Tập đoàn Vingroup vừa thành lập công ty cổ phần Công nghệ sinh học Vinbiocare, viết tắt Vinbiocare JSC vào ngày 3/6/2021.
Công ty có trụ sở tại Toà nhà văn phòng Techno Park, khu đô thị Vinhomes Ocean Park, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu trong đó cụ thể là sản xuất vắc xin, huyết thanh và các thành phần của máu, các loại thuốc khác, bao gồm chất vi lượng, thuốc chẩn đoán, sản xuất hoá dược.
Ngoài ra còn một số ngành nghề như bán buôn thực phẩm, bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế… sản xuất thực phẩm chức năng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực y, dược, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học tự nhiên…
Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó tập đoàn Vingroup chiếm 69% cổ phần, bà Phan Thu Hương nắm giữ 1%, ông Phan Quốc Việt nắm giữ 30%.
Chủ tịch HĐQT của công ty là bà Mai Hương Nội, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup.
Tại buổi tiếp nhận 30 máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao phục vụ cho 2 triệu mẫu test của Tập đoàn Vingroup trao tặng Bộ Y Tế với tổng giá trị hơn 460 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD) vào ngày 4/6 vừa qua, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã cảm ơn Tập đoàn Vingroup đã dành kinh phí lớn để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch.
Đồng thời Bộ trưởng tiết lộ: "Tập đoàn Vingroup đang đẩy nhanh vấn đề hợp tác với các đối tác nước ngoài về tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng COVID-19 để chúng ta dần tiến đến tự chủ về vaccine. Chúng tôi đánh giá rất cao việc này của Tập đoàn".
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng công nghệ vào phòng, chống dịch COVID-19, Tập đoàn Vingroup đã đàm phán thành công với với Công ty Breathonix (Singapore), nhà sản xuất máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở đầu tiên trên thế giới - để đưa thiết bị này về Việt Nam từ nay đến hết tháng 8/2021.
Phương pháp xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở có ưu điểm đặc biệt nổi bật là nhanh chóng, độ chính xác cao và không cần phải lấy dịch tỵ hầu, họng. Người được xét nghiệm chỉ cần thổi vào miệng van một chiều dùng một lần được kết nối với dụng cụ lấy mẫu hơi thở. Hơi thở ra được thu thập và đưa vào một khối phổ kế tiên tiến để đo lường.
Theo các nhà phát triển, máy xét nghiệm này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phát hiện những thay đổi sinh hóa trong hơi thở để phát hiện COVID-19, cho ra kết quả trong vòng chưa đầy một phút, với độ chính xác hơn 90%. Thiết bị xét nghiệm này đã được Cơ quan Khoa học Y tế của Singapore (HSA) cấp phép.
Nếu hệ thống này đáp ứng được nhu cầu chống dịch, Bộ Y Tế sẽ trao đổi với Tập đoàn để mở rộng việc đưa thiết bị xét nghiệm này về Việt Nam.
Được biết, đến nay, Vingroup đã tài trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tổng trị giá hơn 2.287 tỷ đồng, như: Tài trợ 4 triệu liều vaccine, trị giá gần 500 tỷ đồng; hỗ trợ khẩn cấp hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trang thiết bị y tế (400 giường bệnh viện dã chiến, 100 máy thở VFS 410, 19.000 test nhanh COVID-19, 3 xe cấp cứu hiện đại, 1 máy chụp X-quang di động) với giá trị khoảng hơn 30 tỷ đồng; tài trợ 20 tỷ đồng để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 "Made in Vietnam" COVIVAC cho Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế sản xuất, tài trợ cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19; tri ân các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, sản xuất và trao tặng hàng ngàn máy thở cho Bộ Y tế và các nước bạn...
Tập đoàn Vingroup hiện là một trong những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong các hoạt động tài trợ phòng, chống dịch tại Việt Nam.
Đàm phán với các đối tác nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine
Sáng cùng ngày (4/6), tại Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc trực tuyến với Johnson & Johnson trao đổi về vấn đề nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam. Tại buổi làm việc, hai bên tích cực đàm phán về cung ứng vaccine của Johnson & Johnson cũng như vấn đề chuyển giao công nghệ trong sản xuất vaccine của hãng tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ quan điểm của Việt Nam là làm sao để tiếp cận vaccine nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất để phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Thông tin trao đổi tại buổi làm việc cho biết, cùng với mong muốn Johnson & Johnson có kế hoạch cung ứng vaccine COVID-19 cho Việt Nam, phía Việt Nam cũng mong muốn được hợp tác với Johnson & Johnson về gia công và chuyển giao công nghệ để thiết lập nhà máy sản xuất vaccine tại Việt Nam.
Đại diện Johnson & Johnson đánh giá cao công tác phòng chống dịch hiệu quả của Việt Nam. Về khả năng cung ứng vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson, đại diện Johnson & Johnson cho biết hãng đã tham gia cơ chế COVAX với cam kết cung ứng 200 triệu liều từ nay đến cuối năm 2021.
Phía Johnson & Johnson cam kết sau cuộc làm việc với Bộ Y tế, Johnson & Johnson sẽ nỗ lực triển khai tất cả các giải pháp để thúc đẩy nhanh quá trình cung ứng vaccine của Johnson & Johnson qua cơ chế COVAX, làm sao để Việt Nam có vaccine của Johnson & Johnson sớm nhất; đồng thời phía Johnson & Jonhson cũng cho biết đã có kế hoạch để nộp hồ sơ đăng ký vaccine Jonhson & Jonhson tại Việt Nam.
Đại diện của Johnson& Johnson cho biết thêm, hãng sẽ nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.
Trước đó, trong buổi điện đàm trực tuyến với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga về vấn đề vaccine phòng COVID-19 chiều ngày 2/6/2021, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin trong năm 2021.
Bên cạnh đó để đảm bảo an ninh vắc xin trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế xác định việc hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine là rất cần thiết, vì vậy Bộ Y tế đã giao các đơn vị của Bộ khẩn trương đàm phán, thống nhất với đối tác về vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, Công ty Vabiotech, đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với phía Nga và dự kiến đến tháng 7/2021 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine phòng COVID-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng.
Đây là kết quả rất quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Nga trong chuyển giao công nghệ để có thể thiết lập nhà máy sản xuất vaccine công suất lớn tại Việt Nam nhằm đảm bảo thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu trong tương lai.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/vingroup-vua-thanh-lap-cong-ty-vinbiocare-von-200-ty-san-sang-cho-viec-chuyen-giao-cong-nghe-san-xuat-vaccine-chong-covid-161210706201257504.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.