Xử trí khi trẻ dị ứng thời tiết

Dị ứng thời tiết không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng gây khó chịu, khiến trẻ mệt mỏi, biếng ăn và quấy khóc. Thời điểm giao mùa chính là lúc bé dễ bị dị ứng thời tiết nhất.

Nguyên nhân bé dị ứng thời tiết

Trẻ nhỏ do sức đề kháng còn yếu nên rất dễ bị ứng thời tiết. Dị ứng thường có tính di truyền. Nếu cha hoặc mẹ có cơ địa dị ứng, con cái có nhiều khả năng dễ bị dị ứng. Nguy cơ này càng tăng khi cả cha và mẹ đều bị dị ứng. Ngoài việc sức đề kháng yếu và hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ thì còn rất nhiều nguyên nhân gây dị ứng thời tiết ở trẻ nhỏ:

Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến cho nhiệt độ bên trong và bên ngoài cơ thể bị chênh lệch. Lúc này cơ thể bé sẽ tiết ra một lượng lớn histamin sẽ gây ra tình trạng dị ứng trên da như mẩn đỏ, ngứa ngáy.

Thời tiết khi giao mùa lúc ẩm, lúc hanh khô, lúc nóng lúc lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho các phấn hoa, nấm mốc, bụi bẩn phát triển và phát tán mầm bệnh. Đây cũng là một trong những tác nhân gây dị ứng thời tiết.

Khi có chất gây dị ứng trong không khí, chẳng hạn như nấm mốc hoặc phấn hoa, hệ miễn dịch của trẻ phản ứng với những chất gây dị ứng đó. Hệ miễn dịch coi những chất này là những “kẻ xâm lược gây hại” và cố gắng chống lại, dẫn đến việc giải phóng histamin. Điều này gây ra một số triệu chứng, như sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, nghẹt mũi, ho và nổi mề đay. Trầm trọng hơn khi những triệu chứng này đi kèm với khó thở hoặc nôn. Một số triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh.

Xử trí khi trẻ dị ứng thời tiết - Ảnh 1.

Mẩn ngứa, phát ban có thể do trẻ dị ứng thời tiết.

Phân biệt giữa dị ứng thời tiết với cảm lạnh

Các triệu chứng tại mũi do dị ứng khá giống với cảm lạnh: chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi, tuy nhiên trong viêm mũi do dị ứng thường thấy ngứa mũi nhiều, có thể kèm theo mất vị giác.

Nếu do dị ứng, các triệu chứng viêm mũi thường tái diễn nhiều lần, tương tự nhau mỗi khi tiếp xúc với các dị nguyên như: bụi nhà, lông chó mèo, nơi ẩm mốc,... Triệu chứng của viêm mũi do dị ứng thường kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần, theo mùa (liên quan đến mùa phấn hoa) hoặc quanh năm (liên quan đến các dị nguyên như bọ nhà, nấm mốc).

Các triệu chứng toàn thân của viêm mũi dị ứng như mệt mỏi, thiếu ngủ, giảm tập trung thường kéo dài khi bệnh không được điều trị ổn định.

Nếu bé có sổ mũi, nên kiểm tra dịch tiết: Nếu chất nhầy đặc và có màu thường là bé bị cảm lạnh. Nếu bé bị dị ứng, dịch mũi tiết ra thường trong và lỏng.

Hắt hơi cùng với ngứa, đỏ, chảy nước mắt thường cho thấy là bé bị dị ứng thời tiết. Ngoài ra, phản ứng dị ứng còn có thể gây kích ứng da như phát ban, nổi mề đay.

Cách xử lý khi trẻ bị dị ứng thời tiết

Cha mẹ cần bình tĩnh quan sát khi thấy trẻ có những biểu hiện dị ứng thời tiết. Trước tiên, hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám tìm nguyên nhân và chỉ định dùng thuốc.

Việc sử dụng thuốc tuyệt đối phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua và sử dụng thuốc. Trong trường hợp có các dấu hiệu bất thường khi sử dụng thuốc thì cần ngưng sử dụng và đưa trẻ đến bác sĩ để có các biện pháp can thiệp.

Dù hiếm nhưng đôi khi dị ứng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm sốc phản vệ. Những triệu chứng này thường xuất hiện khi bé tiếp xúc với một chất gây dị ứng nhất định sau vài phút. Trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể mất hơn 30 phút để xuất hiện. Các triệu chứng có thể bao gồm: Nổi mề đay, da đỏ ửng, ngứa; Mạch nhanh hay yếu; Nôn, buồn nôn hoặc tiêu chảy; Chóng mặt; Khó thở và thở khò khè... Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất ngay để được xử trí kịp thời.

Lời khuyên của thầy thuốc

Thời điểm giao mùa chính là lúc trẻ nhỏ rất dễ bị dị ứng thời tiết. Cách phòng ngừa dị ứng hiệu quả nhất là giảm thiểu tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Cha mẹ và người chăm sóc nên thực hiện các biện pháp sau:

Hạn chế đưa trẻ ra ngoài nếu như không cần thiết. Trường hợp cho bé ra ngoài cần phải trang bị đầy đủ áo ấm, khăn cổ, mũ,...

Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, dọn sạch những nơi ẩm mốc. Nếu thấy trẻ bị dị ứng nhiều hơn khi ở trong nhà, cần thay chăn ga thường xuyên, hạn chế đồ vải như thú nhồi bông, thảm, rèm, mở cửa thông thoáng, hạn chế để trẻ tiếp xúc với nơi nhiều bụi như kho chứa đồ.

Nếu trẻ dị ứng với phấn hoa, bụi thì nên đóng kín cửa vào mùa phấn hoa. Giữ không khí sạch và vệ sinh bộ lọc điều hòa mỗi tháng một lần.

Giữ trẻ tránh xa khói thuốc lá, thuốc lào.

Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung vitamin cần thiết như nước cam, bưởi, dưa hấu,...

Nên cho trẻ ăn những thực phẩm có tính mát: Các loại cá, rau xanh, hoa quả,... Bổ sung đủ dinh dưỡng cho trẻ, nếu trẻ không có tiền sử dị ứng thức ăn, không cần kiêng khem hay hạn chế đồ ăn của trẻ.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang