, sốt xuất huyết và chân tay miệng ở trẻ nhỏ nếu không muốn điều đáng tiếc xảy ra - Ảnh 5.

Bố mẹ nên chú ý các biểu hiện bệnh của con.

Phân biệt sốt phát ban với tay chân miệng

Chân tay miệng: khởi điểm sẽ có các ban rát đỏ tập trung ở lòng bàn chân, lòng bàn tay, mông, gối, khuỷu tay và đặc biệt có tổn thương trong niêm mạc miệng, sau đó trên nền các ban rát đỏ sẽ có các nốt phỏng nước li ti.

Sốt phát ban: Ban mọc toàn thân, ban mịn, không có phỏng nước trên các ban rát đỏ đó.

Cha mẹ hãy trang bị kỹ càng vốn hiểu biết cũng như kinh nghiệm ứng phó kịp thời nếu chẳng may bé bị mắc các bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, sốt phát ban, chân tay miệng để có thể phòng và nhận biết và điều trị kịp thời. Đặc biệt, khi trẻ có các biểu hiện bệnh, nếu cha mẹ chưa chắc chắn về tình trạng bệnh, hãy đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị đúng cách.

 

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/tuyet-doi-dung-nham-lan-sot-phat-ban-sot-xuat-huyet-va-chan-tay-mieng-o-tre-nho-neu-khong-muon-dieu-dang-tiec-xay-ra-2220224716050348.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang