Vậy có những điểm cần lưu ý nào cho các chị em trước khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
1. Bổ sung acid folic
Acid folic là chất duy nhất được khẳng định là có tác dụng dự phòng một số dị tật bẩm sinh, nhất là các dị tật liên quan đến hở ống thần kinh ở thai nhi như tật cột sống chẻ đôi hay tật vô sọ vô cùng nguy hiểm.
Ống thần kinh của thai nhi được phát triển từ rất sớm vào khoảng tuần thứ 3 và khép lại dần vào ngày thứ 28 của thai kỳ. Theo đó, acid folic là yếu tố chính giúp ống thần kinh có thể khép kín hoàn toàn. Vậy nên bổ sung acid folic là vô cùng quan trọng trong kế hoạch để có thai kỳ khỏe mạnh bởi có thể làm giảm thiểu đến 70% nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh cho trẻ.
Ngay từ trước khi mang thai khoảng 3 tháng, chị em hãy lên kế hoạch bổ sung khoảng 400 microgam acid folic cho đến khi thai được 12 tuần tuổi. Nếu không kịp bổ xung acid folic từ trước khi mang thai, chị em hãy bổ xung acid folic ngay khi phát hiện mình có thai.
2. Tiêm vắc xin phòng bệnh
Một số tình trạng nhiễm trùng khi mang thai có thể gây bất thường ở thai nhi mà có thể dự phòng được từ trước như sởi đức (rubella) hay thủy đậu (varicella). Do đó, nếu chị em nào chưa từng bị nhiễm bệnh hoặc chưa từng tiêm vắc xin phòng bệnh thì hãy lên lịch để tiêm phòng trước khi mang thai để đảm bảo sức khỏe cho thai nhi.
3. Thay đổi lối sống
Bên cạnh việc tiến hành tiêm các loại vắc xin phòng bệnh thì việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng vô cùng cần thiết. Các mẹ bầu tương lai cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với tập luyện hợp lý giúp kiểm soát cân nặng cũng như tinh thần.
Chế độ dinh dưỡng
Bổ sung những loại thực phẩm giàu protein và giảm các thức ăn không có năng lượng hoặc chứa chất tạo ngọt tổng hợp, cũng như giảm lượng caffeine cùng các thức ăn chế biến sẵn. Tăng thêm lượng rau xanh, hoa quả và các thức ăn tươi sống trong thực đơn hàng ngày. Lưu ý cho các chị em phụ nữ là không ăn cá biển lớn và giảm lượng cá ngừ.
Tuy nhiên, một số vitamin như vitamin K; A; D; E; khi sử dụng liều cao quá mức cho phép có thể gây dị tật ở thai nhi, vậy nên cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại vitamin nào.
Ngoài ra, một vấn đề nữa các chị em phụ nữ cũng cần lưu tâm để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh là tránh để thừa cân hoặc béo phì. Thừa cân, béo phì khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ các bệnh lý thai kỳ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, sảy thai, đẻ non hay tăng nguy có phải mổ lấy thai. Trong khi đó, giảm cân trong khi mang thai lại là không nên. Do đó bạn nên kiểm soát cân nặng thật tốt từ trước khi mang thai để tránh việc cân nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Bên cạnh các chất dinh dưỡng cần bổ sung thì chị em phụ nữ cũng cần ghi nhớ tránh xa các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá và tránh tiếp xúc trực tiếp với các chất độc hại, phóng xạ…
Tập luyện hợp lý
Từ trước khi mang thai và trong thai kỳ để giúp cơ thể dễ dàng thích nghi hơn với việc mang thai và đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, chị em cần có kế hoạch luyện tập hợp lý, lựa chọn những môn thể thao thích hợp để tăng cường sức khỏe như bơi lội, yoga…
4. Khám và tư vấn với bác sĩ trước khi mang thai nếu đang trong các tình trạng sau
Trường hợp vẫn đang phải điều trị các bệnh mạn tính như: các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường hen suyễn, bệnh lý tâm thần, bệnh và các bệnh lý mạn tính khác. Các bệnh lý này cần phải được kiểm soát tốt trước khi mang thai. Các bác sĩ điều trị cũng có thể sẽ cần phải thay đổi loại thuốc hay liều thuốc cho bạn hoặc sẽ tư vấn kỹ cho bạn cần chăm sóc đặc biệt những gì khi mang thai.
Nếu bạn hoặc vợ/chồng bạn có tiền sử gia đình liên quan bệnh lý di truyền như thalassemia, bệnh lý xơ nang, dị tật bẩm sinh, teo cơ tủy… thì cần được bác sĩ tư vấn về các xét nghiệm chẩn đoán cũng nhưng các phương pháp sàng lọc di truyền.
Nếu lần mang thai trước bạn mắc các bệnh lý như: tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ, đẻ non, tiền sản giật, dị tật bẩm sinh, cần can thiệp mổ lấy thai, thai lưu, sảy thai liên tiếp… thì cần thăm khám để bác sĩ tìm nguyên nhân hoặc đưa ra các biện pháp điều trị dự phòng.
Nếu nghi ngờ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, một số bệnh như nhiễm lậu cầu, giang mai, chlamydia… cần phải khám để loại trừ và nếu nhiễm thì phải điều trị trước khi mang thai. Các bệnh này ngoài việc làm giảm khả năng có thai của bạn, còn làm tăng nguy cơ bệnh lý cho mẹ và con trong thai kỳ.
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/4-nguyen-tac-quan-trong-hang-dau-de-co-thai-ki-khoe-manh-chi-em-nao-chuan-bi-co-bau-can-lam-ngay-nguyen-tac-dau-tien-162221504113909850.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.