Thời gian gần đây, chị Lê Xuân Hòa ở Hà Đông kêu trời vì vật giá tăng chóng mặt. Trong khi đó lương lậu của vợ chồng chị thì không nhúc nhích mà đứng yên và thậm chí có tháng bị giảm thu nhập vì dịch Covid. Khó khăn chồng chất là vậy mà chi tiêu gia đình chị 2 tháng nay bắt buộc cũng phải tăng lên thêm vài triệu dù đã cố thắt lưng buộc bụng.
Chị Hòa là nhân viên một công ty sách, lương tháng 10 triệu đồng. Còn chồng chị làm việc tại một nhà máy ở Gia Lâm, lương tháng 12 triệu. Tổng thu nhập mỗi tháng của cả hai được khoảng 22 triệu đồng.
Nếu như trước đây, do sống ở quận ven thành phố và đã có nhà ở nên vợ chồng này mỗi tháng để dành được khoảng 5-7 triệu dù nhà có 2 con nhỏ. Thế nhưng 2-3 tháng gần đây, mọi thứ tăng lên chóng mặt, tiền lương tháng nào hết tháng đó, chỉ để dành được khoảng gần 2 triệu/tháng dù luôn tiêu tiết kiệm hết mức.
"Nếu bình thường sẽ thêm 1 khoản tiền ma chay cưới hỏi hết khoảng 1-2 triệu nữa. Tuy nhiên 2 năm nay do Covid nên hầu như chúng tôi không tốn khoản này. Vì thế mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 5-7 triệu đồng", chị Hòa tính toán.
2-3 tháng nay, gia đình chị Hòa hầu như không đi chơi, không ăn uống bên ngoài song chi tiêu buộc phải tăng lên thêm 5 triệu nữa do xăng dầu, thực phẩm đều tăng lên chóng mặt. Hiện mức chi tiêu hiện nay của gia đình 2 con này như sau:
1. Tiền điện: 700 nghìn đồng
2. Tiền nước: 100 nghìn đồng
3. Tiền học Tiếng Anh của hai con: 3 triệu đồng
4. Học thêm các môn của 2 con: 4 triệu đồng
5. Tiền ăn: 7 triệu đồng
Lý giải về việc buộc phải tăng tiền ăn cho gia đình 4 người lên thêm 2 triệu, bà mẹ 2 con này lắc đầu ngán ngẩm: "Trước đây khi đi mua rau củ giá rất mềm. Nhưng 2-3 tháng nay nhiều người mắc COVID-19 thì giá rau, thịt tăng rất nhiều so với trước.
Giá rau cải trước đây khoảng 12.000-13.000 đồng/kg, nay hơn 20.000 đồng/kg; sả hơn 30.000 đồng/kg… Các loại rau khác gần như đều tăng gấp đôi khiến gia đình phải chi tăng lên gấp mấy lần mỗi lần đi chợ. Đã vậy giá dầu ăn, sữa, mì... cũng tăng chóng mặt...
Tuy nhiên vì muốn bổ sung vitamin và khoáng chất hàng ngày chống dịch nên tôi vẫn phải mua về ăn và mua nhiều các loại cây, củ dùng để xông tăng sức đề kháng, có tác dụng trong phòng chống dịch COVID".
6. Tiền xăng xe hai vợ chồng đi làm, đưa đón con đi học: 1,5 triệu đồng
Chị Hòa thường chỉ chi 70 nghìn đồng cho 1 lần đổ xăng. Ngày xăng chưa tăng giá, 70 nghìn là đầy bình xăng, nhưng nay xăng giá cao lên 30 nghìn đồng/lít, cùng số tiền đó nhưng chỉ số xăng còn chưa chạm đến vạch gần cuối.
"Đi làm 5 ngày tôi sẽ đổ 1 bình xăng. Giờ thì phải đổ đầy bình nhưng tiết kiệm từng chút. Như mỗi khi đi chợ gần nhà tôi sẽ đi bộ, lượn ra ngoài cũng hạn chế" - chị Hòa nói.
7. Tiền chi tiêu lặt vặt: 3 triệu đồng
2 tháng nay, chị Hòa buộc phải tăng thêm chi tiêu tiền tiêu vặt từ 1,2 triệu lên 3 triệu tháng vì phải chịu một chi phí "nặng gánh" khác. Đó chính là tiền thuốc để hỗ trợ điều trị COVID-19 cho những thành viên trong gia đình khi lần lượt dính F0.
Hiện 4 người nhà chị thì đã 3 người dính F0 nên tiền thuốc đề kháng, thuốc trị Covid đã lên đến 3 triệu đồng.
Tổng chi tiêu hiện nay: 21.300.000 đồng
Trên đây là những mục chi tiêu hàng tháng tối thiểu của gia đình này: "Đó là chưa tính tới các khoản phát sinh đột xuất hoặc theo cảm hứng. Ngoài ra, nhà tôi còn toàn người khỏe mạnh, cả năm không đau ốm gì nên gần như không mất đồng nào chi cho sức khỏe, ngoài bảo hiểm y tế".
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC
Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/xang-dau-thuc-pham-tang-gia-gia-dinh-4-nguoi-tan-tien-nhat-cung-phai-cong-them-5-trieu-thang-222022183195533774.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.