Vì sao ngày 10/3 Âm lịch được chọn là ngày Giỗ tổ Hùng Vương?

(lamchame.vn) - Được nghỉ lễ ai cũng thích nhưng vì sao ngày hôm nay 10/3 Âm lịch lại được chọn làm ngày giỗ tổ Hùng Vương thì mấy ai hay.

Ai trong chúng ta cũng quá quen thuộc với câu: 

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”.

Hẳn vậy, cứ đến ngày này, người dân khắp nơi lại nô nức kéo nhau về Đền Hùng (Phú Thọ) để dâng lễ, tưởng nhớ công lao dựng nước của vua Hùng.

Thế nhưng, bạn có thắc mắc rằng vì sao 10/3 Âm lịch hàng năm lại được lựa chọn làm ngày Giỗ tổ mà không phải là một ngày khác? 

Câu hỏi này cũng có rất nhiều câu trả lời. Tuy nhiên đây được cho là câu trả lời được nhiều người xem đánh giá hợp lý nhất.

Nói về ngày Giỗ Tổ, sự kiện có từ thời Thục Phán - An Dương Vương, nhằm khẳng định vai trò của thời đại các vua Hùng đã xây dựng giang sơn. Chính vì thế mà hàng năm luôn để một ngày để tưởng nhớ những người đã xác lập và xây dựng lên đất nước - các vua Hùng nói chung.

Tuy nhiên, ngày giỗ này không phải lúc nào cũng là 10/3. Xưa kia, người dân thường không đi lễ vào ngày mùng 10/3 mà tự chọn ngày tốt theo bản mệnh của mình. Họ đến để lễ các vua Hùng suốt năm. Thời điểm đông nhất thường rơi vào các tháng xuân - thu chứ không định rõ ngày nào.

Người dân tại xã Hy Cương, phủ Lâm Thao thì lấy ngày 11.3, kết hợp với thờ Thổ kỳ, làm lễ riêng.

Điều này khiến cho thời gian lễ bái kéo dài liên miên, gây tốn kém tiền của, lại không bày tỏ được lòng thành kính của toàn dân. Nhận thấy điều này, Tuần phủ Phú Thọ ông Lê Trung Ngọc vào năm 1917 (niên hiệu Khải Định năm thứ nhất) đã làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm để nhân dân cả nước kính tế Quốc tổ Hùng Vương, trước một ngày so với ngày hội tế của dân xã bản hạt. Đồng thời, ông cũng xin miễn trừ các khoản đóng góp của nhân dân địa phương vào các kỳ tế lễ mùa thu.

Hình ảnh dâng hương lên các vua Hùng vào ngày Giỗ tổ.

Sau đó, Bộ Lễ đã ban hành công văn phúc đáp và chính thức định lệ ngày quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mùng 10/3 âm lịch và quy định nghi thức, nghi lễ, lễ vật tế Tổ hàng năm.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người ủng hộ câu chuyện này. Bà Tạ Thị Kim Nhung – Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, lễ hội Đền Hùng bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và đã có từ lâu đời.

“Theo Ngọc Phả Hùng Vương hiện lưu giữ ở Khu dich tích Đền Hùng viết năm 1470, ngày 10/3 Âm lịch là ngày giỗ của Vua Hùng cuối cùng (đời thứ 18) và ngày đó được chọn là ngày chính cho tất cả ngày giỗ Tổ Hùng Vương”, bà Nhung nói.

Bà Nhung cho biết thêm, từ thuở hoang sơ, dưới chân núi Hùng có 3 làng thờ Vua Hùng. Trong đó, làng Cổ Tích, xã Hy Cường, thành phố Việt Trì, Phú Thọ chọn 3 ngày 9, 10 và 11/3 Âm lịch để tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn Vua Hùng.

Chiều 9/3, người dân lên miếu Thượng rước Tổ thánh về đình Cổ tích. Ngày 10/3 là ngày lễ chính với các lễ tế được diễn ra. Đến ngày 11/3, rước tượng Vua Hùng trở lại miếu.

Chính vì lẽ đó mà ngày 10/3 Âm lịch được chọn là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Nguồn tham khảo: Hùng Vương và Lễ Hội Đền Hùng-NXB Hội nhà văn, ĐH Lạc Hồng

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang