Ở Nhật Bản, nơi dân số đang già đi nhanh chóng, nhiều người già sống trong cảnh cô độc phải đối diện với nỗi sợ hãi, một ngày nào đó họ sẽ chết đi trong cô đơn mà không ai biết. Thậm chí, có cụ già đã mất hết người thân, lẻ bóng sống tại một chung cư còn phải đề nghị hàng xóm sống ở tòa nhà đối diện... nhìn sang cửa sổ căn hộ của mình.
Bà có thói quen đóng rèm vào 6h chiều và mở nó vào lúc 5h40 sáng khi thức dậy. "Nếu rèm không mở vào buổi sáng có nghĩa là tôi đã chết", bà dặn hàng xóm như thế...
Những câu chuyện ấy gợi lên thật nhiều xót xa, nhưng với nhiều người già ở Việt Nam, sự cô đơn có vẻ "dễ chịu" hơn một chút. Văn hóa cộng đồng của chúng ta không cho phép con cháu bỏ bẵng người già quá lâu mà không thăm nom. Hoặc giả có một người già nào đó độc thân, họ cũng có thể được họ hàng hoặc những người xung quanh như hàng xóm để ý giúp.
14 ngày nấu cơm đem tặng ông hàng xóm độc thân
Thành thử, câu chuyện "nhân duyên kỳ lạ" của gia đình mình và ông cụ hàng xóm độc thân mà chị Tiểu Yến (TP. HCM) vừa chia sẻ lập tức gây chú ý. Chị kể rằng: "Sát vách nhà mình có bác hàng xóm sống một mình. Hai tuần trước thấy bác im re không mở cửa, không đổ rác mấy ngày rồi.
Mẹ mình cũng lo, qua đập cửa xem có chuyện gì không thì mới biết bác bệnh, không thiết ăn gì. Mẹ mình nấu cháo mang qua cũng nhất định không ăn, phải mang về. Hôm sau nhà mình nấu cơm, mẹ cũng để một phần mang qua thì bác ăn.
Ăn được vài bữa, có vẻ bác ngại nên viết lá thư...".
Trong thư, ông cụ lịch sự cảm ơn lòng tốt của gia đình hàng xóm, nhưng cũng cự tuyệt nhận giúp đỡ thêm. Ông nhấn mạnh, khi nào thực sự cần sẽ mở lời nhờ cậy.
Dù bị hàng xóm từ chối, sợ làm phiền hà, nhưng mẹ chị Tiểu Yến vẫn mang cơm mỗi ngày sang mời ông ăn. (Ảnh minh họa)
Nhận được thư, mẹ của chị Tiểu Yến cũng hồi đáp, "bảo dù sao nhà mình nấu cho 4 người, nên thêm 1 chén cơm, một chút thức ăn nữa cũng không sao. Mẹ vẫn nhất quyết nấu thêm mang qua mỗi ngày cho bác".
Sau 14 ngày, gia đình chị đã nhận được bức thư thứ hai từ ông cụ hàng xóm. Nội dung trong bức thư "chấn động" đến mức chị không kìm nổi lòng mà kể ngay với mọi người.
Chị cũng tiết lộ, mình cũng không hay giao lưu xóm giềng nên chỉ biết ông cụ ở một mình, mấy tháng mới có người ghé thăm, không biết là con cháu hay ai.
Nhưng theo những gì chị biết, đó là một người đàn ông ấm áp "hồi trước dịch thì sáng với chiều nào bác cũng quét sân trước nhà cho hàng xóm 2 bên". Ông cũng rất kín đáo và tự lo lắng cho mình, không muốn nhờ cậy xóm giềng, vì chị quan sát thấy bịch rác của bác toàn là vỏ đồ hộp.
Những bữa cơm "hồi sinh" người đàn ông cô độc và hai lá thư khiến ai nấy kinh ngạc
Sự kiên định có một chút "bướng bỉnh" rất dễ thương của gia đình chị Yến khi nhất định mang cơm sang mời người hàng xóm đang ốm, lại đang giãn cách xã hội, không tiện ra ngoài mua đồ ăn lập tức khiến mọi người cảm động. Nhưng đáng kinh ngạc hơn cả là bút tích và câu chuyện phía sau được bác hàng xóm tiết lộ qua bức thư.
Ở bức thư đầu tiên, 2 ngày sau khi nhận được giúp đỡ, ông viết:
"Kính gửi cô Sen.
Từ 1/7, tôi bị đau khớp kết hợp với bệnh tiền liệt tuyến có sẵn từ cả năm trước. Gần nửa tháng rất đau nhức, đêm ngủ chập chờn, lại chỉ uống sữa, không dám ăn, tiêu hóa bị rối loạn.
Hai ngày qua được cô cho cơm ăn, của cho không nhiều nhưng tác dụng lại kỳ diệu. Sau bữa cơm đầu cảm thấy bớt đau, không còn sợ những cơn đau như trước.
Tình cảm xóm giềng cô giúp đỡ rất quý, không lời cảm ơn nào xứng đáng. Hôm nay bệnh tình tôi đã khá nhiều, đêm có thể nằm ngủ, gần hồi phục như trước khi có lệnh giãn cách 16. Nhà cũng có sẵn gạo và cá hộp, tôi có thể xoay trở được, nên quyết không dám phiền cô hơn nữa.
Xin hứa khi cần sẽ chủ động nhờ cô giúp".
Hai bức thư và bút tích của bác hàng xóm được gửi cách nhau khoảng 2 tuần. (Ảnh: Tiểu Yến)
Có thể thấy, dù cảm kích trước sự quan tâm, chăm sóc của người phụ nữ hàng xóm, ông cụ cũng hé lộ một chút về tình hình bệnh của mình, nhưng không muốn phiền hà thêm. Lời từ chối đầy tự trọng của ông khiến người đọc không cảm thấy một chút tổn thương.
Nhưng sau 2 tuần, bức thư thứ hai mới lấy đi nhiều nước mắt hơn cả. Ông viết:
"Kính gửi cô Sen.
Tính đến nay cô cho ăn đã trên nửa tháng. Cơm cô nấu thật tuyệt vời, những món đơn giản quen thuộc nhất như rau muống, món nào qua tay cô cũng rất ngon, cách nấu tinh tế. Bảy mươi năm "cơm hàng cháo chợ", chưa bao giờ tôi được ăn ngon như những ngày này.
Nhờ ăn cơm mau lại sức, có thể chịu đựng được những cơn đau nối tiếp nhau ngày cũng như đêm. Hiệu quả sự giúp đỡ của cô có sự đồng thuận của vợ chồng cháu Yến đối với tôi là rất quan trọng về cả vật chất lẫn tinh thần. Nếu chỉ uống sữa sợ đau như trước, tôi không thể nào hồi phục được như hiện nay.
Tình hình giãn cách xem ra còn dài mới có thể trở thành bình thường, hiện vừa tăng thêm 18 ngày nữa. Thôi thì cô làm phúc phải tội, xin cô giúp thêm ít ngày nữa. Sống độc thân, tôi chịu ơn rất nhiều người, nhưng chưa giúp được ai, giờ phải chống đỡ với tuổi già.
Lúc đầu óc còn tỉnh táo, nếu được cô coi như người nhà, cho góp phần chi phí thì đỡ áy náy. Trước mắt có một số thực phẩm như bột ngọt (mì chính), dầu ăn cơ quan từ thiện cho, nếu tôi có nấu ăn cũng chẳng bao giờ dùng tới, xin biếu cô, cô thông cảm nhận cho".
Những bữa cơm của hàng xóm đã hồi sinh thể chất và tinh thần của ông cụ một cách diệu kỳ. (Ảnh minh họa)
Có thể thấy, không chỉ khoe sự thay đổi tích cực đến sức khỏe sau hơn 70 năm độc thân, không được ăn cơm nhà, ông cụ còn hé lộ sự phấn chấn, niềm hạnh phúc thấy rõ, cảm động khi được chăm chút. Ông thậm chí còn mở lời mong được giúp đỡ thêm trong những ngày tiếp theo, và gợi ý được đóng góp một phần thực phẩm để có cảm giác mình là "người nhà".
Vậy là, lòng tốt đã nở hoa, một câu chuyện tuyệt đẹp đã được tạo ra trong những ngày giãn cách xã hội nhiều ưu tư của Sài Gòn. Tình cảm ấm áp của gia đình chị Yến đã khiến ông cụ hàng xóm có thêm những ngày tuổi già tươi sáng.
Dân mạng đã dành hàng chục nghìn lượt "thả tim", và cũng trầm trồ không ngớt về những gì ông cụ tiết lộ.
- Câu từ làm mình nhớ ngay đến cách hành văn hồi xưa, lịch thiệp nhưng vẫn thân thiết, không rườm rà nhưng đọc là thấy như người đó đang rất cần mình, sự giúp đỡ của mình rất là đáng quý!
- Cụ 88 tuổi mà minh mẫn, chữ viết gãy gọn và câu cú mạch lạc quá. Đọc thư cụ viết như đọc trong các tác phẩm văn học xưa. Cảm giác cụ là thành phần tri thức cao, có học vấn và đầy lòng tự trọng. Bạn và mẹ bạn thực sự là những người rất tuyệt vời khi có lòng giúp đỡ những người hàng xóm xung quanh.
- Nét chữ nết người. Từng lời văn của bác khúc chiết, chừng mực, tự trọng mà vẫn quá đỗi chân thành. Đọc đến đâu tim mình reo vui đến đấy. Vui sao nước mắt lại trào...
- Cảm ơn gia đình bạn rất nhiều. Mong bác sống những ngày tháng tuổi già tiếp theo trong sự ấm áp đùm bọc của láng giềng để bù đắp 70 năm cuộc đời "cơm đường cháo chợ" lẻ bóng một mình. Sài Gòn cố lên nha!
Theo soha.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.