Ung thư không còn là 'án tử', xin đừng bỏ cuộc!

(lamchame.vn) - 'Gặp lại các cháu tôi rất vui, có cháu đã đi làm, đi du học, sống khỏe mạnh, cháu điều trị sớm nhất mà tôi gặp ở đây là từ 18 năm trước và nay đã trưởng thành' - TS Bùi Ngọc Lan, giám đốc Trung tâm ung thư Bệnh viện Nhi trung ương, nói.

Ung thư không còn là án tử, xin đừng bỏ cuộc! - Ảnh 1.

Cô gái 21 tuổi (ngồi) từng có 3 năm điều trị ung thư máu tại Bệnh viện Nhi trung ương gặp các bé đang điều trị tại bệnh viện - Ảnh: L.ANH

TS Lan đã trao đổi điều này bên lề cuộc gặp hiếm hoi được tổ chức: cuộc gặp gỡ với những trẻ em từng mắc bệnh ung thư và giờ đã vượt qua bạo bệnh, trở lại cuộc sống bình thường.

Rồi ung thư sẽ không còn là "án tử"

Chỉ hai năm khi rời quê nhà Thanh Hóa vào Đà Nẵng để mong có cuộc sống tốt hơn thì năm 2010 vợ chồng chị T.T.P. (hiện 51 tuổi) nhận "tin sét đánh": con trai chị là cháu N.H.Q., chưa tròn 3 tuổi mắc bệnh ung thư.

"Sau khi điều trị sốt xuất huyết, cháu bắt đầu có những biểu hiện lạ như bụng to, da xanh, khó ăn uống... Đưa con ra Bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ kết luận cháu bị ung thư máu. Những ngày đầu là những ngày tưởng như khó vượt qua, chúng tôi đang phải thuê nhà, nay thêm con ốm nặng, tài chính rất khó khăn, con điều trị thì chân gần như liệt trong gần một năm.

Khi con đỡ rồi thì bác sĩ lại nghi mắt có vấn đề, tôi lo con đã di căn vào mắt, lo lắng nhưng chỉ dám giữ trong lòng, không dám nói với chồng sợ mọi người lo lắng..." - chị P. kể lại.

Có đợt chỉ hai ngày nữa là đến sinh nhật con trai, chị đã mua hết đồ dành tổ chức sinh nhật cho con nhưng con phải đi bệnh viện, lên xe con hỏi sao hai ngày nữa sinh nhật mà con không được ở nhà tổ chức, nước mắt chị cứ ứa ra.

Điều đặc biệt là dù khó mấy, tuyệt vọng mấy chị chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc. Rồi ba năm dài đằng đẵng, có nhiều lúc tưởng như tuyệt vọng ấy cũng qua. Năm nay cháu Q. con chị đã vào lớp 10 và rất khỏe mạnh. Trong chín năm qua kể từ khi Q. hoàn thành điều trị, đây là lần đầu tiên mẹ con chị có dịp quay lại bệnh viện.

"Chiều 24-9 tôi đến thăm các mẹ và các cháu đang điều trị tại khoa, tặng suất ăn tối cho các mẹ, các cháu để động viên. Trước đây khi Q. bệnh, chúng tôi đã sinh thêm một cháu để dành tế bào gốc ghép cho Q. nhưng Q. không dùng đến, hai năm trước chúng tôi đã hiến tặng cho một bệnh nhân phù hợp" - chị P. kể.

A.H. là một trong số "cựu bệnh nhân ung thư" về lại bệnh viện dịp này. H. điều trị tại bệnh viện từ năm 2010 và 1-6-2013 là hết phác đồ điều trị cuối cùng, từ đó đến nay bạn vẫn tái khám hằng năm và chưa phát hiện điều gì bất thường.

