Có lần khi đưa con đi chơi ở công viên dưới nhà, tôi bắt gặp một người mẹ cũng dắt theo con xuống chơi. Cậu bé trạc 3 tuổi vô cùng thích thú nhảy lên con ngựa gỗ bập bênh nhưng do vụng về nên bị trượt chân té xuống đất.
Mẹ cậu bé lập tức chạy đến đỡ con trai dậy, xoa dịu đứa trẻ đang khóc ré lên vì sợ hãi: "Con không làm được đâu. Đừng chơi cái này nữa sẽ bị té đau lắm. Con ra kia kiếm trò khác chơi đi".
Người mẹ kéo tay cậu con trai đi ra một khu vực khác để chơi. Tôi nhìn thấy đứa trẻ ngoái lại nhìn con ngựa gỗ, đôi mắt tràn đầy sự tiếc nuối.
Thực tế việc trẻ vấp ngã khi chơi cũng là điều rất bình thường. Đứa trẻ nào trước khi biết đi, biết chạy chả từng ngã rất nhiều lần?
Câu nói: "Con không làm được, đừng bao giờ chơi nữa" và cách mà người mẹ bảo vệ con trai đã khiến cho đứa trẻ mất đi quá nhiều niềm vui của tuổi thơ. Có thể sau này cậu bé sẽ không bao giờ dám chơi ngựa gỗ nữa. Cậu bé cũng không đủ dũng khí thử thách bản thân hay có các ham muốn khám phá những điều mới mẻ xung quanh.
Nhìn bề ngoài, cách làm của mẹ là vì lợi ích của con, là để bảo vệ con khỏi tổn thương đau đớn nhưng thực tế, kiểu phủ định khả năng của trẻ chỉ sẽ gây bất lợi trong quá trình trẻ học hỏi để lớn lên.
"Con không làm được", "Con không biết đâu" chính là những từ ngữ phủ định có sức công phá khủng khiếp mà rất nhiều bậc phụ huynh thường hay sử dụng.
Con rõ ràng có thể tự rót nước uống, bố mẹ vẫn đến giúp và nói: "Con không làm được, sẽ đổ hết nước ra ngoài".
Con có thể tự xúc ăn nhưng bố mẹ cho rằng: "Con không làm được. Xúc văng tứ tung bẩn hết quần áo".
Trong những mặt khác của cuộc sống cũng vậy. Thay vì để trẻ tự trải nghiệm, khám phá, rèn luyện và tự rút ra bài học cho bản thân, các phụ huynh lại quá lo lắng cho rằng con không làm được cái này, không làm được thứ kia. Sự ngăn cấm cũng như câu nói mang tính phủ định dần dà chỉ tạo nên một đứa trẻ luôn sợ hãi, rụt rè, thiếu tự tin trầm trọng.
Đến khi lớn lên, trẻ sẽ chọn cách trốn tránh khi gặp thất bại, không đủ dũng khí đối mặt, dù gặp một chút khó khăn trong học tập và cuộc sống, trẻ sẽ chọn cách từ bỏ vì không có tinh thần tìm tòi nỗ lực.
Nói khó nghe một chút, câu nói "Con không làm được" giống như sự xúc phạm đối với khả năng và những tiềm năng của đứa trẻ.
Bố mẹ đã không cho con cơ hội để thử sức và trưởng thành mà "dán nhãn" con một cách tiêu cực. Cho đến khi bản thân trẻ thật sự tin rằng mình bất tài vô dụng, không thể làm bất cứ thứ gì, làm việc nào cũng dở dang không cố gắng, đó cũng là lúc bố mẹ nhận ra rằng chính tay họ đã hủy hoại tương lai và cuộc sống của con.
Vậy nên, thay vì nói "Con không làm được", bố mẹ hãy nói "Con thử xem sao, bố mẹ tin tưởng con". Hãy cho con cơ hội để thử những điều mới, cho con mắc lỗi, phạm sai lầm để sau đó con có thể học được những kinh nghiệm quý giá.
(Nguồn: 163)
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/4-chu-co-suc-cong-pha-khung-khiep-doi-voi-su-tu-tin-cua-tre-bo-me-cang-noi-nhieu-thi-tuong-lai-con-cang-tam-toi-162213011193603474.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.