Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020, trên toàn cầu có khoảng 1/4 dân số bị cận thị. Các dự báo cũng chỉ ra rằng đến năm 2030, khoảng 3,4 tỉ người sẽ bị cận thì, tức khoảng 4/10 dân số và tăng lên một nửa dân số vào năm 2050.
WHO dự báo tỉ lệ cận thị của trẻ em khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, sẽ ngày càng gia tăng, với 80-90% vào năm 2050.
Ban đầu, cận thị có thể không phải là vấn đề nghiêm trọng, các triệu chứng có thể dễ dàng khắc phục bằng kính. Song, cận thị là nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực và là nguyên nhân gây mù lòa cao thứ hai. Xu hướng hiện nay cho thấy mức độ nghiêm trọng của cận thị cũng đang gia tăng, dẫn đến tỉ lệ cận thị cao, liên quan đến sự phát triển thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể, thậm chí là bong võng mạc, tăng nhãn áp.
Độ tuổi bị cận thị ngày càng trẻ hóa, kéo theo nhiều loại bệnh lý và tạo ra gánh nặng tài chính cho các quốc gia, với hơn 200 tỉ đô la tổn thất năng suất toàn cầu mỗi năm. Nếu không được điều trị, cận thị sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và góp phần làm kết quả học tập kém ở trẻ em.
WHO cho biết sự gia tăng nhanh chóng cận thị trên khắp thế giới ngoài việc do di truyền còn do yếu tố môi trường. Trong đó, học sinh ít dành thời gian hoạt động ngoài trời; học tập và sinh hoạt chủ yếu trong nhà cũng là nguyên nhân lớn.
Không chỉ cận thị đang gia tăng, các trường hợp cận thị nặng cũng gia tăng, với những hậu quả có thể nghiêm trọng hơn. Ảnh: WHO
Theo WHO, trẻ em thế kỷ XXI trải qua một tuổi thơ rất khác so với thế hệ trước, với số lượng người sống ở các TP ngày càng tăng và phụ huynh nhiều khả năng giữ con mình trong nhà vì lý do an toàn. Đại dịch Covid-19 ập đến khiến thời gian ra ngoài của trẻ ít hơn, các em dành nhiều thời gian hơn trên màn hình máy tính, điện thoại, tivi. Điều này đẩy nhanh tiến trình cận thị, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Ánh sáng tự nhiên giúp ngăn ngừa cận thị. Một nghiên cứu gần đây đã yêu cầu các trường tiểu học ở Thượng Hải - Trung Quốc phân bổ thêm 40-80 phút ngoài trời cho các nhóm thử nghiệm, trong khi nhóm kiểm soát tiếp tục thói quen hiện tại - chỉ hơn 2 giờ mỗi ngày ở bên ngoài. Sau 2 năm, tỉ lệ cận thị ở nhóm thử nghiệm giảm 11-16% so với nhóm đối chứng. Thời gian hòa mình vào thiên nhiên còn có thể xây dựng sự tự tin cho trẻ, dạy trẻ về trách nhiệm, cải thiện mức độ hạnh phúc và tập trung, đồng thời giảm lo lắng.
WHO khuyến cáo cần khuyến khích trẻ em dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời và kiểm soát thời gian với những "hoạt động nhìn gần" cường độ cao như đọc sách hoặc nhìn vào màn hình.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.