Giữa những món quà 20/11 đắt đỏ, “bó hoa rừng tặng cô” của cậu bé H’Mong khiến bao người xúc động

Với nhiều người thầy người cô, món quà quý giá nhất trong ngày 20/11 không phải là những thứ vật chất đắt đỏ được mua vội trong cửa hàng. Mà đó là tình cảm chân thành, là kết quả học tập tốt của các em học sinh. Giữa những món quà vật chất đắt đỏ ngày 20/11, bó hoa rừng giản dị của cậu bé H‘Mong tặng cô giáo dưới đây đã khiến bao người xúc động.

Vừa qua, nhân kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trên cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân thầy cô.

Với các thầy cô vùng cao, dịp 20/11 mà nhận được những bó hoa rừng gói bọc đơn giản hay củ khoan, bắp ngô, cân gạo nếp…cũng đủ khiến họ xúc động với tình cảm chân thật của các em. Tình cảm đó là nghị lực để các thầy cô vững vàng tiếp tục vượt qua bao gian nan, thử thách trên hành trình cõng chữ lên non của mình.

Cũng là một cô giáo nhận được bó hoa rừng từ Sùng A Trừ - một học sinh lớp 5A2, người H’Mong, cô Nguyễn Thu Nga (sinh năm 1982), hiện đang công tác tại trường tiểu học Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai xúc động viết trên trang cá nhân của mình.

“Cuối buổi chiều, một cậu học trò người dân tộc H'Mong cứ rụt rè đi theo tôi. Dừng lại một chút xoa đầu em, nói với em dăm ba câu chuyện. Em bảo bây giờ em không còn trốn học về nhà nữa. Mẹ em đi làm xa rất ít về. Em thích ở trường với thầy cô và các bạn.

Những câu nói ngọng nghịu còn run run khi cơn gió chiều se lạnh về. Tấm áo mỏng manh không đủ sức chống chọi với gió lạnh đầu đông. Xoa đôi bờ vai bé nhỏ của em, hỏi em có lạnh không? Em cười rất tươi trả lời tôi thật hồn nhiên: Em không lạnh, rét thế này em quen rồi.

Vừa tạm biệt các em đang định quay đi thì cậu bé chạy lại kéo tay tôi: Cô ơi! Cô về phòng em một lát được không? Tôi ngạc nhiên hỏi lại: Có chuyện gì vậy em? Cậu bé thật thà trả lời: Em có bó hoa muốn tặng cô. Nói rồi em chạy thật nhanh về phòng ở của mình, vừa chạy vừa ngoái lại nhìn như sợ cô sẽ không đi theo mình.

Giờ hoạt động ngoại khó của các em học sinh trường tiểu học Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

Em cầm bó hoa rừng với rất nhiều loại hoa khác nhau được bó rất gọn gàng, cẩn thận và nói với tôi: Em tặng cô, em chúc cô 20/11 vui vẻ.

Tôi thực sự xúc động, ngỡ ngàng. Em là một học trò nghèo, năm nay là năm học đầu tiên em được về học tập trong môi trường bán trú. Với các em việc hái hoa tặng thầy cô là cả một sự nỗ lực và cố gắng. Các em đã dần bỏ được sự rụt rè, tự ti mà thay vào đó các em biết giao tiếp, chia sẻ với thầy cô, bạn bè. Biết bày tỏ tình cảm của mình với những người mà mình tin yêu.

Với tôi bó hoa rừng ngày hôm nay tôi nhận được từ em quý hơn rất nhiều những lẵng hoa đắt tiền, những món quà giá trị khác. Bó hoa này cho tôi cảm nhận được tình thầy trò thiêng liêng nhất. Cảm ơn em.”


Cô giáo Thu Nga đã gắn bó với nghề đã 16 năm

Trò chuyện với cô giáo Nga thì được biết, trường tiểu học Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai nơi cô đang công tác có 1 điểm trường chính và 11 điểm trường lẻ nằm rất xa nhau. Học sinh đều là con em đồng bào dân tộc Dao, H'Mông, Hà Nhì, Giáy. Đời sống vật chất của các em còn nhiều thiếu thốn. Nhiều em học sinh con hộ nghèo đi học, dù được nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn còn rất khó khăn.

Năm học 2017-2018 này, nhà trường đã vận động đưa 258 em học sinh lớp 4, 5 từ các thôn bản về học tập bán trú tại trường chính. Trong đó có cả em Sùng A Trừ - một học sinh lớp 5A2.

Mới về trường chính học, chưa quen nên các em còn nhiều bỡ ngỡ. Xa bố mẹ, xa gia đình, bản thân còn nhỏ mà phải tự lập nên các em nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, các thầy cô trong trường phải luôn quan tâm, hướng dẫn các em từ việc đánh răng, rửa mặt, tắm giặt...

Khi mới xuống trường, nhiều bạn nhớ nhà hay trốn về nên thầy cô lại phải lên tận nhà tìm và đưa xuống trường. Rồi những lúc các em ốm đau, thầy cô lại phải đưa đi viện và chăm sóc. Thầy cô làm cha mẹ của các em luôn. Đến bây giờ thì các em đã quen với cuộc sống bán trú rồi nên rất ngoan.

Em học sinh tặng hoa cho mình tên Sùng A Trừ - dân tộc H'Mông là học sinh lớp 5A2. Lúc mới xuống học em hay trốn về lắm. Có lần em trốn về thầy giáo phải đi tìm, khi về trường mình hỏi em tại sao em trốn về? Em khóc và nói là em nhớ mẹ vì mẹ em đi làm thuê xa mới về, em muốn gặp mẹ một lát rồi lại về trường học. Mỗi học sinh của mình có một hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng các em đều rất tình cảm. Tuy còn rụt rè, nhút nhát nhưng cứ gần gũi. Quan tâm đến các em thì các em sẽ tin tưởng và chia sẻ thôi.” Cô Nga chia sẻ.

Đây cũng không phải lần đầu tiên cô Nga nhận được những món quà giản dị, đậm chất đồng rừng từ các em học sinh của mình. 20/11 đầu tiên trong đời làm giáo viên, nghĩa là cách đây khoảng 16 năm, cô Nga cũng từng được học sinh tặng 1 bó hoa lá ngón thật to và vàng rực rỡ vì mùa này vùng cao hoa lá ngón đang nở vàng.

Rất nhiều thầy cô giáo và cư dân mạng sau khi đọc được câu chuyện của cô giáo Nga đã bày tỏ niềm cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của thầy và trò vùng cao, cũng như niềm xúc động của họ.

FB K.M chia sẻ: “Dòng tâm sự của cô giáo vùng cao làm tôi xúc động. Học trò nào cũng đáng yêu phải không cô. Chúc cô giáo vùng cao dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, luôn nhận được nhiều niềm vui từ những học trò thân thương của mình, vượt lên tất cả để dành trọn tình yêu thương đối với các em học sinh vùng cao khó khăn.”

FB Đ.Y: “Thật ấm lòng, hôm nay mình cũng vậy, được 1 cậu học trò tặng cho bó hoa cúc quỳ được bó rất đơn giản nhưng lại làm mình xúc động lắm.”

“Thật xúc động! Nhớ lại hồi xưa mới ra trường vài năm, dạy ở miền núi, quà 20/11 của cô còn có cả bó củi nhỏ hay quả đu đủ xanh tặng cô làm thức ăn..!!!”, FB H.N chia sẻ.

Nhiều thầy cô giáo khác cũng vào chia sẻ bức ảnh những bó hoa rừng giản dị mà chân thành mình đã nhận được ngày hôm qua 20/11 từ các em học sinh.


Hoa Hằng: “Giống mình rồi trò của cô giáo vùng xa chỉ vậy thôi nhưng mang đầy ý nghĩa”.


Thảo Nguyên: “Của tớ đây”.


Dieu Hoang: “Giống hệt học sinh mình. Đáng yêu quá”.


Mai Vũ: “Giáo viên miền núi là vậy đó!

Có lẽ câu chuyện này chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện khác mà các đồng nghiệp của cô Nga chưa có cơ hội kể, nhưng vẫn thật xúc động và nhiều ý nghĩa.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang