Vì sao chúng ta thích 'ngồi lê đôi mách'?

(lamchame.vn) - Bất chấp câu nói 'Nếu bạn không có gì tốt đẹp để nói, hãy im lặng', chúng ta vẫn rất thích buôn chuyện và ngồi lê đôi mách. Tại sao vậy?

Đồng nghiệp của bạn mới được thăng chức? Ngay lập tức có những tin đồn như cô ấy đã nịnh sếp để có được vị trí như hiện tại, năng lực của cô ấy không đủ để lên chức. Hay cô A gầy quá, một ai đó bàn luận rằng có vẻ như cô ấy mắc chứng biếng ăn.

Đôi khi chúng ta chẳng được lợi lộc gì trong những cuộc trò chuyện phiếm này, nhưng thật ngạc nhiên là nó đem lại cho chúng ta sự thoải mái nhất thời.

Nhà tâm lý học xã hội Laurent Begue cho biết, về mặt lý thuyết, buôn chuyện là một hành vi rất phổ biến. Có khoảng 60% các cuộc trò chuyện giữa những người trưởng thành là về một người không có mặt, và hầu hết đều có sự phán xét trong đó.

Vì sao chúng ta thích ‘ngồi lê đôi mách’? - Ảnh 1.

Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi về việc ngồi lê đôi mách, một số người bày tỏ sự xấu hổ và tội lỗi, một số khác nói rằng họ ghét cảm giác bị loại khỏi những bí mật hấp dẫn, một số nữa thì coi buôn chuyện là sức mạnh hoặc đòn bẩy, và đối với nhiều người, có một niềm vui đơn giản khi không thể cưỡng lại được việc chia sẻ những gì mình biết. 

Ngồi lê đôi mách không chỉ là việc mà những người phụ nữ trung niên hay những bà nội trợ hay làm, mà có ở hầu hết tất cả mọi người. Theo một nhóm nghiên cứu, buôn chuyện không chỉ là một thú vui tội lỗi, nó còn phục vụ các chức năng quan trọng trong cộng đồng và tâm lý của chúng ta.

Mọi người có xu hướng nghĩ rằng ngồi lê đôi mách đồng nghĩa với những tin đồn ác ý, những lời hạ thấp hoặc sự lan truyền chóng mặt của một số tin sốt dẻo trên báo chí. Nhưng các nhà nghiên cứu tâm lý định nghĩa nó rộng hơn, đó là nói về những người không có mặt. Megan Robbins, trợ lý giáo sư tâm lý học tại Đại học California, nói rằng: "Đó là thứ đến với chúng ta một cách tự nhiên, một phần không thể thiếu trong cuộc trò chuyện, chia sẻ thông tin và thậm chí là xây dựng cộng đồng.”

Vì sao chúng ta lại thích ngồi lê đôi mách

Một số người buôn chuyện là để tìm cách trả thù. Nếu không thích một ai đó, chúng ta có xu hướng tìm kiếm những người khác có cùng góc nhìn với mình để bàn luận. Các cuộc trò chuyện sau đó tập trung vào những đánh giá tiêu cực về người đó. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thích buôn chuyện vì đó là một cảm giác thú vị và mang lại quyền lực cho họ. Nói về những người khác khiến một cá nhân có cảm giác nhẹ nhõm vì họ không gặp phải những chuyện tương tự. 

Vì sao chúng ta thích ‘ngồi lê đôi mách’? - Ảnh 2.

Nhiều người cũng thích buôn chuyện vì nó cho họ cảm giác rằng họ có thông tin bí mật về người khác, điều này mang lại cho họ cảm giác quyền lực và sự chú ý. Mọi người muốn được coi là “người biết” khi nói đến những tin đồn mới nhất về người khác. Để thể hiện quyền lực và cái tôi của mình, mọi người phải chia sẻ thông tin với những cá nhân khác. 

Một số người buôn chuyện để cảm thấy vượt trội hơn người khác. Bởi lẽ nhiều người cảm thấy bất an về bản thân nên đi tìm sự khuây khỏa tạm thời trong việc phán xét, nói xấu và đưa chuyện về người khác. Một số khác cho rằng họ không thể tạo ra các cuộc thảo luận thú vị dựa trên kiến thức và ý tưởng của mình, nên việc buôn chuyện có thể khơi dậy sự quan tâm của mọi người. Ngoài ra, bên cạnh cảm giác kết nối mà chúng ta mong muốn, đôi khi mọi người buôn chuyện để cảm thấy như họ thuộc về một nhóm nào đó.  

Ai cũng biết ngồi lê đôi mách là xấu, nhưng nó đóng vai trò gì trong cuộc sống?

Một số nghiên cứu cho rằng buôn chuyện giúp tổ tiên của chúng ta tồn tại. Nhà tâm lý học tiến hóa Robin Dunbar lần đầu tiên đi tiên phong trong ý tưởng này, ông lập luận rằng buôn chuyện giúp chúng ta duy trì các cộng đồng mà chúng ta đang tham gia. Ngôn ngữ ra đời là vì nhu cầu truyền bá tin tức chứ không phải ngược lại. Buôn chuyện cho phép chúng ta nói về những người không có mặt, nó cũng cho phép chúng ta liên hệ với những cá nhân mà chúng ta chưa từng gặp trước đây. 

Buôn chuyện đến một cách tự nhiên và hầu hết thời gian xảy ra gần như vô thức để phá vỡ sự đơn điệu của các hoạt động thường ngày hoặc đơn giản là thêm gia vị cho cuộc trò chuyện. Phương tiện truyền thông xã hội là một nền tảng lý tưởng cho việc ngồi lê đôi mách, nó khiến cho những người nặc danh có thể thể hiện thoải mái quan điểm và góc nhìn của mình, tạo ra những tin đồn về một người khác mà không sợ lộ mặt. 

Mark Pezzo, nhà tâm lý học tại Đại học Nam Florida cho biết, về mặt tâm lý, buôn chuyện cũng đóng một vai trò quan trọng. Chức năng chính của buôn chuyện là để hiểu mọi người. Nhưng đôi khi buôn chuyện cũng là một cách để người nói hiểu chính mình hơn, vượt qua những tình huống khó khăn để suy ngẫm xem mình có thể xử lý như thế nào, hoặc ít nhất là học hỏi từ sai lầm của người khác. 

Ở một khía cạnh khác, bác sĩ tâm thần Frederic Fanget cho rằng, chúng ta buôn chuyện để chia sẻ những lo lắng của mình, tìm kiếm sự trấn an và hỗ trợ. Buôn chuyện cũng là một cách gián tiếp để nói tốt về bản thân. Thật thú vị khi khơi dậy sự tò mò của người khác và độc chiếm cuộc trò chuyện khi bạn có thông tin cần tiết lộ. 

Và thông qua sự phóng chiếu, chúng ta có thể quy một trong những lỗi lầm của chính mình, có lẽ là lỗi lầm mà chúng ta đang phủ nhận, sang cho người khác. Đây là hành vi có thể do bắt chước (vì bố mẹ bạn luôn ngồi lê đôi mách), hợp lý hóa một cảm xúc (sợ hãi, lo âu, thiếu lòng tự trọng...) hoặc thu thập thông tin.

Một số nghiên cứu cũ cũng chỉ ra rằng thực tế việc buôn chuyện thường liên quan đến việc bộc lộ bản thân. Khi bạn nhận ra sự hung hăng trong bản thân được bộc lộ trong những câu chuyện phiếm, điều này có thể dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân và chấp nhận mặt tối của bạn. Chúng ta thường ngồi lê đôi mách khi cảm thấy bị đối xử bất công. Khi bạn ngừng cảm thấy mình là nạn nhân, năng lượng bạn đầu tư vào hoạt động đó có thể được dùng để tập trung vào việc phát triển bản thân.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang