Vì sao ngồi nhiều không hại sức khỏe như bạn nghĩ? Dân văn phòng đặc biệt cần biết

Nhiều chuyên gia nói rằng ngồi có hại cho sức khỏe như hút thuốc, nhưng một công việc văn phòng không thực sự gây hại sức khỏe đến như vậy nếu bạn biết cách sắp xếp. Dưới đây là những gì thực sự quan trọng mà dân văn phòng nào cũng cần biết.

Quan niệm "ngồi có hại như hút thuốc lá" đã có từ vài năm nay. Đây là quan niệm đưa ra bởi James Levine, một bác sĩ nội tiết và nhà nghiên cứu béo phì tại Phòng khám Mayo (Mỹ). Levine tuyên bố trong cuốn sách năm 2014 "Get Up!" của ông rằng chúng ta mất hai tiếng tuổi thọ cho mỗi giờ ngồi.

Tuy nhiên, tuyên bố cho rằng "ngồi có hại như hút thuốc lá" nghe có vẻ không được thuyết phục lắm, theo một bài viết trên HuffPost. Rõ ràng không ai trong chúng ta cần phải hút thuốc, nhưng thực tế thì mọi người đều cần phải ngồi xuống.

Cuốn sách "Exercised" của nhà nhân chủng học, cổ sinh vật học, giáo sư sinh học tiến hóa ở Đại học Harvard (Mỹ), Dan Lieberman, đã đặt lại vấn đề xung quanh quan niệm ‘ngồi có hại như hút thuốc lá’.

Lieberman nói: "Các thông tin sai lệch đang khiến mọi người cảm thấy căng thẳng và áp lực về việc họ phải đứng lên, phải tập thể dục. Những thông tin này khiến mọi người cảm thấy lo lắng, hồi hộp và bối rối".

Những thông tin sai lệch về việc ngồi có thể gây hại nhiều hơn là có lợi, Lieberman nói.

Vì sao ngồi nhiều không hại sức khỏe như bạn nghĩ? Dân văn phòng đặc biệt cần biết - Ảnh 1.

Ngồi làm việc cả ngày có thực sự hại sức khỏe? Ảnh minh họa

Ngồi không phải là ‘phát minh’ của thời hiện đại

Nguyên nhân chính của tất cả những điều trên là một giả định cho rằng những người sống trong các xã hội ít công nghiệp hóa hơn (trong quá khứ và hiện tại) ngồi ít hơn chúng ta rất nhiều.

"Chúng ta thường nghĩ rằng nếu những người săn bắn hái lượm làm điều gì, điều đó chắc hẳn phải tốt. Đó là suy nghĩ sai. Thật không may, suy nghĩ này rất phổ biến", Lieberman nói. "Áp dụng sự tiến hóa vào sức khỏe là một ý tưởng tồi tệ".

Tại sao? Bởi vì tổ tiên của chúng ta không tiến hóa để khỏe mạnh, họ tiến hóa để sinh sản và có nhiều con cái nhất có thể. Vì vậy, chúng ta hãy ngừng cố gắng bắt chước thói quen lối sống của họ nếu xét về sức khỏe.

Điều đó cho thấy ngồi không phải là ‘sản phẩm’ của xã hội công nghiệp hóa. Lieberman nói: "Nếu bạn quan sát những gì người săn bắn hái lượm ngày nay đang làm, bạn sẽ thấy họ cũng ngồi khoảng 10 giờ một ngày. Những người săn bắn hái lượm bình thường ngoài kia, những người không có ghế và không có bàn làm việc, họ ngồi nhiều như hầu hết người Mỹ".

Những người săn bắn hái lượm ngày nay, ví dụ như người bản địa Aeta ở Phillipines, ngồi xổm hoặc ngồi xuống đất, cần sử dụng nhiều cơ bắp so với ngồi trên ghế, nhưng vẫn là một tư thế thư giãn và thoải mái.

Vì sao ngồi nhiều không hại sức khỏe như bạn nghĩ? Dân văn phòng đặc biệt cần biết - Ảnh 2.

Ngồi không phải là ‘sản phẩm’ của xã hội công nghiệp hóa, theo Lieberman. Ảnh minh họa

Số liệu mâu thuẫn về thời gian ngồi

Thông tin về cái gọi là ‘nguy hiểm của việc ngồi’ thường đi kèm với một số thống kê gây sốc về thời gian mà người Mỹ ngồi mỗi ngày.

"Nếu bạn lên mạng và google ‘Người Mỹ ngồi bao lâu’, thì năm hoặc sáu câu trả lời đầu tiên sẽ cho bạn những câu trả lời hoàn toàn khác nhau", Lieberman nói.

Một bài báo của Washington Post năm 2019 tuyên bố rằng người trưởng thành Mỹ ngồi sáu tiếng rưỡi mỗi ngày. Sau đó là một bài báo Forbes năm 2019 cho biết con số này là 15 giờ mỗi ngày.

"Mọi người chỉ chọn dữ liệu phù hợp với lập luận của họ", Lieberman nói.

Theo Lieberman, những dữ liệu chất lượng cao hơn dựa vào cảm biến gia tốc (có thể cho biết khi nào chúng ta ngồi, đứng và nằm) tìm thấy rất nhiều sự thay đổi trong số giờ ngồi. Một số người ngồi nhiều hơn những người khác, và thậm chí thói quen ngồi của các cá nhân cũng khác nhau rất nhiều giữa các ngày - đặc biệt là các ngày trong tuần so với cuối tuần.

Do đó, "không có một con số hữu ích nào" áp dụng cho tất cả chúng ta, Lieberman nói. Tuy nhiên, vẫn có mức trung bình: Người Mỹ trẻ ngồi khoảng 9 hoặc 10 giờ một ngày, trong khi người lớn tuổi ngồi 12 đến 13 giờ một ngày.

Vì sao ngồi nhiều không hại sức khỏe như bạn nghĩ? Dân văn phòng đặc biệt cần biết - Ảnh 4.

Một số người ngồi nhiều hơn những người khác, và thậm chí thói quen ngồi của các cá nhân cũng khác nhau rất nhiều giữa các ngày. Ảnh minh họa

Ngồi làm việc bản chất không xấu

Ý tưởng cho rằng ngồi có thể có hại như hút thuốc có lẽ đáng lo ngại nhất với dân văn phòng, người làm việc bàn giấy – những người không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi lâu tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, cuốn sách của Lieberman nêu bật một số bằng chứng có thể giúp bạn yên tâm hơn. Một nghiên cứu kéo dài 15 năm trên 10.000 người trưởng thành ở Đan Mạch cho thấy công việc ít vận động không liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Một nghiên cứu trên 66.000 người trưởng thành ở Nhật Bản cũng có những phát hiện tương tự.

Lieberman nói: "Những chiếc ghế không xấu xa và ngồi không phải là xấu. Sự thật là ngồi quá nhiều có thể có hại cho bạn chỉ khi bạn không tập thể dục".

Nếu bạn ngồi lái xe đi làm vào buổi sáng, ngồi tại bàn làm việc cả ngày, ngồi lái xe về nhà và sau đó dành phần còn lại của buổi tối ngồi xem TV, rõ ràng bạn đang không vận động nhiều. "Nhưng một người hoạt động thể chất nhiều vẫn ngồi 9 hoặc 10 giờ mỗi ngày", Lieberman nói.

Vì sao ngồi nhiều không hại sức khỏe như bạn nghĩ? Dân văn phòng đặc biệt cần biết - Ảnh 5.

Đứng dậy thường xuyên có thể hữu ích. Ảnh minh họa

Đứng dậy thường xuyên thực sự có lợi, cho dù bạn ngồi bao lâu

Có lý do tại sao một số chuyên gia khuyên đi bộ sau bữa tối như một cách để hỗ trợ tiêu hóa. Khi cơ bắp của bạn được kích hoạt, thậm chí thông qua hoạt động nhẹ như đi bộ hoặc nấu ăn, chúng sẽ lấy các phân tử đường và chất béo từ máu của bạn để sử dụng làm năng lượng.

Khi bạn ngồi liên tục trong thời gian dài, các phân tử đường và chất béo đó sẽ lưu lại trong máu lâu hơn, đó là lý do mà một số người cho rằng ngồi quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.

Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ này bằng cách đứng dậy thường xuyên hơn. Lieberman giải thích rằng trong các nghiên cứu xem xét khoảng thời gian ngồi một chỗ mà không đứng dậy, những người đứng dậy sau mỗi 12 phút có nguy cơ mắc bệnh mãn tính thấp hơn nhiều so với những người ngồi 30 phút, ngay cả khi tổng thời gian ngồi của họ là như nhau mỗi ngày.

Lieberman nói: "Lý do là bạn vận động cơ bắp của mình thường xuyên hơn. Khi bạn vận động cơ, dù chỉ một chút, bạn sẽ giảm lượng chất béo và đường trong máu, đồng thời các cơ được thúc đẩy tạo ra các phân tử chống viêm".

C Lieberman khuyên dân văn phòng thỉnh thoảng hãy đứng dậy để lấy nước hoặc uống trà, nói chuyện với đồng nghiệp, làm việc vặt - bất cứ điều gì khiến bạn rời khỏi ghế trong một hoặc hai phút.

Vì sao ngồi nhiều không hại sức khỏe như bạn nghĩ? Dân văn phòng đặc biệt cần biết - Ảnh 7.

Lieberman khuyên: đứng dậy khỏi bàn làm việc vài lần một giờ, dành thời gian cho hoạt động thể chất trước hoặc sau giờ làm việc. Ảnh minh họa

Đừng tin vào những lời khuyên sức khỏe bị cường điệu hóa

Ngồi không có hại như hút thuốc. Bạn vẫn có thể làm một công việc ít vận động, đồng thời có đủ thời gian hoạt động thể chất được khuyến nghị và giữ cho nguy cơ mắc bệnh mãn tính của bạn tương đối thấp (miễn là bạn cũng có các hành vi lành mạnh khác như ăn một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, không hút thuốc, kiểm soát căng thẳng và uống rượu vừa phải).

Tuy nhiên, lập luận của Lieberman không phải là chúng ta nên gạt bỏ ý kiến cho rằng ngồi quá nhiều có thể có hại.

"Đúng là hoạt động thể chất tốt cho bạn và ngồi quá nhiều có hại", anh nói. "Nhưng thay vì giải thích lý do cho điều này, nhiều chuyên gia y tế chỉ ngụy biện và cường điệu hóa".

Ngồi là một hành động tự nhiên và cần thiết, và cho rằng ngồi là một hành động xấu xa sẽ không hữu ích. Lý do là nó không đưa ra giải pháp và gây căng thẳng cho mọi người, điều này rất có hại cho sức khỏe.

Thay vào đó, Lieberman cho rằng "mọi người xứng đáng nhận được nhiều thông tin hơn và tốt hơn". Một cách tiếp cận tốt hơn là giải thích cách thức và lý do tại sao việc ngồi quá nhiều có thể có hại, sau đó đưa ra một số giải pháp thực tế: đứng dậy khỏi bàn làm việc vài lần một giờ, dành thời gian cho hoạt động thể chất trước hoặc sau giờ làm việc.

Biết được điều này, mọi người có thể điều chỉnh thói quen của mình tốt hơn thay vì cảm thấy choáng ngợp bởi những lời tư vấn dọa nạt rằng những thay đổi nhỏ dường như vô ích.

(Nguồn: HuffPost)

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang