Giai đoạn từ khi trẻ mới bập bẹ những tiếng đầu tiên cho đến khi trẻ được 2-3 tuổi là thời điểm khả năng ngôn ngữ của chúng phát triển một cách bùng nổ. Cùng với sự thay đổi liên tục về tâm sinh lý trong quá trình trẻ lớn lên như khủng hoảng tuổi lên 2, lên 3... bố mẹ hẳn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong khi chăm sóc con.
Tuy nhiên, khoảng thời gian này phụ huynh nên đặc biệt chú trọng đến phương pháp nuôi dạy con đúng đắn và thích hợp. Có như vậy, trẻ mới vượt qua được cột mốc phát triển này một cách suôn sẻ với vốn từ thông thạo, đầy đủ, biết cách phát âm đúng cũng như biết cách giao tiếp thoải mái với người khác.
Ngược lại, nếu trong gia đình có thói quen nuôi con sai lầm sẽ khiến cho trẻ bỏ lỡ giai đoạn phát triển ngôn ngữ quan trọng, gây ra hàng loạt vấn đề như chậm nói, phát âm không rõ, ngôn ngữ kém logic...
Dưới đây chính là 3 thói quen tai hại nhất mà nhiều gia đình hiện nay vẫn đang mắc phải. Phụ huynh nên chú ý thay đổi càng sớm càng tốt.
1. Cho trẻ ăn đồ xay nhuyễn quá lâu
Nhai nuốt thức ăn là một kỹ năng cực kỳ quan trọng mà mỗi đứa trẻ cần phải học. Không chỉ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, kỹ năng nhai nuốt cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về mặt ngôn ngữ của trẻ.
Nhiều gia đình có thói quen cho con ăn cháo xay, đồ ăn được nghiền nát, làm mềm ở giai đoạn đầu tập ăn dặm. Tuy nhiên nếu như đến 2-3 tuổi, trẻ vẫn tiếp tục được ăn theo kiểu này sẽ làm cho sự linh hoạt của lưỡi bị ảnh hưởng, khả năng phối hợp hoạt động của môi và lưỡi cũng không thành thạo, không có lợi cho việc nói và phát âm của trẻ.
Thực tế có một số trẻ bắt đầu nói từ rất sớm, nhưng do ăn thức ăn lỏng lâu ngày, không có cơ hội vận động nhai bằng miệng dẫn đến trở ngại trong việc sử dụng miệng. Chức năng ngôn ngữ của trẻ bị suy giảm nên trẻ có thể đột nhiên ngừng nói.
2. Giao con cho "bảo mẫu" điện tử
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Trẻ xem tivi 3 tiếng một ngày có nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ cao gấp ba lần so với trẻ xem tivi dưới 1 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra trẻ dưới 3 tuổi xem tivi hơn 1 tiếng mỗi ngày, đến 7 tuổi, khả năng không thể tập trung sẽ tăng gần 10%.
Nhiều gia đình có bố mẹ bận rộn, không đủ thời gian chơi với con hoặc lười tương tác với con sẽ có thói quen đưa cho trẻ xem điện thoại, máy tính bảng hoặc tivi mà không chú ý đến giới hạn. Nhiều người cho rằng cho trẻ tiếp nhận thông tin từ thiết bị điện tử cũng là một cách hữu hiệu giúp cho trẻ học thêm được nhiều điều mới mẻ.
Tuy nhiên trên thực tế, thông tin mà trẻ nhận được khi xem tivi, thiết bị điện tử chỉ là sự kích thích một chiều, không có sự tương tác có lợi cho việc phát triển khả năng ngôn ngữ và trau dồi sự tập trung của trẻ.
Ngoài ra, trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ quan trọng từ 1,5 đến 3 tuổi, nếu như trẻ không thể có những tương tác hai chiều thật sự và hiệu quả, và nếu trẻ không có cơ hội thực hành ngôn ngữ, thì chắc chắn sự phát triển của trẻ sẽ bị ảnh hưởng.
3. Con chưa kịp nói, phụ huynh đã đáp ứng
Nhiều mẹ thật sự cảm thấy rất tự hào vì khả năng hiểu con như lòng bàn tay. Có thể thấy trong cuộc sống hàng ngày, con chỉ nhăn mặt khó chịu là mẹ đã biết con cần gì, con khóc ré lên một tiếng là mẹ hiểu ngay con đang muốn thứ gì.
Cứ như vậy, phụ huynh đã tạo thành một thói quen cho con cái. Con chẳng cần phải nói ra câu nào nhưng mọi người vẫn hiểu ý con không sai một ly.
Việc phụ huynh thấu hiểu nhu cầu của con là một điều tốt nhưng nếu như trẻ quá quen với việc được đáp ứng mọi thứ mà chẳng cần nói ra, trẻ sẽ dần dà giảm đi ham muốn nói chuyện, có khả năng dẫn đến tình trạng chậm nói. Bên cạnh đó, do trẻ không có cơ hội ứng dụng và trau dồi nên các chức năng của hệ thống ngôn ngữ phải mất thời gian lâu hơn để hoàn thiện và tinh chỉnh.
(Nguồn: QQ)
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.