Việt Nam chẳng thiếu thần đồng: Cậu bé này 8 tuổi đã giải Toán lớp 10, 15 tuổi nổi tiếng thế giới, giờ đạt chức vị cao quý ở Mỹ

Dù thành danh ở nước ngoài nhưng ông vẫn hướng về quê hương.

Thần đồng Toán học nổi tiếng của Việt Nam

Giáo sư, Tiến sĩ Vật Lý Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969, tại Hà Nội trong một gia đình tri thức. Bố ông là Giáo sư Dược học Đàm Trung Bảo, mẹ là Phó Giáo sư Sinh hoá Nguyễn Thị Hảo, chú ruột là Giáo sư Vật lý Đàm Trung Đồn.

Từ nhỏ, Đàm Thanh Sơn đã có trí thông minh vượt bậc, được ca tụng là thần đồng. Mới học lớp 2 (tương đương với lớp 3 hiện nay), ông đã giải được Toán lớp 10 (tương đương lớp 12 hiện nay) nên được Sở Giáo dục Hà Nội cho học vượt cấp, nhảy thẳng lên năm cuối cấp II.

Việt Nam chẳng thiếu thần đồng: Nhân tài này 8 tuổi đã giải Toán lớp 10, 15 tuổi nổi tiếng thế giới, giờ đạt chức vị cao quý ở Mỹ - Ảnh 1.

Giáo sư Đàm Thanh Sơn ngày nhỏ.

Lên cấp III, ông thi đỗ vào Khối Phổ thông chuyên Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1984, khi mới 15 tuổi, Đàm Thanh Sơn đã vang thế giới khi đoạt Huy chương vàng tại Olympic Toán Quốc tế ở Prague với số điểm tối đa 42/42, ngay trong lần thi đầu tiên. 

Nhờ thành tích đoạt Huy chương vàng Toán quốc tế, Đàm Thanh Sơn được gửi sang Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov (Liên Xô cũ) để học đại học.

Ai cũng nghĩ với thành tích huy chương vàng toán quốc tế, Đàm Thanh Sơn sẽ học khoa Toán vốn là khoa “quý tộc” của trường đại học danh tiếng nhất Liên Xô thời bấy giờ. Nhưng sau cùng, ông lại quyết chọn môn Vật Lý và nhận bằng tiến sĩ Vật lý tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Moskva năm 1995. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người hướng dẫn của Đàm Thanh Sơn là giáo sư Valery Rubakov đã khuyên ông sang Mỹ tiếp tục học tập để không thui chột tài năng. 

Từ năm 1995-1999, Đàm Thanh Sơn là học giả hậu Tiến sĩ (postdoc) tại Đại Học Washington, Seattle (1995-1997) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) (1997-1999). 

Từ năm 1999-2002,  Đàm Thanh Sơn được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Columbia, đồng thời là học giả (fellow) ở Trung tâm Nghiên cứu RIKEN-BNL, Phòng Thí nghiệm Quốc gia Brookhaven (BNL), Hoa Kỳ. Từ năm 2002, ông quay lại Seattle, được bổ nhiệm chức Giáo sư tại Khoa Vật lý của Đại học Washington và đồng thời là học giả cao cấp (Senior Fellow) tại Viện Vật lý Hạt nhân trực thuộc đại học này.

Việt Nam chẳng thiếu thần đồng: Nhân tài này 8 tuổi đã giải Toán lớp 10, 15 tuổi nổi tiếng thế giới, giờ đạt chức vị cao quý ở Mỹ - Ảnh 2.

Giáo sư Đàm Thanh Sơn.

Năm 2008 tổ chức Olympic Vật lý quốc tế ở Việt Nam, ông là một trong ba giáo sư vật lý Việt Nam được mời tham gia Ban tổ chức.

Từ tháng 09/2012, ông là Giáo sư (University Professor) tại Đại học Chicago - đại học danh tiếng top đầu của Mỹ. "Professor" thường được dịch là "Giáo sư". Đây là một học hàm cao nhất trong đại học. Tuy nhiên, cũng có trường đại học ở Mĩ phong học hàm "University Professor" – thường được xem là cao hơn cả "Professor"- cho các giáo sư có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc và có đóng góp lớn cho trường. Trên website của ngôi trường danh tiếng này cũng có bài đăng các thông tin của Giáo sư Sơn, cũng như các công trình nghiên cứu của ông.

Việt Nam chẳng thiếu thần đồng: Nhân tài này 8 tuổi đã giải Toán lớp 10, 15 tuổi nổi tiếng thế giới, giờ đạt chức vị cao quý ở Mỹ - Ảnh 3.

Thông tin về Giáo sư Đàm Thanh Sơn trên trang website của Đại học Chicago.

Được biết tại Đại học Chicago, Giáo sư Đàm Thanh Sơn nghiên cứu về Vật lý lý thuyết, chủ yếu là Vật lý hạt cơ bản, Vật lý hạt nhân và các ứng dụng của lý thuyết dây.

Năm 2014 ông trở thành thành viên của Viện hàn lâm khoa học và Nghệ thuật Mỹ và được bầu là thành viên Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ. Ngày 8/8/2018, Giáo sư Đàm Thanh Sơn nhận Huy chương Dirac của Trung tâm quốc tế về Vật lý Lý thuyết ICTP cùng với hai nhà vật lý lý thuyết là Subir Sachdev (Đại học Harvard, người Ấn Độ) và Văn Tiểu Cương (MIT, người Mỹ gốc Trung Quốc). Huy chương Dirac là giải thưởng cao quý nhất trong ngành để tôn vinh những nhà Vật lý lý thuyết trên khắp năm châu.

Thành danh ở nước ngoài nhưng lòng luôn hướng về quê hương

Dù thành công rực rỡ ở nước ngoài nhưng Giáo sư Đàm Thanh Sơn vẫn luôn hướng về Việt Nam. Ông nhiều lần về nước tham dự hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” cùng với nhiều nhà Vật lý nổi tiếng thế giới; tham gia ban giám khảo, ban tổ chức các cuộc thi Toán, Vật lý quốc tế tại Việt Nam.

Không chỉ vậy, vị Giáo sư nổi tiếng còn dùng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ cho ngành Vật Lý Việt Nam, tạo điều kiện đưa nhiều sinh viên Việt Nam đến học tập ở Mỹ cũng như các nước có nền khoa học tiên tiến khác.

 

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/viet-nam-chang-thieu-than-dong-cau-be-nay-8-tuoi-da-giai-toan-lop-10-15-tuoi-noi-tieng-the-gioi-gio-dat-chuc-vi-cao-quy-o-my-162211211205955647.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang