Những đứa trẻ thời hiện đại đang ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn, hay cáu giận, khó kiểm soát cảm xúc, luôn cảm thấy cô đơn và ít hứng thú với việc học tập. Một trong những nguyên nhân quan trọng được các chuyên gia và nhà nghiên cứu tâm lý cảnh báo, đó là sự thiếu hụt thời gian chất lượng dành cho con và những hoạt động tương tác gắn bó giữa cha mẹ và con cái ngày càng ít đi.
Trẻ có 5 biểu hiện này thường thiếu kiên nhẫn, cô đơn và chán ghét học hỏi, cha mẹ nên chú ý để sửa đổi kịp thời.
1. Không muốn tiếp xúc với bố mẹ, chỉ thích xem tivi
Với trẻ, khoảng thời gian được chơi với bố mẹ thực sự quý giá. Thế nhưng, nếu con nghiện tivi tới mức không cần bố mẹ hay bất cứ thứ gì khác trên đời thì bạn nên xem lại.
Ngày nay, chiếc tivi được xem là "cứu tinh" của nhiều bậc phụ huynh. Mỗi khi cho trẻ ăn, khi người lớn muốn giặt giũ, nấu ăn... họ bật tivi để có thể an tâm làm việc, vì đứa trẻ sẽ ngồi lì trước tivi mà chẳng đi đâu. Một số người biện hộ rằng trẻ xem tivi cũng tốt, vì chúng không chơi các trò mất an toàn khác, lại học được nhiều thứ hay.
Tuy nhiên, việc xem tivi quá nhiều không chỉ ảnh hưởng xấu tới não bộ mà còn gián đoạn sợi dây liên kết với bố mẹ và con cái. Thay vì thời gian nói chuyện, chia sẻ, tâm sự cùng nhau, con lại chỉ thích dán mắt vào màn hình điện thoại mà không cần làm gì khác.
Tivi không xấu nhưng nếu không được sử dụng đúng cách, đúng lúc sẽ biến trẻ trở nên thụ động, mất kiên nhẫn và không muốn tiếp xúc với bất kì ai.
2. Không chịu đựng được việc phải làm việc gì đó quá lâu
Nhiều người cho rằng, kiên nhẫn chờ đợi hay kìm nén bản thân đối với người lớn còn khó, huống chi là trẻ nhỏ mới lên ba. Tuy khó nhưng không phải là không làm được. Nếu ba mẹ biết cách rèn tính kiên nhẫn cho trẻ ngay từ nhỏ thì bé sẽ có những thay đổi tích cực trong tính cách và hành vi của mình sau này.
Biểu hiện của những đứa trẻ thiếu kiên nhẫn có thể kể đến như: Thức ăn trong bát vẫn chưa ăn hết đã vội đòi ăn những món ăn khác; Khi đến công viên, vừa nhìn thấy trò chơi yêu thích đã lập tức chạy đến đòi chơi trước, bất chấp các bạn khác đang xếp hàng rất trật tự; Tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ, khi nhận ra mình không thể làm được, trẻ lập tức từ bỏ, không tiếp tục cố gắng phấn đấu; Không tuân theo các quy định như xếp hàng…; Làm việc thiếu kế hoạch cụ thể, muốn làm thì làm, không muốn làm thì sẵn sàng từ bỏ...
Việc này phải được rèn luyện ngay khi trẻ còn nhỏ. Một số cách cha mẹ có thể áp dụng như: Khi bắt đầu làm quen với một hoạt động mới, cần yêu cầu trẻ làm việc phải hoàn chỉnh; Tạo ra một số trở ngại nhất định và tạo điều kiện để trẻ vượt qua khó khăn đó. Khi cố gắng vượt qua khó khăn, trẻ sẽ rèn luyện tính kiên nhẫn, ý chí của mình; Bồi dưỡng dam mê cho trẻ. Những đứa trẻ càng có nhiều đam mê thì càng dễ hình thành tính kiên nhẫn; Cha mẹ có thể chủ động tạo ra các trò chơi, hoạt động tăng khả năng tập trung của trẻ như xếp hình, ghép tranh, tìm lỗi sai…
3. Không muốn chịu trách nhiệm cho bất cứ việc gì
Nhiều trẻ nhỏ thường cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ và mọi người phải có trách nhiệm làm mọi thứ cho trẻ. Nếu cứ có những suy nghĩ này thì trẻ sẽ lớn lên trở thành người vô trách nhiệm. Do đó, ngay từ bây giờ, bạn cần dạy cho trẻ hiểu được giá trị của việc sống có trách nhiệm với hành động của mình thông qua những biện pháp giáo dục tích cực.
Người sống có trách nhiệm chính là người hoàn thành bổn phận của chính mình trong gia đình, xã hội. Họ là những người có ý thức trước những hành động của mình. Vì thế, họ sẽ thừa nhận, xin lỗi và sửa đổi khi họ biết mình phạm lỗi. Đối với những người không có trách nhiệm, khi làm sai, thay vì nhận lỗi, họ sẽ tìm cách đổ lỗi cho người khác.
Một số lời khuyên để cha mẹ dạy bé về trách nhiệm: Giao cho trẻ nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi; Hãy làm gương cho trẻ; Dạy trẻ biết cách làm việc trước khi hưởng thụ; Diễn đạt mọi thứ theo hướng tích cực...
4. Làm mọi việc theo ý thích, không có sự sắp xếp
Những đứa trẻ thích gì làm đấy thường không có thói quen lập kế hoạch. Điều này khiến con có thể bị bỏ lỡ những đầu việc quan trọng. Khi làm mọi việc chỉ theo sở thích, trẻ sẽ khó mà học được tính kiên nhẫn, không có sự sắp xếp chu toàn, ảnh hưởng đến công việc trong tương lai.
Việc rèn cho trẻ kỹ năng lập kế hoạch là rất quan trọng. Kỹ năng này sẽ giúp trẻ vừa dễ đạt thành công trong học tập, vừa có một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Đây là kỹ năng tư duy giúp trẻ phát triển các chiến lược để hoàn thành mục tiêu, và giúp trẻ suy nghĩ các bước cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ trước khi bắt đầu.
Một số mẹo hay cha mẹ có thể làm để rèn cho con: trao quyền cho trẻ tự quyết định một số việc cá nhân đơn giản; giúp trẻ biết cách tự lập kế hoạch trong từng giai đoạn; Tham gia làm việc nhà phù hợp từng độ tuổi giúp các con không khỏi bỡ ngỡ khi tự chăm sóc bản thân.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.