"Tóc rụng rồi lại mọc, mọc rồi lại rụng, nhớ những ngày lấy ven cả hai bố con cùng khóc. Ung thư đối với tôi là một trải nghiệm, nhờ có quá trình chữa trị tôi đã trưởng thành lên, nhận ra giá trị cuộc sống. Và điều quan trọng nhất là nhận ra sự nỗ lực của bố mẹ, người thân của bệnh nhi, chính các bố mẹ mới là các chiến binh, mới cần bảo vệ và cả chữa lành" - H. chia sẻ.

Ở lần gặp mặt này, A.H. gặp lại N.T.H.Y., hiện nay 21 tuổi và đang là sinh viên năm thứ 4. Y. và H. đã có thời gian cùng điều trị. Thật hạnh phúc sau nhiều năm chỉ có thể nhắn tin chia sẻ thông tin, lần này họ được gặp mặt, mừng vui vì nhìn thấy nhau (và 10 bạn khác cùng điều trị trong thời gian đó) giờ đây khỏe mạnh và trở lại cuộc sống.

Đừng bỏ cuộc!

Theo TS Bùi Ngọc Lan, trong nhiều năm điều trị bệnh nhi ung thư, chị đã gặp hàng ngàn bệnh nhi, và lần này là một trong những "ngày vui cuộc đời" khi chị gặp lại các cháu vì khi gặp chị có cháu mới 1 tuổi, có cháu mới 3 tuổi.

"Gặp lại các cháu tôi sung sướng lắm, nhiều cháu đã trưởng thành tôi không nhận ra nữa mà chỉ nhận ra bố mẹ" - TS Lan nói.

Quá trình điều trị ung thư rất vất vả, ít nhất cũng kéo dài 6 tháng nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, còn lại nhiều cháu phải điều trị 3 - 3,5 năm, thậm chí có cháu phải điều trị tới 8 năm.

"Ở các nước phát triển, có đến 80% bệnh nhi ung thư khỏi bệnh, nhưng ở các nước đang phát triển con số này chỉ là 20%, lý do chính là nhiều gia đình bỏ cuộc.

Có những gia đình khi nhận được kết quả con mắc ung thư là xin về, không làm gì thêm. Nhưng cha mẹ chưa biết tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã giúp hiệu quả điều trị ung thư hiện nay tốt hơn rất nhiều, như trước đây ung thư gan rất khó cứu thì nay có thể ghép gan cho các cháu, các bác sĩ cũng có thể điều trị bảo tồn nhãn cầu, ghép tế bào gốc điều trị ung thư máu..." - TS Lan chia sẻ.

Những năm 2000, có đến 20% gia đình bỏ cuộc trong quá trình điều trị ung thư, nhưng hiện nay con số này dưới 10%.

"Đừng bỏ cuộc" là điều TS Lan mong mỏi nhất và chị cho rằng dù có khó khăn vất vả, cơ hội chữa trị cho bệnh nhi ung thư còn nhiều. Quan trọng nhất trong quá trình điều trị là chăm sóc dinh dưỡng, chăm sóc tinh thần, chống nhiễm khuẩn cho các cháu, đồng hành cùng các bác sĩ" - TS Lan nói.

280.000

Đó là số trẻ dưới 19 tuổi trên thế giới mắc ung thư mỗi năm, trong đó có nhiều trẻ em ở Việt Nam.

Tháng 9 hằng năm được Hiệp hội Ung thư trẻ em quốc tế lấy làm tháng nâng cao nhận thức về căn bệnh này, để kết nối các gia đình, chia sẻ các câu chuyện mà trẻ và gia đình phải đối mặt trên toàn cầu, thúc đẩy những nỗ lực tìm ra phương pháp điều trị mới.

Gần đây, Sáng kiến toàn cầu dành cho ung thư trẻ em được thành lập, với mong muốn hỗ trợ các nước đạt tỉ lệ 60% trẻ em mắc ung thư được cứu sống và giảm đau đớn cho trẻ em mắc ung thư. Bệnh viện Nhi trung ương là một trong số bệnh viện tham gia sáng kiến này.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang