Cách đây chưa lâu, đề Ngữ văn kiểm tra giữa kỳ của trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế), đang gây ra tranh cãi khá gay gắt trên MXH vì nhiều ý kiến trái chiều, người ta bàn luận về nó khá sôi nổi.
Người cho rằng đây là đề hay, phát huy được tư duy sáng tạo, học sinh có "đất" để trình bày quan điểm của riêng mình. Người lại cho rằng đề có tính áp đặt và có thể gây... tủi thân, chạnh lòng cho một số học sinh.
Nội dung đề thi gây ra tranh cãi như sau:
"Anh/chị sẽ chọn tấm biển nào để treo trước cửa phòng mình?
A. Đây là vùng lãnh thổ của con, bố mẹ không được vào!
B. Cửa phòng con không khóa. Bố mẹ cứ vào nhé!
C. Trước khi vào, bố mẹ nhớ gõ cửa nhé!
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) lý giải sự lựa chọn của anh/chị".
Trên một số diễn đàn văn học, nhiều người cho rằng đề áp đặt, thiếu tính thực tế vì có nhiều học sinh hiện tại không hề có phòng riêng, thậm chí đến góc học tập riêng cũng còn chưa có.
Một số còn cho rằng học sinh gia đình chưa có điều kiện để có phòng riêng sẽ cảm thấy chạnh lòng, tủi thân hoặc rất bối rối để trình bày quan điểm của mình vì bản thân các em đã quen với việc không có phòng riêng từ nhỏ rồi. Các em chưa được hưởng cảm giác có phòng riêng nên rất khó có thể làm 1 bài văn cho đúng chứ chưa nói là cho hay.
Một số ý kiến còn gay gắt cho rằng đây là tình huống phi thực tế, không phù hợp với thực trạng hoàn cảnh chung số đông các em học sinh.
Tuy nhiên, ngoài những ý kiến trái chiều này thì nhiều người cho rằng đề hay, chẳng có gì là phi thực tế: "Đề này hay lắm luôn ấy, nếu các em không có phòng riêng thì cũng có thể tưởng tượng mà nhỉ? Văn học đâu cần chính xác 100% đâu? Ngày xưa cô bảo tả con mèo nhưng nhà em không nuôi mèo thì vẫn phải tả chứ?", hoặc "phải có phòng riêng mới làm được bài thi nay mới là áp đặt, phi thực tế".
Một số ý kiến trung lập cho rằng "phán xét" đề đúng hay sai là không cần thiết vì "quan trọng là các em có viết ra được chính kiến của mình không".
Thầy Ngô Đức Thức, Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng, đã đặt câu hỏi ngược phản biện cho những ý kiến trái chiều như thế này: "Với mình, đó là một đề hay vì chỉ là tình huống giả định. Một số người nói đề trái đạo lý, tôi nghĩ không chính xác. Cấp tiểu học có đề Văn kể chuyện về người mẹ, vậy những cháu bị mẹ bỏ rơi có bị xúc phạm không?".
Dù có gây ra nhiều tranh cãi, nhưng số đông đồng tình cho rằng đây là 1 đề thi hay, gần gũi với tâm lý độ tuổi của các em học sinh lớp 11. Đề cũng giúp các em có cơ hội thể hiện được cá tính và quan điểm riêng của bản thân. Đề cũng không hề áp đặt vì văn học là có sự tưởng tượng, dưới góc nhìn của mình, dù ngay cả các em không có phòng riêng cũng có thể đưa ra ý kiến, lý lẽ của mình một cách hợp lý và dễ dàng.
Thêm nữa, câu chuyện đời sống riêng tư và sự tôn trọng cần có từ cha mẹ dành cho các con (đặc biệt độ tuổi từ khi dậy thì) cũng là điều cần thiết và đáng phải đặt ra thành 1 vấn đề để bàn luận.
Phòng riêng ở đây không chỉ là ranh giới về không gian mà là câu chuyện của tâm lý lứa tuổi, của sự tôn trọng cần có và cách ứng xử của các thành viên trong gia đình. Điều mà các bậc cha mẹ thường hay càm ràm về "những đứa trẻ đang độ tuổi lớn lên" hư đốn, khó bảo. Nhưng cha mẹ không chịu "nhìn ngược lại" chúng đang cần gì ở cha mẹ mình, cần được tôn trọng ngược lại như thế nào.
Có lẽ nhờ tranh cãi này mà nhiều cha mẹ đã có cái nhìn thấu đáo hơn về vấn đề sự tôn trọng quyền riêng tư của con cái. Điều mà nhiều đứa trẻ sắp trưởng thành cảm thấy phẫn nộ khi nhật ký bị cha mẹ đọc lén, đồ đạc bị xê dịch và sự áp đặt cố hữu của những bậc cha mẹ luôn cho rằng mình đúng.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.