Vì sao cùng ăn thực phẩm nhiễm khuẩn, có người ngộ độc rất nhẹ, có người lại nguy kịch tử vong?

(lamchame.vn) - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay: 'Còn tùy theo thể trạng sức khỏe từng người mà mức độ ngộ độc có thể khác nhau. Người có cơ thể khỏe mạnh sẽ chống lại tác nhân gây bệnh tốt hơn'.

Sự việc hơn 600 học sinh Trường iSchool Nha Trang nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, trong đó có 1 bé tử vong, đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. 

Đến chiều 22/11, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa có thông báo kết quả xét nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm của Viện Pasteur Nha Trang, kết quả xét nghiệm đã phát hiện vi khuẩn Samonella spp trong mẫu cánh gà chiên, vi khuẩn Bacillus cereus trong mẫu cánh gà chiên và mẫu nước mắm. Chủng Bacillus cereus trong mẫu trên là chủng sinh độc tố lý giải hồng cầu và độc tố ruột không lý giải hồng cầu. Đồng thời, phát hiện vi khuẩn Escherichia coli trong mẫu cánh gà chiên.

Lý giải về việc cùng ăn một thực phẩm chứa vi khuẩn, nhưng có người bệnh nhẹ, có người lại chuyển biến nặng, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích như sau: "Sở dĩ sau khi ăn thực phẩm chứa độc tố, có người chỉ xuất hiện dấu hiệu nhẹ, có người lại phải vào cấp cứu là vì mức độ tiêu thụ thực phẩm khác nhau. Có người ăn nhiều, có người lại ăn ít. Càng ăn nhiều thì lượng độc tố đi vào cơ thể càng cao. 

Ngoài ra, còn tùy theo thể trạng sức khỏe từng người mà mức độ ngộ độc có thể khác nhau. Người có cơ thể khỏe mạnh sẽ chống lại tác nhân gây bệnh tốt hơn".

Vì sao cùng ăn loại thực phẩm nhiễm khuẩn, có người triệu chứng ngộ độc rất nhẹ, có người lại nguy kịch tử vong? - Ảnh 1.

PGS Thịnh cho biết, ví dụ điển hình như vi khuẩn Samonella. Dấu hiệu của nó có thể xuất hiện từ tiêu chảy, sốt cao đến mê sảng, hôn mê. Trường hợp nhẹ chỉ cần dùng thuốc, nhưng nếu nặng có thể bị nhiễm độc toàn thân, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong.

Có một số nhóm người sẽ dễ chuyển biến nặng hơn nhiễm khuẩn Salmonella như trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên và những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu; đang mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận, ung thư...

Theo các chuyên gia y tế ngộ độc thực phẩm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Trong buổi làm việc sáng ngày 22/11 giữa đoàn công tác của Bộ Y tế và Sở Y tế Khánh Hòa cùng các bên liên quan, ông Vương Ánh Dương (Phó cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh) cho biết một số trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng một phần do khi phát hiện có triệu chứng nhưng không đưa đi viện ngay. 

Do đó các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cần nhập viện ngay khi dấu hiệu ngộ độc thực phẩm có biểu hiện nặng như nôn ói nhiều, không thể ăn uống bất cứ thứ gì, chất nôn hoặc phân có máu, tiêu chảy hơn 3 ngày, đau quặn bụng dữ dội, sốt hơn 38 độ C. Cẩn trọng khi bệnh nhân có dấu hiệu mất nước như khát nước quá mức, khô miệng, ít hoặc không đi tiểu, suy nhược nghiêm trọng, chóng mặt hoặc choáng váng, có các triệu trứng thần kinh (nhìn mờ, yếu cơ và ngứa ran ở cánh tay). 

Làm sao để phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học cho con?

- Trong khi lựa chọn trường học cho con, phụ huynh cần kiểm tra trực tiếp cơ sở vật chất của nhà trường, đặc biệt là khu vực nhà bếp.

- Bếp ăn trường học của con phải đảm bảo được thiết kế theo nguyên tắc 1 chiều.

- Vị trí bếp cần cách xa nguồn ô nhiễm, nhà vệ sinh. Gian bếp sạch sẽ, có đầy đủ các khu vực chế biến: khu sơ chế, khu nấu nướng, khu bảo quản, khu rửa…

- Đảm bảo rằng dụng cụ chế biến thức ăn tại trường học của con phải được phân loại sống, chín riêng biệt.

- Trong quá trình cho con theo học, phụ huynh cũng nên kiểm tra thường xuyên gian bếp của nhà trường. 

20210802_094247_073403_cho-be-an-com.max-1800x1800.png

- Cha mẹ cần hướng dẫn con rửa tay trước khi ăn, nhất là khi ăn bốc. Do trẻ thường hiếu động nên thường có rất nhiều vi khuẩn bám vào tay chân, nếu không giữ vệ sinh tay trước khi ăn có thể khiến tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra.

- Bố mẹ cần hạn chế cho trẻ ăn quà vặt có những dấu hiệu bất ổn từ hình thức lẫn chất lượng để phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, hướng dẫn con không ăn quà bánh, thực phẩm có màu khác lạ, quá sặc sỡ, có mùi lạ...

- Dạy con tránh ăn những thực phẩm đã được bảo quản ở nơi không có tủ kính che đuổi ruồi, bụi, chất độc môi trường (nếu ở mặt đường, vỉa hè).

Theo Trung tâm Y tế Nha Trang (Khánh Hòa), ngày 17/11, hàng trăm học sinh Trường iSchool Nha Trang (7 đến 16 tuổi) ăn trưa tại trường với các món: cơm gà, sốt trứng, gỏi gà, cánh gà chiên, canh và dưa leo. Sau khi ăn, các em đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần, sốt, nôn, buồn nôn...

Ngày 21/11, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận 648 ca là học sinh của trường với biểu hiện ngộ độc thực phẩm, số ca ổn định cho về theo dõi 261. Số ca nhập viện 387, số ca xuất viện là 176. Số ca đang điều trị: 211 ca. 21 ca nặng theo dõi ngày 20/11/2022, hiện tại tình trạng ổn định. 1 ca tử vong.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang