10 dấu hiệu cho thấy bé yêu sắp mọc răng và bí quyết chăm sóc bé đúng cách

(lamchame.vn) - Mọc răng là một trong những giai đoạn phát triển của trẻ. Tuy nhiên việc mọc răng sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu khiến trẻ quấy khóc hoặc sốt… Vậy làm sao để giảm bớt sự khó chịu cho bé những ngày này?

Thường trẻ sẽ bắt đầu mọc răng sữa trong khoảng 2 năm, bắt đầu từ khoảng 6 tháng tuổi đến hơn 2 tuổi. Thời gian mọc răng sẽ tùy theo cơ địa từng trẻ mà mọc sớm hay mọc muộn. Nhưng đa phần các trẻ sẽ mọc theo thứ tự như:

– Trẻ 6 – 9 tháng tuổi: Mọc 4 răng cửa giữa.

– Trẻ 7 – 10 tháng tuổi: mọc 2 răng cửa ở phía trên.

– Trẻ 12 – 14 tháng tuổi: mọc 4 răng hàm.

– Trẻ 16 – 18 tháng tuổi: mọc 4 răng nanh.

– Trẻ 20 – 30 tháng tuổi: mọc 4 răng hàm cuối cùng.

Khi trẻ mọc răng có những biểu hiện gì?

Nắm rõ được những biểu hiện khi mọc răng của trẻ sẽ giúp các bậc cha mẹ chăm sóc con đúng cách cải thiện những triệu chứng khó chịu cho trẻ. Những dấu hiệu thường thấy như:

- Trẻ chảy nước dãi nhiều hơn bình thường: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi trẻ mọc răng. Nguyên nhân là do dây thần kinh thứ 5 bị kích thích do răng mọc làm bé chảy nước dãi nhiều hơn. Khoang miệng nông, chức năng nuốt nước bọt chưa phát triển hoàn thiện khiến nước dãi sẽ chảy ra ngoài nhiều.

Dấu hiệu rõ nhất khi trẻ mọc răng là chảy nước dãi nhiều: Ảnh minh họa

- Nổi mẩn ở xung quanh miệng và cằm: Chính việc thường xuyên bị chảy nước dãi xung quanh miệng sẽ gây ra nứt nẻ, đỏ và nổi mẩn vùng miệng và cằm của trẻ (thậm chí ở trên cổ). Vì vậy, nếu thấy bé bị nổi mẩn thì cần phải kiểm tra lợi của trẻ xem có phải mọc răng hay không để có cách chăm sóc phù hợp.

- Biếng ăn: Rất có thể việc mọc răng sẽ làm cho trẻ cáu kỉnh, khó chịu và không muốn ăn vì khi ăn sẽ tác động vào nướu của bé. Trong trường hợp trẻ bỏ ăn nhiều ngày thì cha mẹ phải đưa con đi khám tại các bác sĩ chuyên khoa.

- Hay nhai cắn: Do mầm răng nhú lên chọc qua dưới nướu làm cho trẻ khó chịu và muốn nhai, gặp bất cứ thứ gì có thể tìm thấy. Để giúp cho bé, cha mẹ cần chuẩn bị những đồ gặm nướu chuyên dụng trong giai đoạn này.

- Bị ho (hoặc có phản xạ bịt miệng): Đây cũng là dấu hiệu thường thấy nếu bé mọc răng. Chảy nước dãi nhiều là nguyên nhân gây ra ho ở trẻ. Điều này không đáng lo ngại nếu trẻ không có các dấu hiệu cảm lạnh, cúm, dị ứng, sốt hoặc khó thở...

- Tiêu chảy: Đây cũng là một trong những dấu hiệu mọc răng, tuy nhiên đây cũng là triệu chứng của nhiều bệnh khác, do đó các bậc cha mẹ nên theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ thường xuyên để xác định được chính xác nguyên nhân.

- Thức dậy nhiều vào ban đêm: Sự khó chịu trong thời kỳ mọc răng có thể làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm của trẻ. Khi đó, mẹ có thể vỗ hoặc hát ru giúp bé thoải mái, dễ quay trở lại giấc ngủ hơn.

- Kéo tai và xoa má: Nếu nướu bị đau do mọc răng, bé có thể sẽ kéo mạnh vào tai hoặc xoa má, cằm. Cha mẹ cần chú ý khi trẻ có những biểu hiện này.

- Thường xuyên quấy khóc: Đối với một số trẻ, mọc răng gây ra đau đớn, khó chịu nên có thể bé sẽ rên rỉ hoặc quấy khóc. Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra với tất cả các trẻ. Tuy nhiên, nếu thấy bé quấy khóc thì cần phải dỗ dành, cho bé chơi với những đồ chơi bé thích để xoa dịu trẻ quên đi cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
 

Trẻ mọc răng có thể thường xuyên quẫy khóc: Ảnh minh họa

- Sốt nhẹ: Trong giai đoạn mọc răng, trẻ sẽ rất dễ bị sốt do hệ miễn dịch thay đổi. Chính vì vậy, cha mẹ phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt của bé để có những biện pháp xử lý cho phù hợp. Nếu trẻ sốt nhẹ, có thể áp dụng một số cách hạ sốt như: chườm ấm, mặc quần áo thoáng mát, cho bú nhiều hơn. Còn nếu bé sốt cao, cần đưa ngay tới các cơ sở y tế để thăm khám, chữa trị kịp thời.

Cách chăm sóc đúng cách khi trẻ mọc răng

Để giảm bớt sự khó chịu khi mọc răng của trẻ, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp như sau để xoa dịu cơn đau của con:

- Chia nhỏ các bữa ăn để trẻ không cảm thấy chán ăn và hứng thú khi ăn. Không nên bắt ép trẻ ăn.

- Chú ý các đồ ăn cần chế biến nhừ, mềm hoặc để trẻ dễ ăn thì nên nấu dạng cháo, loãng hoặc súp…

- Cho trẻ ăn các thực phẩm đông lạnh như sữa chua để làm dịu nướu tốt hơn.

- Bên cạnh đồ ăn, cha mẹ cũng nên bổ sung nước ép hoa quả tươi để bổ sung thêm các Vitamin giúp tăng cường thêm sức đề kháng chống lại các triệu chứng gây đau cho trẻ. Có thể để nước ép trong tủ lạnh hơi mát và cho trẻ uống để giảm tình trạng sưng nướu.

- Tạo điều kiện để cho trẻ nhai: Khi mọc răng, trẻ sẽ rất thích nhai. Đây là cách còn hiệu quả hơn việc làm lạnh và tê nướu. Có thể sử dụng vòng tròn mọc răng cao su hoặc các loại đồ chơi mọc răng khác để cho bé nhai.

- Trẻ bị sốt thì có thể dùng các biện pháp dân gian mà các cha mẹ đã nắm rõ cách thực hiện để hạ sốt cho trẻ như: lấy khăn ấm lau lên các vị trí như nách, bẹn, toàn thân… hoặc có thể cho trẻ uống nước rau diếp cá, nhọ nồi...

- Trên 6 tháng tuổi có thể dùng thuốc hạ sốt có chứa thành phần Paracetamol để hạ sốt. Nhưng cần tham khảo ý kiến các bác sĩ, dược sĩ trước khi dùng để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Trường hợp sốt cao trong thời gian dài mà không thấy thuyên giảm thì cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở uy tín.

- Với bé trên 6 tháng tuổi, nên tăng cường cho con uống nước. Bé dưới 6 tháng có thể tăng các cữ bú trong ngày.

- Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thường xuyên bằng cách dùng khăn mềm lau miệng, răng, nướu cho trẻ. Nếu bé chảy nhiều dãi, bạn có thể cho con đeo yếm.

- Các cha mẹ nên dành nhiều thời gian ở bên con, chơi đùa và trò chuyện với trẻ nhiều hơn.

Khi nào cần cho trẻ đi khám bác sĩ
 

Ảnh minh họa


Trẻ sốt mọc răng, ngoài sốt, có thể quấy khóc nhiều và có một số triệu chứng khác. Trong trường hợp thấy trẻ xuất hiện thêm các dấu hiệu dưới đây thì nên cho trẻ đi khám bác sĩ:

- Đo được thân nhiệt trẻ trên 38 độ C đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi.

- Đo được thân nhiệt trẻ trên 39 độ C đối với trẻ trên 3 tháng tuổi.

- Trẻ đã sốt trong khoảng 1 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù đã sử dụng một vài biện pháp giúp hạ sốt.

- Ngoài sốt ra trẻ còn bị các triệu chứng như tiêu chảy, nôn.

- Cơ thể trẻ mệt mỏi và thường xuyên quấy khóc, khó ngủ, biếng ăn.

- Đã áp dụng rất nhiều phương pháp để hạn chế các triệu chứng khó chịu tuy nhiên các triệu chứng không được cải thiện.

Trên đây là bài viết giải đáp cho câu hỏi trẻ mọc răng có biểu hiện gì? Với những thông tin này hi vọng sẽ giúp các mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất cho con trong giai đoạn này, đặc biệt với những người lần đầu làm mẹ.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang