Vụ hổ tấn công người ở Bình Dương: Đã nhiều lần vận động giao nộp hổ nhưng bất thành

Sau vụ hổ vồ làm đứt 2 cánh tay anh Võ Thành Quới ( 49 tuổi, HKTT tại An Giang) tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh,(P.Vĩnh Phú, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương), nhiều vấn đề bất cập tại đây bắt đầu 'lộ sáng”.

Đi xin việc, mất luôn tay

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương gửi đến các các cơ quan chức năng liên quan, nguyên nhân xảy ra vụ hổ cắn người tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (thuộc thị xã Thuận An, Bình Dương) là do nạn nhân tự ý xâm nhập vào khu du lịch, không ai hay biết và đứng quá gần chuồng hổ nên đã gặp nạn.

Cụ thể, vào chiều 4/6, nạn nhân là ông Võ Thành Quới (49 tuổi, quê An Giang) vịn tay vào thanh sắt chuồng hổ nên đã bị hổ cắn đứt lìa 2 cánh tay, thương tích nặng.

Nạn nhận được nhân viên khu du lịch đưa đến Trung tâm y tế Thuận An sơ cứu và tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy ngay sau đó với tay bên trái, vai bên phải đứt lìa cùng một chấn thương lớn ở phần ngực.

Vụ hổ tấn công người ở Bình Dương: Đã nhiều lần vận động giao nộp hổ nhưng bất thành - Ảnh 1.

Hiện trường xảy ra vụ việc kinh hoàng

Túc trực bên giường bệnh của chồng, chị Tiếu buồn bã chia sẽ, anh Quới vốn là nhân viên nuôi dưỡng thú cũ của khu du lịch Thanh Cảnh. Năm 2012, anh nghỉ việc về quê chăm con út. Gần đây, anh đưa con út lên thăm vợ đang làm công nhân tại KCN Bình Dương. Thấy con cũng đã lớn, vì muốn đỡ gánh nặng gia đình, sáng 4/6, anh nói với chị đến công ty cũ xin làm lại.

Như có linh tính, chị cản nhưng anh vẫn nhất quyết đi. Chỉ một tiếng sau thì tai nạn đã xảy ra. "Ai mà ngờ được đi xin việc làm lại bị mất luôn khả năng lao động. Hiện giờ chồng tôi đang bị thương nặng, suy sụp tinh thần nên tôi cần ở bên để chăm sóc và động viên anh ấy nhưng khi anh ấy đỡ hơn chắc phải thuê người trông. Tôi mà nghỉ việc thì ai kiếm tiền để lo cho gia đình", chị Tiếu nghẹn ngào.

Vụ hổ tấn công người ở Bình Dương: Đã nhiều lần vận động giao nộp hổ nhưng bất thành - Ảnh 2.

Chị Tiếu không ngờ chồng đi xin việc lại thành mất luôn khả năng lao động. Ảnh: Hồng Hạnh

Doanh nghiệp chưa giao nộp hổ dù cơ quan chức năng vận động nhiều lần

Báo cáo nhanh của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh có 3 nơi được cấp giấy phép nuôi hổ thí điểm là Công ty Bia Thái Bình dương - Pacific (Dĩ An), khu du lịch Thanh Cảnh (Thuận An) và khu du lịch Đại Nam (Thủ Dầu Một).

Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh đang còn nuôi nhốt 5 cá thể hổ, khu vực xảy ra vụ việc tấn công người có nhốt 3 con hổ. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ cơ sở lập tức tăng cường gia cố 3 ô chuồng đang nuôi nhốt hổ để bảo đảm an toàn trong thời gian sửa chữa; 3 ô chuồng đang sửa chữa phải khẩn trương hoàn thành trong thời gian 10 ngày để di dời 3 cá thể hổ qua rồi mới tiếp tục sửa chữa các ô chuồng còn lại.

Đối với cửa đi vào khu vực chuồng nuôi hổ ráp với đường đê bao, đề nghị chủ nuôi phải khóa cửa này để tránh người lạ đi vào khu vực nuôi hổ. Yêu cầu chủ nuôi rà soát, bổ sung ngay các quy định chặt chẽ đối với công nhân khi làm việc trong chuồng thú dữ và tăng cường phổ biến, kiểm tra các quy định này.

Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh đã ngừng hoạt động từ lâu, nhiều lần cơ quan chức năng đã vận động giao nộp hổ nhưng chủ doanh nghiệp chưa thực hiện.

 

Theo Trí thức trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang