"Test xong mới nộp tiền hay nộp tiền học 1 năm xong mới test ạ" - Câu chuyện về lùm xùm thu học phí học tiếng Anh mới đây của một bà mẹ ở Hà Nội đang thu hút nhiều tranh cãi. Được biết, ngày 15/3, bà mẹ này đã nộp học phí "cả cục" để con được test vào lớp học online ôn thi chuyên của một thầy giáo tiếng Anh nổi tiếng.
Theo chị, thời điểm ấy thầy không hề nhắc đến quy định "không hoàn huỷ" ở một loạt bài post trong tháng 3, cũng như khi nói qua điện thoại và khi nhắn số tài khoản nộp tiền cũng không hề nhắc đến. Chỉ trong post gần nhất khi kêu gọi tuyển sinh thêm lớp mới thầy mới thêm câu "học phí không hoàn huỷ".
"Tuy nhiên vì chưa có kinh nghiệm và "không lượng sức" đúng nên kết quả test con mình chưa đạt (ngày 24/3). Sau đó cộng thêm vì một số vấn đề mà mình xin thầy cho rút học phí nhưng thầy không nghe trình bày. Thầy có một số gợi ý trong đó bảo con mình học sang lớp dành cho trình độ thấp hơn là tiểu học, mà như vậy thực sự không phải ý niệm của mình ban đầu. Vì nếu với mục đích tiếng Anh tiểu học thì mình có nhiều lựa chọn cho con gần nhà chứ không phải học online.
Khoá học đó vẫn chưa chính thức diễn ra và mình có trình bày mong thầy trừ đi phí test và các chi phí khác và minh xin số còn lại để trang trải các tiền học khác cho con, nhưng câu trả lời vẫn không. Ngay từ đầu mình đã lo vì con mình nhỏ tuổi hơn mốc lứa tuổi thầy thiết kế cho lớp ôn Chuyên này đến vài năm nhưng thầy bảo cứ nộp tiền và cho test đi. Mình cứ nghĩ phải nộp tiền cả khoá mới được thầy cho test nên đã nộp ngay", người này chia sẻ.
Chị cho biết, điều làm mình ngỡ ngàng và buồn nhất là sau khi trao đổi mình thấy thầy như một người khác, trước khi nộp tiền thì thầy nói hay, thuyết phục, và tâm lý, mà giờ mặc cho mình trình bày bao nhiêu thì thầy vẫn mặc kệ, sống chết mặc bay. Chị cũng cố gắng đặt mình vào vị trí của thầy và nói rất thật những khó khăn của mình, nhưng dường như ở đây chỉ xét "lý" chứ không cần xét đến tình người.
Bà mẹ này thú nhận, bản thân đã sai khi hỗ trợ con làm test và đã nhận sai, đã thành thật khai nhận và xin lỗi thầy rất nhiều. Chị đã nghĩ cho con cố theo học nhưng mình nhận ra mình không nên ép con nên xin rút để cho con được học đúng với khả năng của bé.
"Mình đã chia sẻ mình có 3 con, bé lớp 4 là đầu tiên nên mình còn thiếu kinh nghiệm, giai đoạn này nhất là sau khi nộp tiền, hôn nhân mình rơi vào khủng hoảng và số tiền này là số tiền lớn và có ý nghĩa với mình, mình cần để lo trang trải cho các con", bà mẹ chia sẻ.
Thầy giáo nói gì?
Trước những nội dung từ phía phụ huynh, trên trang cá nhân, thầy giáo này cho biết, đằng sau là một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo tin nhắn được thầy giáo chia sẻ, người mẹ này giới thiệu hai vợ chồng học ở Mỹ, con gái sinh ở Mỹ, hiện chị đang khó khăn trong việc bồi dưỡng cho con. Vì quá thích con vào lớp gifted, chị đã gian lận làm bài cho con test đỗ lớp, sau đó mới quay ra đòi lại tiền.
Khi phụ huynh này năn nỉ cho con được học, thầy giáo đã nói rất rõ là con còn nhỏ, có quyết tâm cho con theo học hay không. Nếu test không đạt thì phải học phù đạo. "Bạn ấy đã rất cảm động và nhắn sau đó gọi cho tôi rất lâu nói với những lời lẽ cao đẹp nhất thể hiện sự khao khát cho con được học tôi. Để bằng mọi cách xin cho con được vào lớp Gifted của tôi, bạn ấy đã giúp con làm bài test và tôi rất ngạc nhiên như bắt gặp được một học trò thiên tài.
Bỗng mấy hôm sau bạn ấy đòi rút tiền và trình bày đủ mọi lý do. Tôi nói rõ là trung tâm chỉ bảo lưu học phí cho con. Nếu em thấy con chưa theo nổi lớp tôi thì tại sao em không quyết định thôi ngay từ đầu mà lại gian dối làm bài hộ cho con để vào lớp bằng được. Giờ lại đòi rút ra bằng được. Bạn ấy nói con cần học các lớp khác để sau này học được lớp thầy. Tôi đã tạo mọi điều kiện để con bạn học. Nhưng cuối cùng bạn ấy chọn cách này", thầy giáo nói.
Người này cũng khẳng định, mình không lừa phụ huynh hay ép học sinh vào lớp. Chính người mẹ năn nỉ rồi còn cheating (gian lận) để con được vào học. Giờ lại đi nói ngược lại.
"Tôi giúp biết bao gia đình Việt Nam có con mong mỏi học chữ. Tôi cũng miễn giảm học phí cho biết bao gia đình. Tôi luôn muốn dạy các con trưởng thành. Bạn ấy đã nhắn cho tôi với biết bao lời ca tụng. Nài nỉ xin tôi cho con được theo học Thầy. Em đã không tôn sư thì sao em còn biết trọng đạo", thầy giáo này nói.
Trong phần tin nhắn được chia sẻ, thầy giáo này cũng khẳng định, trung tâm sẽ bảo lưu học phí để con của bà mẹ này có thể tiếp tục theo học.
Dư luận tranh cãi
Trước vụ việc, dư luận chia làm hai luồng ý kiến. Một số phụ huynh nhận định, lỗi ở phụ huynh quá chủ quan và không tìm hiểu, hỏi kĩ quy định. Không một trung tâm nào bắt đóng cả "cục" khi phụ huynh chưa biết trình độ và lộ trình của con đã phù hợp chưa, huống hồ 30 triệu các mẹ đã giao luôn không ngần ngại. Muốn dạy được con người ta thì phải biết nền tảng ban đầu để xếp lớp phù hợp. Test mà mất tiền thì thà đến các chỗ chuyên test năng lực, có chứng nhận tốt hơn là đến trung tâm test mất phí.
Dù sao nếu học sinh không học nữa thầy cũng nên trả học phí. Nghề làm thầy khác với nghề bán sản phẩm và nhận tiền, mà là nghề cần cái tâm để phụ huynh và người khác tôn trọng.
"Nếu đúng sự việc như vậy thì giáo viên thương mại quá, đó là điều không nên, phụ huynh quá cả tin, dễ dãi khi đồng ý đóng 1 cục 30 triệu mà chưa có đủ thông tin cần thiết. Mình đánh giá lỗi từ giáo viên/trung tâm 7 phần, từ phụ huynh 3 phần. Song cũng hy vọng 2 bên có thể thỏa thuận để có phương án hợp tình, hợp lý nhất", một thầy giáo nêu ý kiến.
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác nhận định, mọi Trung tâm đều có quy định, đọc kỹ mọi điều khoản thấy phù hợp rồi mới đăng ký. Nếu sai thoả thuận từ đầu thì dù bất kì lý do gì bên Trung tâm không đồng ý thì cũng phải chịu. Ai đăng ký xong cũng đòi lại tiền thì "rất loạn".
Một phụ huynh từng cho con học thầy và đã nghỉ vì thấy không phù hợp cho biết: Trước khi học trung tâm có gửi rất rõ lịch học, học phí và chính sách học phí công khai minh bạch. Không đọc kỹ chính sách học phí là lỗi của phụ huynh. Chưa kể đã đánh giá sai năng lực của con lại còn làm test giúp con để con qua. Trung tâm thầy có nhiều lớp nhiều trình độ bạn có thể hạ thấp trình độ xuống.
Trước đây, con chị 3 buổi để học thử, sau đó thấy ổn mới nộp tiếp 7 buổi còn lại của khoá ấy. Xong nộp tiếp 1 khoá nhưng không phù hợp nữa nên học xong nghỉ. Khi phụ huynh xuống tiền nộp 1 năm chứng tỏ đã phải tìm hiểu kĩ về thầy, cách dạy của thầy, hài lòng với học online.
Phụ huynh T.N chia sẻ: "Mình thấy thầy cho đóng học phí từng đợt mà. Trước khi test thấy gọi điện hỏi tình hình của con và khả năng đóng học phí của bố mẹ. Nếu bạn không có khả năng đóng hoặc không tự tin là con có thể theo được lớp thì trước khi đóng nên cân nhắc đóng cả khóa hay đóng từng phần. Mỗi quyết định đều có giá phải trả nên đã không tự tin thì phải cân nhắc việc mình làm. Để vận hành một cơ sở họ tốn nhiều chi phí, thời gian vì vậy có quy định rõ ràng và ai muốn tham gia nên lượng sức xem con mình có học được không, đừng cố đấm ăn xôi xong không được như ý lại làm ầm lên".
"Mình đọc thì thấy thầy nói về chuyện mẹ đã giúp con làm bài test để được vào lớp gifted của thầy. Cái này là bạn sai từ đầu rồi và đã trở thành 1 tấm gương xấu cho con. Ngoài ra nguyên tắc của tất cả các trung tâm tiếng Anh là một khi đã thu cả năm thì sẽ không bao giờ hoàn lại. Chỉ có thể linh động xin bảo lưu hoặc chuyển sang lớp trình độ thấp hơn thôi. Nếu chấp nhận quy định này thì đóng tiền, không thì thôi không tham gia nữa. Tuy nhiên mình không thích kiểu đóng tiền cả cục như vậy và cũng không thích kiểu học zoom 200-300 hs, nó rất hỗn loạn và khó hiệu quả được", một phụ huynh khác nêu ý kiến.
Nhiều người nhận định, xét toàn bộ vụ việc, nói chung lỗi ban đầu vẫn 1 phần ở phụ huynh. Nhưng thiết nghĩ phụ huynh đã nhận sai và xin lại tiền (xin chứ không phải "đòi") thì trung tâm nên trả lại. Đó là sự nhân văn. Dù có thể trong quy định của trung tâm có điều khoản "không hoàn tiền" thì họ không hoàn là cũng không hẳn là không sai. Tuy nhiên, không sai, không có nghĩa là luôn hợp lý.
Hiện câu chuyện vẫn đang thu hút tranh luận trên nhiều diễn đàn, hội nhóm.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.