Ngày càng nhiều những người bạn xung quanh tôi thổ lộ rằng mình không muốn có con. Hầu hết họ đều là những cô gái sống ở thành phố, có gia đình cơ bản, công việc tốt, độc lập tài chính. Nhiều người trong số họ có một tình yêu lâu bền nhưng chưa có ý định tiến tới hôn nhân trong thời gian gần.
Vì sao X. không muốn có con vậy? Điều kiện nền đã tốt như vậy mà?
"Điều kiện tốt không phải là lý do để quyết định có con hay không", X. đáp và cũng nói thêm: "Mình nghĩ, có con là mong muốn/ lựa chọn của bản thân chứ không phải là kết quả tạo ra do sự thúc đẩy của những yếu tố bên ngoài. Hiện tại, mình vẫn lo cho bố mẹ đầy đủ, vẫn sống rất vui, mình cũng không thắc mắc hay buộc ai đó ngoài kia sinh con hoặc dừng sinh con, vậy tại sao họ lại áp đặt mong muốn có con của họ lên mình? Thật vô lý!".
Ở Việt Nam, xu hướng không muốn sinh con có vẻ còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc - 1 trong những quốc gia có tỷ lệ người trẻ không muốn sinh con cao ngất hiện nay, các con số đã tăng lên đến mức đáng báo động. Viện Phát triển Hàn Quốc cho thấy 52,4% người trẻ chưa kết hôn ở độ tuổi 20 cho biết không muốn sinh con sau khi kết hôn. Tỷ lệ này tăng mạnh so với con số 23,3% của cuộc khảo sát cách đây 5 năm.
X. thuộc nhóm không muốn sinh con không vì lý do gì cả. Đơn giản cô chỉ muốn tận hưởng trọn vẹn đời sống độc thân. Song, nhiều người trẻ khác quyết định sẽ không có con vì những vấn đề khác trong góc khuất cuộc sống của riêng mình.
Ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc hôn nhân của bố mẹ
J. lớn lên trong gia đình có bố mẹ ly hôn khi cô mới 2 tuổi. Khi ấy, cô bạn còn quá nhỏ để có thể nhớ về cuộc chia ly xảy ra như thế nào. Nhưng từ khi có nhận thức, điều còn đọng là lại trong tâm trí là mẹ J. đưa cô đến nhà bố mỗi cuối tuần, sau đó cố gắng lái xe đi nhanh nhất có thể.
Bước sang tuổi 24, cô luôn nghĩ rằng hôn nhân rất vô nghĩa. Ý tưởng này bắt đầu "đóng đinh" trong đầu cô bạn từ 1 lời nói đùa của mẹ khi J. 12 tuổi: "Đừng bận tâm đến việc kết hôn kể cả khi đã trưởng thành, nó không đáng với những phiền phức phải nhận lại". Vì vậy, mỗi khi bạn bè nói về đám cưới hoặc người chồng tương lai của họ, cô bạn 24 tuổi này luôn nghĩ rằng điều đó thật vô nghĩa.
"Ly hôn đã gây ra rất nhiều rắc rối trong gia đình tôi. Bố mẹ tôi luôn cãi cọ mỗi khi gặp nhau, đến 1 lúc họ quyết định không còn nói chuyện nhau và nó đã kéo dài rất nhiều năm. Đối với tôi, hôn nhân là sự chia ly và đau đớn. Và tôi không có lý do gì để nhảy vào hố lửa đó". Sau tất cả, J. lựa chọn không kết hôn và cũng không có con. "Tôi không chắc liệu con tôi có phải trải qua 1 tuổi thơ như bản thân từng có".
V. - người cũng không có mong muốn sinh con - chia sẻ rằng cô luôn nhìn thấy mặt khác của tình mẫu tử.
Mẹ V. đã trải qua giai đoạn đoạn trầm cảm sau sinh khi sinh cô. "Vì vậy, mẹ là người hay lo lắng và luôn nói với tôi suy nghĩ của bà. Mẹ thường nói 'Mẹ sẽ rất lo lắng nếu con quyết định sinh con vì nó không hề dễ dàng'. Điều này ảnh hưởng đến tôi rất nhiều".
Mọi người xung quanh luôn nói về việc sinh con là điều tuyệt vời như thế nào. Song, điều mà V. thấy được là những người bố, người mẹ thậm chí không có thời gian để chải tóc hay đánh răng.
"Bạn không thể làm điều bản thân muốn. Bạn không thể có tình yêu thương cũng như dành tình yêu cho người khác như trước, khi con cái đang lấy đi toàn bộ năng lượng từ cuộc sống của bạn. Tôi thấy rất nhiều người xung quanh quyết định chia tay vì họ phải vật lộn xoay sở với việc chăm sóc em bé, công việc và tất cả những khó khăn trong tài chính", V. bộc bạch.
Kiệt sức vì chăm em, người chị từ bỏ mong muốn có con
Nhiều gia đình sau khi ly hôn, hay bố mẹ quá bận rộn, việc chăm sóc cho những người em sẽ mặc nhiên là trách nhiệm của anh chị cả. Họ thường cảm thấy nặng nề bởi những "nhiệm vụ" không thuộc về bản thân mình. Từ đó, dẫn đến câu chuyện khi lớn, những người đó thường từ chối quyền làm bố mẹ, bởi vì họ nhớ lại những cảm giác nặng nề khi còn bé.
G. là một người có câu chuyện như thế. Trong thời điểm khó khăn của gia đình, G. (người chị cả trong gia đình) đã làm tất cả công việc như một… bảo mẫu. Cô phải chăm em từ lúc mở mắt thức dậy, cho đến khi cơ thể rã rời lúc leo lên giường ngủ. G. bị mắc kẹt trong cuộc sống không có tham vọng, không có thời gian cho những hoạt động yêu thích của bản thân từ khi còn niên thiếu.
"Tôi đã trở thành mẹ của hai đứa con không phải của mình. Mặc dù tôi không phải đối phó với gánh nặng tài chính, nhưng tôi vẫn phải gánh chịu những tổn thất về thể chất, tình cảm và tinh thần. Tôi trở nên dễ dàng tức giận, khó chịu và khắc nghiệt kể cả trong những chuyện nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống thường ngày", cô bộc bạch.
"Danh xưng mẹ của ai đó không phải là điều khiến tôi tự hào"
Bên cạnh việc trở thành mẹ một cách bất đắc dĩ như G., lo lắng "đánh mất danh tính" cũng khiến những cô gái trẻ từ bỏ mong muốn có con.
"Đánh mất danh tính" là gì? Đó là khi xã hội định nghĩa họ bằng chức danh "mẹ của bé A/B" thay vì tên gọi cá nhân hoặc nhìn nhận trực tiếp vào thành tựu mà họ đã cống hiến.
"Tôi tự hào là người thú vị và có sở thích tôi làm việc, tôi đọc nhiều, và cố gắng chăm sóc bản thân thật tốt cả về tinh thần và thể chất. Mặt khác, tôi sợ khi mang thai hay có con, tôi sẽ nhanh chóng mất đi năng lượng, không còn sức lực hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào kể cả những chuyện rất nhỏ", M. - một cô gái trẻ quyết định không có con vì sợ đánh mất danh tính nói thêm: "Tôi không muốn người khác thay vì định danh tôi bằng những gì tôi làm được, sẽ chuyển sang coi tôi là một người mẹ. Tôi rất sợ từ lúc mang thai cho đến sinh con, cuộc đời mình sẽ được gắn liền với một người khác".
"Tôi biết rằng có con là một điều tuyệt vời nhất. Nhưng liệu nó có xứng đáng để tôi đánh mất danh tính của bản thân từ một người thú vị và có sở thích thành mẹ của 1 em bé. Tôi không dám thử, bởi vì không thể quay đầu lựa chọn lại", M. chia sẻ.
"Tại sao họ lại quan tâm đến sự lựa chọn của tôi, trong khi tôi không hề để tâm đến quyết định của họ?"
Nhiều công việc hiện nay yêu cầu khá áp lực về thời gian, gần như không lúc nào là không trong trạng thái sẵn sàng làm việc. Một ngày 24 tiếng, cũng chỉ có từng đó thời gian, khi bị guồng quay công việc giữ chân, nhiều người lựa chọn không có con.
M. đã chọn nghề nghiệp rất khắt khe là bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình. "Tôi biết rằng nếu bản thân có con, ở một khía cạnh nào đó, tôi sẽ mãi mãi cảm thấy tội lỗi với công việc của mình cũng như cho cả đứa trẻ. Tôi chỉ có 24 tiếng trong 1 ngày, và rất khó để có thể phân chia hiệu quả giữa công việc và con cái. Tôi cũng không tìm thấy ý nghĩa của việc có con rồi nhờ người khác nuôi hộ".
Trong những năm qua, M. đã nhận vô số những lời nhận xét thô lỗ về sự lựa chọn của bản thân. Một y tá từng nói thẳng với nữ bác sĩ này rằng cuộc hôn nhân của cô sẽ không bao giờ trọn vẹn vì quyết định không sinh con.
"Những người đã lựa chọn như phần lớn những người khác trong xã hội cảm thấy bị đe dọa bởi một số người đi con đường khác. Tại sao họ lại quan tâm đến sự lựa chọn của tôi, trong khi tôi chắc chắn chẳng hề để tâm đến quyết định của họ?", M. bức xúc bày tỏ suy nghĩ của bản thân.
Cũng như M., C. là 1 nhà văn yêu nghề. Cô chia sẻ rằng khi "đồng hồ sinh học" trong việc có con không bao giờ chạy, tức là đồng hồ làm việc đã được kéo dài.
"Với tư cách là 1 nhà văn, tôi thường lo lắng rằng bản thân có thể sẽ bực bội khi phải từ bỏ thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình để chăm sóc 1 đứa trẻ. Khi vẫn còn suy nghĩ đó, tôi nhận ra bản thân mình chưa sẵn sàng để có con. Chỉ đơn giản rằng nó không phù hợp với cuộc sống tôi đang theo đuổi".
Bên cạnh đó, B., 1 y tá trong lĩnh vực sức khỏe tâm lý cho rằng lập luận việc không muốn có con là ích kỷ không có ý nghĩa gì đối với bản thân cô.
"Tôi đã triệt sản vào cuối những năm 20 tuổi và chưa bao giờ hối hận về điều đó. Tôi quan tâm đến người khác, tình nguyện tham gia cứu hộ động vật. Tôi chỉ đang dành thời gian và năng lượng của mình cho 1 chuyện khác, cũng tuyệt vời không kém việc sinh con".
"Chỉ bạn mới có thể biết điều gì phù hợp với mình: Bạn là người dẫn dắt cuộc đời mình"
Ann Davidman, nhà tâm lý học về gia đình và hôn nhân cho rằng khi lựa chọn có con hay không, điều quan trọng cần biết là mong muốn và quyết định của mình là gì. Lựa chọn của mọi người không phải lúc nào cũng giống nhau và mục tiêu cũng vậy. Cách hiệu quả nhất để đưa ra quyết định là tạm thời gạt áp lực phải lựa chọn, những lo sợ sang 1 bên và chỉ tập trung vào mong muốn của bản thân, xem đâu là điều phù hợp với mình.
Làm cha mẹ không phải là một điều hiển nhiên cũng không phải là một cuộc tranh luận. Không có sự lựa chọn đúng đắn duy nhất. Chỉ bạn mới có thể biết điều gì phù hợp với mình: Bạn là người dẫn dắt cuộc đời mình.
"Bạn vẫn mãi là bản thân mình"
Bên cạnh đó, John Carnesecchi, có 25 năm kinh nghiệm tư vấn gia đình, chia sẻ rằng chìa khóa để làm cha mẹ là không đánh mất chính mình. Bởi vì bất chấp mọi thay đổi, vẫn luôn tồn tại 1 thực tế: Bạn vẫn mãi là bản thân mình. Bạn vẫn có thể tận hưởng những điều bạn yêu thích như trước khi có con bằng cách tìm được điểm cân bằng giữa con cái và cuộc sống.
*Tên nhân vật trong bài viết được viết tắt để đảm bảo sự riêng tư.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.