Không muốn hại con vì uống sữa mẹ trữ đông, bạn nhất định phải nhớ những điều sau

Vắt và trữ đông sữa là cách làm hiệu quả để giúp mẹ duy trì được nguồn sữa dồi dào cho bé. Nhưng nếu làm không đúng cách thì nguồn sữa trữ đông sẽ gây hại cho trẻ.

Hiện nay, phương pháp trữ đông sữa mẹ rất phổ biến và được nhiều mẹ bỉm sửa áp dụng để duy trì lượng sữa đều cho con. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách vắt và bảo quản sữa mẹ đúng cách, điều này khiến sữa bị giảm chất lượng, mất chất hoặc biến chất gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của trẻ.

Sữa mẹ cần được bảo quản đúng cách để không ảnh hưởng tới sức khỏe của bé

Để trữ đông sữa an toàn cho bé, mẹ cần lưu ý những điều sau:

Vệ sinh trước khi vắt sữa

Để có nguồn sữa sạch và an toàn, khâu vệ sinh cần làm rất cẩn thận từ trước khi vắt và trong suốt quá trình vắt sữa. Trước khi tiến hành vắt sữa, mẹ cần vệ sinh sạch tay, đầu ti và dụng cụ vắt sữa.

- Rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn.

- Dùng khăn sạch thấm nước ấm nhẹ nhàng lau kỹ vùng đầu ti.

- Tiệt trùng dụng cụ vắt sữa bằng nước đun sôi.

- Chuẩn bị túi trữ sữa chuyên dụng, không nên dùng lại túi bởi sẽ không đảm bảo vệ sinh.

Cách vắt sữa

Sữa mẹ có thể vắt bằng tay hoặc bằng máy tùy theo điều kiện hoặc theo cách mà bạn cảm thấy thoải mái nhất.

Có thể vắt sữa mẹ bằng tay hoặc bằng máy

Vắt sữa bằng tay:

- Massage nhẹ nhàng hai bên đầu vú hoặc dùng khăn ấm đắp lên khoảng 5 phút để tạo cảm giác dễ chịu giúp sữa dễ về hơn.

- Đặt ngón tay cái và ngón tay trỏ lên núm vú, ngón cái ở trên, ngón trỏ ở phía dưới, dùng tay còn lại đỡ lấy bầu ngực.

- Ấn nhẹ nhàng ngón trỏ và ngón cái rồi thả ra, tiếp tục ấn rồi thả ra. Làm như vậy xung quanh quầng vú từ nhiều phía.

Chú ý không nên chà xát hoặc trượt ngón tay trên da sẽ gây tổn thương vùng da này. Bạn cũng nên tránh ấn hoặc kéo núm vú sẽ không vắt ra được sữa.

- Nên vắt mỗi bên từ 5 đến 10 phút, khi thấy sữa chảy chậm và ít thì chuyển sang bên còn lại.

Vắt sữa bằng máy

Nếu sử dụng máy vắt sữa bạn chỉ cần úp đầu vắt của máy vào bầu ngực và bật chế độ vắt. Với máy vắt đơn thì bạn vắt mỗi bầu ngực 15 phút và 2 bầu ngực là 30 phút. Còn với máy vắt đôi thì bạn chỉ cần vắt 1 lần cả 2 bên bầu ngực trong 15 phút.

Bảo quản sữa mẹ đúng cách

- Sữa mẹ sau khi vắt ra cần đựng trong túi chuyên dụng hoặc bình thủy tinh hay bình nhựa có nắp đậy.

- Không nên đổ sữa đầy bình hay túi, mà chừa lại một khoảng trống nhỏ, bởi khi cấp đông sẽ cần nhiều diện tích hơn.

Bảo quản sữa mẹ riêng trong ngăn đá tủ lạnh

- Mỗi túi trữ sữa nên để khoảng 60 – 120ml sữa sao cho vừa vặn một cữ ăn của bé, để tránh việc thừa sữa phải bỏ đi sẽ lãng phí. Sữa sau khi đã giã đông hoặc bé ăn thừa không nên cấp đông lần nữa sẽ không đảm bảo vệ sinh.

- Túi hoặc bình sữa cần được ghi rõ ngày vắt ở bên ngoài để bạn nắm được thời gian sử dụng.

- Sau khi vắt, sữa cần được cấp đông ngay để tránh bị vi khuẩn xâm nhập. Có thể cấp đông sữa trong tủ lạnh ở ngăn đá. Tuyệt đối không để sữa chung với bất kỳ loại thực phẩm nào khác.

Thời gian bảo quản sữa mẹ

Nếu để ở nhiệt độ phòng từ 19 – 20 độ, sữa mẹ chỉ bảo quản được trong 4 giờ. Sau 4 giờ không nên cho bé uống lại bởi sữa đã bị vi khuẩn xâm nhập.

Sữa bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 4 độ C thì có thể để được 3 ngày.

Nếu bạn cấp đông sữa trong ngăn đá từ -18 đến  - 20 độ C thì có thể bảo quản tối đa 6 tháng.

Giã đông sữa mẹ đúng cách

Sữa mẹ khi lấy ra từ tủ cấp đông cần giã đông đúng cách để giữ được hàm lượng dưỡng chất và đảm bảo vệ sinh.

Nên chuyển túi sữa từ ngăn đá xuống ngăn lạnh một vài tiếng. Sau đó, đặt túi hoặc bình sữa vào bát nước nóng khoảng 62 đến 63 độ C để giã đông. Không sử dụng nước vừa đun sôi để giã đông và không cho sữa vào quay trong lò vi sóng.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang