Đã có hàng loạt các nước từ Mỹ Latin, Trung Đông, châu Á đặt hàng mua cả tỷ liều vaccine Sputnik V do Nga phát triển và vừa được Bộ Y tế nước này chứng nhận ngày 11/8. Sự "thần tốc" mà nền y học của Nga vừa đạt được cho thấy rõ nỗ lực và quyết tâm của nước này trong việc nhanh chóng tìm ra một loại vaccine hiệu quả cho toàn cầu trong việc ngăn ngừa đại dịch Covid-19.
Xét nghiệm Covid-19 tại Nga. Ảnh: Tass.
Đơn hàng 1 tỷ liều vaccine từ 20 quốc gia mà Tổng thống Nga Putin vừa xác nhận, hay việc bản thân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đề nghị được tiêm vaccine của Nga chính là những ghi nhận đầu tiên đối với bước tiến lớn của xứ sở bạch dương trong cuộc chiến với Covid-19. Mới nhất, cả Brazil và Serbia cũng vừa tuyên bố sẵn sàng nhập khẩu vaccine của Nga.
Với Covid-19, hầu hết các chuyên gia cho rằng, khó có loại vaccine nào sẽ được phổ biến rộng rãi, ít nhất cho đến giữa năm 2021. Tuy nhiên, vượt qua mọi định kiến và nghi ngại, vaccine ngừa Covid-19 của Nga "trình làng" sớm hơn dự kiến, đang đón nhận sự quan tâm đáng kể của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tổng thống Nga Putin hôm 11/8 nhấn mạnh việc phát triển thành công vaccine của Nga là "bước tiến rất quan trọng đối với thế giới", đồng thời một lần nữa khẳng định lại độ an toàn cao của loại vaccine vừa đăng ký: "Sáng nay, lần đầu tiên trên thế giới có một loại vaccine ngừa Covid-19 được đăng kí. Tôi biết rằng loại vaccine này hoạt động khá hiệu quả, tạo ra kháng thể ổn định và tôi xin nhắc lại là nó đã vượt qua mọi bài kiểm tra cần thiết".
Bộ Y tế Nga cho biết, loại vaccine Covid-19 mới được cơ quan này cấp phép có hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 trong hai năm. Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Nga khẳng định, kết quả thử nghiệm đã cho thấy vaccine phát huy hiệu quả và có độ an toàn cao. Tất cả các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đều tự phát triển được kháng thể kháng Covid-19 ở mức cao, trong khi không có trường hợp nào bị biến chứng nặng do tiêm chủng.
Trước những hoài nghi về tính an toàn, hiệu quả của vaccine Sputnik V, ông Kirill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Trực tiếp Nga cũng vừa đưa ra những lý giải đầy thuyết phục khi cho rằng: Điểm mạnh của vaccine do Nga phát triển so với các loại khác là sử dụng công nghệ đã được phê duyệt của cơ quan quản lý từ trước. Và sở dĩ vaccine ngừa Covid-19 của Nga được tạo ra trong thời gian ngắn như vậy một phần vì đây là phiên bản cải tiến của vaccine chống lại virus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) - vốn được cho là có mối liên hệ khá mật thiết với Covid-19.
Ngoài ra, ông Dmitriev còn tiết lộ thêm rằng cùng với các đối tác nước ngoài, phía Nga hiện đã sẵn sàng sản xuất hơn 500 triệu liều vaccine/ năm tại 5 quốc gia (gồm Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, Saudi Arabia và Cuba), đồng thời có kế hoạch đẩy mạnh năng lực sản xuất cao hơn như vậy.
Mặc dù trước đó, giới chức y tế Nga thông báo rằng việc tiêm chủng hàng loạt có thể tiến hành ngay từ tháng 10/2020. Song Bộ trưởng Bộ Y tế nước này Mikhail Murashko vừa cho biết, những người thuộc nhóm rủi ro cao như nhân viên y tế sẽ được ưu tiên tiêm phòng ngay trong tháng 8 này.
Hiện tại Nga đang đứng thứ tư trong số những quốc gia có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất trên thế giới với gần 900.000 trường hợp. Chính vì vậy việc đẩy nhanh tốc độ phát triển và đăng ký vaccine phòng Covid-19 tại thời điểm này có lẽ cũng nằm trong mục tiêu của Nga để sớm đưa nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo theo nhiều hệ lụy do virus SARS-CoV-2 gây ra./.
Link gốc: https://vov.vn/the-gioi/vaccine-than-toc-nga-quyet-tam-dua-nhan-loai-thoat-khoi-covid19-1082415.vov
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.