Vì sao Tết Hàn thực chỉ cúng chay không cúng thịt? Hóa ra có liên quan tới truyền thuyết từ hơn 4000 năm trước

(lamchame.vn) - Bánh trôi, bánh chay không chỉ là loại bánh truyền thống dâng cúng tưởng nhớ tổ tiên mà còn là lời cầu chúc cho gia đình hòa thuận, bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết hưởng vinh quang thái bình.

Tết Hàn thực là một ngày lễ đậm đà bản sắc văn hóa người Việt, diễn ra vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm. Dù có nguồn gốc từ một truyền thuyết của Trung Quốc, khi du nhập vào Việt Nam, Tết Hàn thực đã được biến tấu phù hợp với văn hóa, phong tục của người Việt và không còn liên hệ đến Giới Tử Thôi như trong câu chuyện gốc.

Trong câu chuyện gốc liên quan đến Tết Hàn thực của Trung Quốc, người dân làm bánh trôi, cỗ bàn cúng tế gia tiên. Tết này người Trung Quốc kỷ niệm ngày Giới Tử Thôi chết cháy. Chuyện từ thời Xuân Thu, công tử Cơ Trùng Nhĩ (về sau là vua Tấn Văn Công) khi bôn tẩu nước ngoài gặp cảnh loạn lạc, đói quá được bề tôi đi theo là Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình nấu dâng cho ăn. Sau 19 năm phiêu bạt, Trùng Nhĩ trở về làm vua nước Tấn, ban thưởng cho tất cả những người cùng nằm gai nếm mật với mình nhưng quên mất Giới Tử Thôi. Tử Thôi đem mẹ vào sống trong núi Điền. Lúc vua nhớ ra cho người đến vời nhưng không được. Vua sai đốt rừng ép Tử Thôi phải ra. Tử Thôi ôm mẹ chết cháy quyết không chịu. Đau xót, vua lập miếu thờ trên núi. Ngày Tử Thôi chết cháy là ngày mùng ba tháng ba. Người đời thương Tử Thôi nên mỗi năm đến ngày đó không đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội.

Tích cũ này đã được nhắc đến trong cuốn An Nam phong tục sách của Mai Viên Đoàn Triển lẫn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính. Người Việt ta cũng tiếp nhận Tết này từ sớm, tuy nhiên không ăn to như các Tết khác mà đơn giản chỉ là một ngày lễ truyền thống.

Đến ngày 3/3 Âm lịch, người dân vẫn thường làm bánh trôi, bánh chay ăn thay đồ nguội nhưng mục đích không phải để tưởng niệm nhân vật Giới Tử Thôi trong tích cũ của người Trung Quốc. Vậy, Tết Hàn thực trong tâm thức người Việt mang ý nghĩa gì?

Bí mật đằng sau việc Tết Hàn thực không cúng thịt mà ít người biết, hóa ra có liên quan đến truyền thuyết cách đây hơn 4000 năm - Ảnh 1.

Vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay.

Tưởng nhớ công lao tổ tiên, nguồn cội

Trong tâm thức văn hóa của người Việt, các ngày Tết cổ truyền đã trở thành những dấu mốc quan trọng để mỗi người dân bày tỏ lòng kính trọng và sự biết ơn sâu sắc tới những vị tổ tiên đã khuất, những người đã dày công vun đắp, xây dựng nên non sông gấm vóc ngày nay. Trong số những ngày lễ đó, Tết Hàn thực xuất hiện như một một phần không thể thiếu trong chuỗi ngày tôn vinh và hồi tưởng.

Khác biệt so với Tết Hàn thực của người Trung Quốc - ngày để tưởng nhớ một nhân vật lịch sử đã hy sinh thân mình vì lẽ phải, Tết Hàn thực của người Việt mang một sắc thái riêng biệt, với hồn Việt nguyên sơ, nhằm nhớ về nguồn cội, tri ân và tưởng nhớ đến công ơn to lớn của những vị tổ tiên đã từng bảo vệ và phát triển đất nước.

Bí mật đằng sau việc Tết Hàn thực không cúng thịt mà ít người biết, hóa ra có liên quan đến truyền thuyết cách đây hơn 4000 năm - Ảnh 2.

Ngay từ sáng sớm ngày 3/3 Âm lịch, nếu không tự tay thực hiện những đĩa bánh trôi, bánh chay, người dân sẽ đi mua về thắp hương. Chẳng ít thì nhiều, ai cũng muốn một lần nếm vị bánh truyền thống.

Nét đặc trưng không thể lẫn vào đâu của Tết Hàn thực chính là tục làm bánh trôi và bánh chay, những thức quà tinh thần mang đậm hình ảnh văn hóa lúa nước của người Việt. Không chỉ là món ăn truyền thống, mỗi chiếc bánh trôi, bánh chay còn chứa đựng trong đó cả một quỹ tích truyền thuyết huyền bí về tổ mẫu Âu Cơ - người mẹ của dân tộc với 100 người con. Bánh trôi tròn mịn như đại diện cho 50 người con theo mẹ lên núi, bám rễ vào đất liền, còn bánh chay mềm mại, thanh thoát như 50 người con xuôi dòng xuống biển cả, nối dài tinh thần yêu nước và khát vọng mở rộng bờ cõi.

Bí mật đằng sau việc Tết Hàn thực không cúng thịt mà ít người biết, hóa ra có liên quan đến truyền thuyết cách đây hơn 4000 năm - Ảnh 3.

Những đĩa bánh trôi, bánh chay được các bà, các mẹ chuẩn bị rất chu đáo và thơm ngon trong ngày Tết ẩm thực. Ảnh: Vũ Thu Hương.

Mỗi dịp Tết Hàn thực về, qua đôi tay khéo léo của bà, của mẹ, của những người con gái trong gia đình, những chiếc bánh trôi, bánh chay lại được làm ra, không chỉ là một nghi thức truyền thống mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị văn hóa và lòng tự hào dân tộc. Đó cũng là dịp để mỗi người Việt tìm về với cội nguồn, sống lại với những giá trị cốt lõi của mình, và cảm nhận sâu sắc hơn về nguồn gốc, về lịch sử hào hùng của dân tộc mình.

Lời cầu chúc một mùa hè an lành và mát mẻ

Tết Hàn thực của người Việt, không chỉ là dịp tưởng nhớ công ơn tổ tiên mà còn tỏa sáng như biểu tượng cho sự tri ân sâu sắc đối với cội nguồn của dân tộc. Trong dịp Tết này, bản sắc văn hóa Việt được thể hiện qua sự tinh tế và khéo léo trong việc hòa quyện truyền thống với những tinh hoa văn hóa tiếp nhận từ bên ngoài, làm cho chúng trở nên phong phú và đậm đà hơn trong tâm hồn người Việt.

Bí mật đằng sau việc Tết Hàn thực không cúng thịt mà ít người biết, hóa ra có liên quan đến truyền thuyết cách đây hơn 4000 năm - Ảnh 4.

Bánh trôi, bánh chay không chỉ là loại bánh truyền thống dâng cúng tưởng nhớ tổ tiên mà còn là lời cầu chúc cho gia đình hòa thuận, bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết hưởng vinh quang thái bình. Ảnh: Vũ Thu Hương.

Khi Tết Hàn thực về, gia đình Việt sum họp bên nhau, nô nức chuẩn bị những chiếc bánh trôi, bánh chay. Những viên bánh trắng muốt, mịn màng được bày biện trên những chiếc đĩa trang hoàng, không chỉ là món ăn truyền thống mà còn gói ghém biết bao tấm lòng kính trọng với ông bà tổ tiên, và niềm tin vào những điều tốt lành. Theo những quan niệm từ dân gian, bày 3 hoặc 5 đĩa với số lượng bánh ở mỗi đĩa là số lẻ không những đẹp về mặt hình thức mà còn chứa đựng những ý nghĩa sâu xa, liên kết với vũ trụ và tự nhiên. Số 3 không chỉ đơn thuần là con số mà nó đại diện cho hòa quyện giữa Trời, Đất và Con Người, còn số 5 lại đại diện cho sự cân bằng của Ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, thể hiện cho sự hài hòa và trọn vẹn.

Qua nghi thức làm bánh trôi, bánh chay, người Việt muốn gửi gắm những lời cầu nguyện cho một mùa hè mát mẻ sắp đến, với hy vọng cuộc sống sẽ trôi qua êm đềm, mọi nhà mọi người đều được an vui, tràn đầy hạnh phúc. Bánh trôi, bánh chay không chỉ là thức quà cho linh hồn tổ tiên mà còn là lời chúc từ trái tim mỗi con người, mong cho thiên nhiên ưu ái và cuộc sống luôn được thuận buồm xuôi gió.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang