* Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước vụ việc của cô giáo Nguyễn Thị Tuất tại trường tiểu học Sài Sơn B, Quốc Oai (Hà Nội). Theo đó cô giáo này có phản ánh về chuyện bị BGH nhà trường "trù dập", sau khi tố cáo một số sai phạm trong phân công chuyên môn, thu chi tài chính.
Ngoài ra, cô Tuất cũng phản ánh bản thân nhiều lần bị chính học sinh của mình hành hung bằng cách bắn đạn giấy, súng nước hay trùm mặt đánh cô ngay trên bục giảng... Những chia sẻ của cô Tuất sau đó gây bão dư luận. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã lập đoàn thanh tra.
Có thể nói, vụ việc của cô Tuất đã gây một "cơn bão" lớn, khiến dư luận tranh cãi kịch liệt về trách nhiệm của các bên liên quan. Liệu cô giáo có thực sự bị trù dập? Những đứa trẻ hư thì lỗi của ai? Phụ huynh? Nhà trường? Giáo viên chủ nhiệm? Hay giáo viên bộ môn?
Nói về vấn đề này, mới đây nhà báo Hoàng Nguyên Vũ cũng đã có những suy nghĩ của mình về sự việc. Chúng tôi xin được chia sẻ lại bài viết của anh:
"Vụ cô giáo Tuất: Thưa rằng, cả ba bên đã hoàn toàn thất bại!
Vụ việc hiện đang được thanh tra, mọi kết quả đang ở phía trước nhưng tôi thấy cả 3 bên đều thất bại".
Đối tượng chính bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là các thế hệ học trò, của ngôi trường ấy, và của các môi trường giáo dục khác, có những câu chuyện tương tự (mà hình như, rất nhiều môi trường có câu chuyện tương tự. Vì đều có chung một cái gốc ngành, có chung một kiểu hành xử).
Cái thất bại trong cuộc đấu cô Tuất và Sài Sơn B, đã hiển hiện rất rõ. Từ những bức ảnh trong clip về một lớp học; những em học sinh trùm áo lên đầu, cái thước kẻ và "bài kiểm tra bất hủ". Cũng có thể còn nhiều thứ khác, chưa ra ngoài ánh sáng.
Một cô giáo tự bảo vệ mình bằng cách lắp các máy quay. Nhưng học trò hoàn toàn không sợ những máy quay ấy (đến cả cô giáo dạy mà còn không sợ, nói gì máy quay).
Cái "không sợ" ấy, nó nguy hiểm đến mức, đã thành thói quen, đã thành cái "vô lễ hồn nhiên". Trong khi môi trường cứ ra rả "tiên học lễ", đã thành "cái ác hồn nhiên", khi mà nền móng giáo dục trong suốt bao năm của một con người chập chững, là để họ làm người.
Giáo dục không dạy được người, hoặc không để cho người ta nên người. Đây là giáo dục thất bại toàn tập. Không cái gì biện minh được.
Cô Tuất và Sài Sơn B, nhất là cô Tuất, không nhiều thì ít, chắc chắn có cái sai của mình. Trong một cuộc xung đột, không ai đúng hoàn toàn, cũng như không ai sai hết thảy. Cuộc đời là thế, không có tuyệt đối, và đừng mong rằng có cái gì đó tuyệt đối.
Nhưng, ai đúng ai sai trong chuyện này, không còn là cái chính để tôi quan tâm. Mà tôi quan tâm đó là mất mát của "đối tượng chính", là các em, như tôi có nói ở trên.
Thực sự nếu là phụ huynh, tôi sẽ không ngủ nổi khi nhìn vào những gì diễn ra và nhìn vào bài kiểm tra ấy. Nếu đó là con tôi, thì chính tôi chứ không ai khác, đều là kẻ thất bại, kẻ thiếu trách nhiệm. Vì đã để những điều không nên có, hiện hữu bên trong con mình.
Có vinh quang gì đâu trong cái "đấu" ấy, ê chề, đau đớn và hãi hùng lắm. Có lẽ, ta không cần nhắc lại những cái thuộc về ám ảnh, với những Lê Văn Luyện, những Nguyễn Hải Dương. Vậy thì ta cứ khư khư ta đúng, con ta đúng đến bao giờ?
Vậy thì ta cứ khư khư, là con trẻ làm gì cũng có lý do mà lý do đó là có lợi cho ta, đến bao giờ?
Cô Tuất cũng không nên (và không được) nghĩ rằng những bằng chứng đó có lợi cho cô Tuất. Còn nhà trường, nếu muốn tiếp tục sự nghiệp giáo dục, cũng đừng nghĩ rằng, những bằng chứng đó cũng là một cách cô Tuất chứng tỏ sự yếu kém của mình.
Thưa rằng, các vị đã hoàn toàn thất bại, cả hai.
Trong một cuộc chiến, người ta thường nhìn vào cách làm cho đối thủ tổn thương, chứ không ai chịu nhìn vào vết thương tự mình gây ra cho mình; và vết thương của những người vô can mà mình đã dùng họ làm mồi cho cuộc chiến ấy.
Nói ít hiểu nhiều, không phải chúng ta có ít bài học kiểu ấy. Chúng ta biết cả đấy. Nhưng với nhiều người, nhu cầu sống bình yên và hướng tới những gì tốt đẹp, không có trong cuốn từ điển lương tri của họ.
Và cứ thế, họ đấu.
Xin lỗi người khác nghĩ là khó nhưng cũng không quá khó. Xin lỗi bản thân mình và xin lỗi chính cuộc đời này, là việc vô cùng khó. Không mấy ai chịu làm, vượt qua chính mình để làm, nghĩ cho cuộc đời để làm. Mà người ta thường không làm.
Tôi không quá đổ lỗi cho cơ chế vì đổ lỗi không nên chọn làm cách hành xử. Khi mà ý thức không được hình thành thì cơ chế giời cũng bó tay thôi. Cái chính vẫn là con người. Người sống với người. Người đi với người.
Xin để mở kết thúc này, tại đây!".
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.