Vợ chồng chàng kỹ sư bỏ phố về quê, tự tay bốc đất làm nhà, trồng rau nuôi gà nhàn nhã

Trong tay chỉ có 40 triệu, đôi vợ chồng ở Long An đã tự tay tạo dựng nơi an cư độc đáo.

Sau 10 năm học tập và làm việc ở Sài Gòn, đôi vợ chồng Trần Bảo Tân và Võ Thùy Mỵ (cùng SN 1990, ở Long An) đã có quyết định táo bạo - bỏ phố về quê, đắp đất xây nhà và chọn lối sống gần gũi thiên nhiên. Kế hoạch này đã được ấp ủ từ năm 2012.

Suốt 10 năm ấp ủ ý định bỏ phố về quê

Bảo Tân chia sẻ, anh học ngành xây dựng Trường Đại học kiến trúc TP.HCM còn vợ tốt nghiệp ngành tài chính tại một trường Đại học ở Long An. Từ thời sinh viên bon chen đủ nghề làm thêm, anh chàng đã mơ về cuộc sống tự tại, khắc khoải về tuổi thơ bình yên với ông bà ngoại ở quê.

"Hồi đó, chị gái mình đi làm để dành tiền mua tặng mình một chiếc laptop với USB 3G lên mạng, nó giống như là cánh cửa để nhìn ra thế giới của mình. Có lần, mình xem được một video của Jon Jandai - một người nông dân Thái Lan từ bỏ cuộc sống ở Bangkok về quê tự xây nhà làm vườn và có cuộc sống an nhàn.

Mình thấy ông ta nói Tiếng Anh và rất thành công. Đó là lúc phá vỡ hoàn toàn niềm tin 'chỉ có ở thành phố mới có cơ hội' trước đây của mình. Mình bắt đầu mơ về cuộc sống ở dưới quê, với một khu vườn nhỏ".

Vợ chồng chàng kỹ sư bỏ phố về quê, tự tay bốc đất làm nhà, trồng rau nuôi gà nhàn nhã - Ảnh 1.

Anh Tân ưa thích cuộc sống tự tại, gần gũi thiên nhiên

Dẫu vậy, mang trong mình kỳ vọng của ba mẹ, anh chàng luôn cố gắng học để kiếm một cái nghề. Khi ra trường, Tân làm kỹ sư xây dựng, giám sát công trình. Công việc đòi hỏi đi nhiều và việc xã giao chè chén trên bàn tiệc khiến Bảo Tân không thấy vui. Anh nhen nhóm lên kế hoạch để rời Sài Gòn.

Tân bắt đầu học tiếng Anh và tìm hiểu các kiến thức về thương mại điện tử. Trong vòng 2 năm, anh đã giao tiếp tiếng Anh thành thạo. Một thời gian sau, anh học thêm nghề làm bánh khoai mỡ chiên từ người bạn và quyết định nghỉ việc.

Để chuẩn bị hành trang "bỏ phố", Tân chuyển sang dạy tiếng Anh online và bán bánh vỉa hè. Công việc mang lại nguồn thu nhập tốt. Nhưng để có sự lựa chọn ngược đời này, Bảo Tân đã phải vượt qua nhiều khó khăn. Lớn nhất chính là nỗi sợ hãi trong chính suy nghĩ và tâm lý.

"Sợ lời ra tiếng vào, sợ dư luận và không tin vào bản thân. Cái khó khăn lớn nhất là ngại người đời nói tốn công đi học rồi cũng về làm ruộng, hay khi gặp lại bạn bè đang là kỹ sư, giám sát còn mình chân lấm tay bùn sẽ cảm thấy chạnh lòng", Bảo Tân nói.

Vợ chồng chàng kỹ sư bỏ phố về quê, tự tay bốc đất làm nhà, trồng rau nuôi gà nhàn nhã - Ảnh 2.

Vợ chồng anh Tân, chị Mỵ cùng yêu thích cuộc sống bình yên

Những ngày đầu bắt đầu hành trình "bỏ phố về quê", Bảo Tân tình cờ gặp gỡ và bén duyên với chị Thùy Mỵ. Cô gái học tài chính hoàn toàn ủng hộ và chấp nhận đồng hành cùng Tân. Năm 2016, cả hai tổ chức đám cưới.

Ban đầu, cặp đôi đặt mục tiêu kiếm tiền để mua đất ở Đà Lạt - nơi cả hai cùng mơ ước được tới sinh sống. Nhưng số tiền tích lũy hạn hẹp không đủ để thực hiện ước vọng rời đi. Sau nhiều đêm trăn trở, anh Tân nhớ về mảnh đất 2.000 m2 bỏ không của cha mẹ ở quê và câu nói "Hãy tận dụng những thứ bạn có để làm điều bạn muốn". Vợ chồng Bảo Tân và Thùy Mỵ đã quyết định trở về chính nơi 'chôn nhau cắt rốn' của mình để làm nên chuyện.

Xây nhà đất 40 triệu đồng

Đúng tháng 8/2019, cả hai về quê tạo lập cuộc sống mới. An cư thì mới lạc nghiệp, đôi vợ chồng trẻ lên kế hoạch xây dựng ngôi nhà của chính mình. Trong tay chỉ có 40 triệu đồng, để không gánh nặng về tài chính, cặp đôi chọn tự tay làm tất cả.

         
 
   
         
 
   

Anh Tân rất tâm huyết với căn nhà đất của mình

Từ kinh nghiệm của dân kết cấu, từng xây dựng nhiều nhà cao tầng, Bảo Tân bắt tay vào tìm hiểu để làm nhà bằng đất. Tân tham khảo và học kiến thức thông qua những buổi trò chuyện với bạn bè quốc tế và tham gia các buổi hướng dẫn làm nhà đất online.

Mỗi ngày, đôi vợ chồng dành 3 - 4 tiếng để làm. Từ khâu lên khung, đắp đất và hoàn thiện ngôi nhà mất khoảng 4 tháng. Tuy nhiên, giai đoạn 1, căn nhà rất lụp xụp ai nấy trông thấy đều cười và trêu là chuồng chim.

Một năm sau, cả hai quyết định nâng cấp để có thêm không gian sống. Hai vợ chồng làm không xuể nên họ nhờ thêm hai người bạn phụ giúp và sử dụng 4 cột xi măng để nhà thêm chắc chắn.

Sau những nỗ lực, ngôi nhà đất hai tầng xuất hiện. Tầng một có diện tích 50m2 là không gian làm việc, sinh hoạt. Tầng 2 là gác ngủ, có diện tích 9m2. Tường đất nhà dày 30cm, mái lợp lá.

Vợ chồng chàng kỹ sư bỏ phố về quê, tự tay bốc đất làm nhà, trồng rau nuôi gà nhàn nhã - Ảnh 4.

Căn nhà đất không tốn chi phí vật liệu xây dựng, thân thiện môi trường

Chia sẻ thêm về quá trình xây dựng, anh Tân cho biết, làm nhà đất không có công thức mà chỉ theo ý tưởng và sở thích cá nhân. Nguyên liệu đất mỗi vùng mỗi khác nên anh phải tốn công lựa chọn đất phù hợp. Để bảo vệ lớp tường đất, Bảo Tân dùng cát và vôi trát nhiều lớp mỏng, lớp cuối cùng dùng 100% vôi tôi.

Bên trong căn nhà, Tân còn trang trí thêm xích đu, ghế sofa bằng đất... Lúc này, khi bạn bè, hàng xóm và người thân tới thăm thì ai nấy đều thích thú. Nhiều người còn khen vào nhà không muốn ra ngoài vì mát mẻ, dễ chịu.

         
 
   
         
 
   

Không gian bên trong của căn nhà đất

"Hoàn thành căn nhà, vợ chồng mình hạnh phúc vô cùng. Có người còn nói ước gì được sống ở căn nhà đơn giản thế này, ở biệt thự cũng không bằng. Lúc đó mình thấy mình đã chọn đúng con đường. Đó là ước muốn của nhiều người nhưng chỉ vì nhiều thứ mà chưa thể theo đuổi", Tân khoe.

Cuộc sống thảnh thơi trên mảnh vườn 2.000m2

Sau 4 năm từ bỏ bon chen để về sống an nhàn, dù kinh tế không được dư giả nhưng cặp đôi hạnh phúc vì có cuộc sống bình yên và ngập tràn tiếng cười. Hàng ngày công việc của vợ chồng anh Tân xoay quanh mảnh vườn, cả hai cùng nhau trồng rau, nuôi gà.

Thu nhập chính của hai vợ chồng Tân đến từ việc dạy tiếng Anh online. Nguồn thực phẩm tự cung tự cấp cũng giúp cả hai "tự do" về tài chính, không quá phụ thuộc vào tiền bạc. Với anh Tân, căn nhà là tài sản vô giá.

Vợ chồng chàng kỹ sư bỏ phố về quê, tự tay bốc đất làm nhà, trồng rau nuôi gà nhàn nhã - Ảnh 6.

Trước những nghi ngại về độ bền của căn nhà đất, anh Tân khẳng định tường đất được thi công chống thấm rất kỹ lưỡng. Nhà đất có thể tồn tại hàng trăm năm (nếu làm đúng kỹ thuật) nên nó hoàn toàn không phải căn nhà tạm mà sẽ là di sản để lại cho con cái.

Hiện tại, Bảo Tân đang xây thêm một quán nhỏ ở trong khu ruộng gần nhà, vẫn làm bằng nguyên liệu đất và cố gắng tận dụng những gì có sẵn.

"Đây sẽ là nơi mình dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ trong xóm và bà xã kinh doanh thêm những món chè. Quán sẽ là nơi mình gửi gắm thông điệp bảo vệ môi trường cho các bạn nhỏ. Mình sẽ không dùng bịch nilon và mọi thứ sẽ đều thân thiện".

         
 
   
         
 
   

Rau củ sạch xanh mướt do vợ chồng anh Tân tự tay trồng

Chia sẻ với những bạn trẻ đang trăn trở về việc "bỏ phố về quê", anh Tân nói: "Làm gì cũng cần cân nhắc kỹ và chuẩn bị từ việc thực tập lối sống đơn giản, hạn chế chi tiêu và không ngại lao động chân tay. Thời nay, nhiều thành phố đã quá tải và không còn là nơi duy nhất có cơ hội nữa.

Internet đã đưa cơ hội đến tận bờ ruộng, con kênh. Cơ hội chia đều ở khắp đất nước Việt Nam. Nếu không có kỹ năng thì ở đâu cũng không nhìn thấy cơ hội. Chỉ cần có kỹ năng đi đâu cũng thấy cơ hội".

Ảnh NVCC

 

Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/vo-chong-chang-ky-su-bo-pho-ve-que-tu-tay-boc-dat-lam-nha-trong-rau-nuoi-ga-nhan-nha-820221861429490.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang