Vì sao không nên đăng ảnh con lên mạng xã hội?

(lamchame.vn) - Nhiều cha mẹ thường xuyên đăng ảnh con lên mạng xã hội mà không biết rằng điều này có thể tiềm ẩn các nguy hiểm.

Vì sao không nên đăng ảnh con lên mạng xã hội? - Ảnh 1.

Những gì cha mẹ đăng trên mạng xã hội có thể khiến con họ bị trêu chọc hoặc bắt nạt. (Ảnh: ITN)

Kể từ mùa hè năm 2019, bà mẹ đơn thân Jacquelyn Paul (Hoa Kỳ) đã có thói quen ghi lại cuộc sống của cô con gái 3 tuổi và đăng trên tài khoản TikTok của mình. Tài khoản hiện có hơn 17 triệu người theo dõi, mỗi video luôn nhận được vài triệu lượt xem.

Gần đây, tài khoản này đã bị chỉ trích khi một số TikTokers nhận thấy nhiều đối tượng “có khả năng nguy hiểm” đang theo dõi tài khoản, xem video và để lại những bình luận không phù hợp. Điều này dẫn đến việc các TikTokers cáo buộc Paul bóc lột con gái mình.

Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Paul đang lợi dụng con gái mình một cách có ý thức, nhưng phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng đã thúc đẩy nhiều bậc cha mẹ phải kiểm tra mạng xã hội của chính họ và tự hỏi bản thân về những rủi ro thực sự đối với con cái họ.

Rủi ro khi đăng ảnh con trên mạng xã hội

Vì sao không nên đăng ảnh con lên mạng xã hội? - Ảnh 2.

Leah Plunkett, giảng viên Trường Luật Harvard, nói với SheKnows rằng, có ba loại rủi ro chính liên quan đến việc đăng tải hình ảnh trẻ em lên mạng xã hội. Điều đầu tiên và được cho là đáng lo ngại nhất đối với các bậc cha mẹ, là nguy cơ gây tổn hại cho đứa trẻ. Những kẻ xấu có thể đánh cắp danh tính, rình rập trẻ...

Thứ hai là nguy cơ tổn hại đến cơ hội sống hiện tại hoặc tương lai của trẻ. Một khi nội dung được chia sẻ trên nền tảng kỹ thuật số, bạn không có cách nào biết và không có cách nào kiểm soát cách nó sẽ được sử dụng và nó sẽ đi đâu.

Có nguy cơ thực sự là nội dung bạn chia sẻ về con cái sẽ được đưa vào phân tích bởi các nhà môi giới dữ liệu hoặc các công ty khác đang muốn tìm hiểu về con bạn và có thể cố gắng tiếp thị hoặc rao bán thông tin.

Rủi ro thứ ba khó xác định nhất và có thể không xác định được trong một thời gian. Đó là rủi ro đối với ý thức về bản thân và bản sắc của đứa trẻ trên thế giới.

Plunkett nói: “Nếu bạn đang chia sẻ hình ảnh của con, điều đó có nghĩa là bạn đang kể những câu chuyện của con mình mà không có sự đồng ý của chúng, và trong một số trường hợp là trẻ không biết hành động của bạn”.

Plunkett lưu ý, dù bạn với tư cách là cha mẹ chia sẻ cho 50 người hay 50 triệu người, thì sẽ có một nhóm người ngoài kia đang tìm hiểu về con bạn thông qua mạng xã hội của bạn. Điều đó khiến trẻ gặp khó khăn hơn trong quá trình phát triển để tìm ra chúng là ai và cách chúng tương tác với thế giới, trong khi điều quan trọng đối với một đứa trẻ là “viết nên câu chuyện của chính mình và không chấp nhận câu chuyện người khác viết về mình”.

Đối với thanh thiếu niên, Plunkett cũng cảnh báo các bậc cha mẹ nên cân nhắc rủi ro rằng những gì họ đăng có thể khiến con họ bị trêu chọc hoặc bắt nạt trên mạng.

Nguyên tắc chia sẻ có trách nhiệm

Vì sao không nên đăng ảnh con lên mạng xã hội? - Ảnh 3.

Nếu bạn nhất quyết muốn đăng hình ảnh của con lên mạng xã hội, Plunkett khuyên bạn nên làm theo một số nguyên tắc trước khi nhấn “đăng”.

- Không đăng ảnh những đứa trẻ không mặc quần áo đầy đủ.

- Không đăng những bức ảnh cho thấy nơi trẻ em đang sinh sống.

Quan trọng nhất, trước khi đăng, hãy tự hỏi con bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu chúng nhìn thấy bài đăng này, dù là hôm nay hay nhiều năm nữa.

Plunkett lưu ý, cảm xúc của đứa trẻ không nhất thiết phải là yếu tố quyết định, nhưng nếu đứa trẻ chắc chắn không thích bài đăng của bạn thì có lẽ nó không nên được đăng.

Thường xuyên đăng ảnh con lên mạng xã hội, là lưu giữ hay vô tình gây hại  cho con?

Làm thế nào nếu bạn đã đăng quá nhiều hình ảnh của con?

Thực tế là ngày nay, nhiều bậc cha mẹ có lẽ đang xem xét kỹ hơn các bài đăng trên mạng xã hội của chính mình. Họ cũng đã nhận ra thứ gì đó mà lẽ ra họ không nên đăng.

Theo lời khuyên của Plunkett, đầu tiên chúng ta đừng hoảng sợ, bởi tất cả các bậc cha mẹ đang học cách thích nghi với việc nuôi dạy con cái trong thế giới kỹ thuật số.

Điều thứ hai nên làm là xin lỗi con. Cha mẹ nên lắng nghe những gì con nói và sau đó ngừng những hành vi sai trái của mình. Plunkett cho rằng, đó là một nguyên tắc chung cho tất cả các hoạt động giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Cuối cùng, cha mẹ nên cân nhắc xóa nội dung không phù hợp hoặc có hại cho trẻ.

Cho dù bạn chia sẻ với một vài người hay nhiều người, điều quan trọng là phải thừa nhận rằng chúng có thể tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, hãy thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội, đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất. Điều này không chỉ bảo vệ con mà còn giữ hạnh phúc và an toàn cho tương lai của con.

Theo sheknows.com 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang