Việt Nam có những món Tết cổ truyền rất hiếm người biết, thậm chí còn sắp "tuyệt chủng" đến nơi

Không phải chỉ thịt gà, giò chả, bánh chưng, bánh tét hay thịt kho, ẩm thực Việt ngày Tết còn có những món vừa đẹp vừa kỳ công nhé!

Nói đến những món cổ truyền ngày Tết ở Việt Nam, bên cạnh bánh chưng hay bánh tét là món nhất định phải có, thì mỗi vùng miền lại có những món đặc trưng của mình như thịt gà luộc, giò chả, nem rán, thịt kho, hành kiệu muối hoặc dưa món... Thế nhưng có những cái tên dù đã là món cổ truyền nhưng lại hiếm người biết, thậm chí những món này còn có nguy cơ bị thất truyền, đó chính là mọc vân ám và bánh bó mứt.

Mọc vân ám

Một cái tên hết sức sang chảnh, văn vẻ, nhưng vấn đề là nó... lạ hoắc. Nhiều người nghe tên còn chẳng biết mọc vân ám là món gì. Nhiều năm trước, món ăn này vẫn xuất hiện trên mâm cỗ Tết của người miền Bắc, thế nhưng ngày nay nó mai một dần bởi... quá khó làm.

Việt Nam có những món Tết cổ truyền rất hiếm người biết, thậm chí còn sắp tuyệt chủng đến nơi - Ảnh 1.

Quả thật, làm mọc vân ám rất khó! Để có được món ăn mang đầy tính nghệ thuật này, người ta phải hết sức tỉ mỉ, khéo léo và tinh tế. Mọc vân ám gồm có 5 viên mọc, mỗi viên mang một màu khác nhau, được làm từ những nguyên liệu khác nhau như đậu, gấc, mộc nhĩ, rau củ... Năm viên mọc được múc vào bát, sau đó sẽ đổ nước ninh xương và bì lợn lên trên, chờ đông rồi mới úp ra đĩa. Khi đó, ta sẽ có được một tác phẩm nghệ thuật thực sự: năm viên mọc màu sắc bắt mắt được phủ bởi lớp thạch trong suốt nhìn như mây phủ. Cũng bởi vậy mà món ăn này được gọi là mọc vân ám. 

Không chỉ ngon, đẹp, mọc vân ám còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Năm viên mọc màu sắc khác nhau tượng trưng cho kim - mộc - thuỷ - hoả - thổ nằm gọn trong lớp màng thạch tượng trung cho đất trời, ý chỉ tinh hoa hội tụ,  cầu chúc năm mới bình an, thuận lợi và nhiều may mắn.

         
 
   
         
 
   

Bánh bó mứt 

Bánh bó mứt là một món Tết của người miền Trung thời xưa, đi liền với ẩm thực cung đình, mang trong đó sự duyên dáng, đài các của nếp sống cố đô.

         
 
   
         
 
   
         
 
   
         
 
   

Tương truyền, ở Huế thời xưa, nhà nào cũng trồng vài ba cây ăn trái. Đến mùa thu hoạch, người ta đem phơi khô rồi gói ghém mang cất đi. Đến ngày Tết, những thứ này sẽ được mang ra trộn với gạo nếp, các loại mứt hoa quả, mè đen, đậu phộng, gừng... rồi gói vào mo cau thành bánh bó mứt. Khi ăn, bánh sẽ được cắt thành từng lát.

Dù chỉ toàn nguyên liệu quen thuộc, đơn giản nhưng với bàn tay tài hoa của người Huê,s bánh bó mứt cắt ra đẹp như một bức xà cừ với đủ màu xen kẽ. Đây cũng là món bánh được mang vào cung đình, xuất hiện trên mâm cỗ vương giả quý tộc. 

Ngày nay, bánh bó mứt gần như không còn. Có chăng chỉ là các nghệ nhân ẩm thực ở Huế còn phục dựng lại mà thôi.

Việt Nam có những món Tết cổ truyền rất hiếm người biết, thậm chí còn sắp tuyệt chủng đến nơi - Ảnh 4.

Ẩm thực Việt, sẽ còn nhiều lắm những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, mang trong đó cái hồn và sự tài hoa của người Việt. Biết đâu đó trong tương lai, những món ăn này sẽ trở lại và quen thuộc trên mâm cơm những ngày Tết, nhỉ?!!

 

Theo ttvn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang