Đêm 17/10, gần 0h sáng, Nhuận cùng nhiều chiến sĩ ở Đoàn kinh tế quốc phòng 337 trở về trụ sở. Anh vội tắm rửa qua loa, lên giường, gọi điện về cho người nhà rồi đi ngủ.
Đến 1h đêm, một tiếng "ầm" như trời giáng đổ xuống, cả mặt đất sư đoàn rung chuyển từng hồi. Nhuận cùng anh em hoảng hốt chạy ra ngoài nhà.
Trong cơn mưa, sự hoảng loạn, tiếng la hét, kêu cứu quyện vào trong tiếng đất đá lở ào ào. Anh chỉ kịp dùng chiếc đèn pin nhỏ từ điện thoại rọi về phía hướng núi Coọc Tạc. Cả 3 dãy nhà màu vàng nắm ở phía cánh phải, từng là nơi anh em sinh hoạt, lao động, lui tới mỗi ngày, giờ đã chìm trong đất đá. Nhuận khản giọng gọi tên từng người thân thiết trong vô vọng.
Dãy nhà gồm 3 căn phía sau của Sư đoàn 337 bị một khối đất đá lớn từ sau đổ xuống vùi lấp
Đêm hôm đó, lần đâu tiên cái vẻ bình yên thường nhật của thôn Cợp, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị) mất đi.
Coọc Tạc trong tiếng đồng bào có nghĩa là Cổng Trời. Ngọn núi cao xanh thẳm ôm lấy phía sau xã là nơi người Vân Kiều đi rẫy, trồng cây, nơi bộ đôi canh giữ biên cương, sống cùng nhau chan hoà. Đêm qua, nó vỡ làm đôi.
Gần 40 giờ tìm kiếm anh em, đồng đội trong nước mắt
Vụ sạt lở núi Coọc Tạc phía sau trụ sở Đoàn 337 (huyện Hướng Hoà, tỉnh Quảng Trị) xảy ra lúc 1h25, đã ủi lấp 3 khối nhà, khiến 27 chiến sĩ bị vùi lấp. Chỉ có 5 người trong số đó mắn sống sót, 22 người đã mãi mãi ra đi.
Chứng kiến tiếng kêu cứu đau xé lòng, Nhuận gọi anh em: "Mau cứu hộ, mau cứu hộ", rồi tìm cách nhảy vào bên trong. Thế nhưng, ở phía trên, sau gốc đa từng 4 người ôm không xuể, đất cát giờ như nước chảy xuôi, vẫn tiếp tục ào ào đổ xuống. Anh em chưa kịp nhảy vào, lại nuốt nước mắt chạy ra.
Cả đêm, cả tiểu đoàn không ngủ, chứng kiến ngọn núi Coọc Tạc 3 lần đổ xuống như thế.
Lực lượng tìm kiếm dường như chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người anh em, đồng đội.
Nhiều người thay nhau bắt sóng điện thoại, gọi điện nhờ cứu viện đến hiện trường ngay lập tức. Tốp còn lại vẫn nuôi hy vọng, lần theo tiếng kêu cứu và cánh tay vươn lên trên đống đổ nát, cố gắng kéo từng người ra ngoài.
Đến 4h sáng, đã có 5 người ngoi ngóp được anh em đưa ra khỏi đống đất đá. Họ là 5 người may mắn sống sót.
Theo người dân địa phương, tại địa bàn xã Hướng Phùng, tình trạng mưa lớn đã diễn ra suốt 2 tuần qua. Đoàn kinh tế quốc phòng 337 nhiều ngay nay luôn phải đi cứu viện, giúp đỡ cho đồng bào tại các điểm sạt lở, mưa lũ ở xã Hướng Việt.
Công tác cứu hộ liên tục kéo dài suốt 40 giờ.
Buổi sáng trước khi lên đường, Trung, Cường,… còn ghé sang nhà ông Thy mua chai nước, sửa soạn quân phục. Gặp ông Thy, ai cũng cười chào.
Ở xã Hướng Phùng, ông Thy xem tất cả quân nhân như anh em, con cháu trong nhà. Nhà bán tiệm tạp hoá nên là điểm thường xuyên quân nhân ghé sang mỗi lần đi công tác về. Nhiều lần họ còn ở lại nhà ông Thy, ăn cơm, nghỉ ngơi. Ông nhớ mãi tiếng cười rôm rả của từng người.
"Trong đó có gần 10 người tên bắt đầu bằng chứ T., người nào cũng thân với chú, nhưng chỉ có mỗi thằng Thọ là thoát được. Thằng Trung dân vận, thằng Thiện nhà bếp, Trà lái xe,… thì..." - ông Thy nhớ rõ mồm một tên từng người.
Ông Thy đau đớn khi nghe tin từng người cháu, người em mình, qua đời sau vụ sạt lở.
Ngay trong đêm, quân nhân cùng máy xúc được điều động tiến về xã Hướng Phùng. Thế nhưng, đoạn đường tiếp cận liên tiếp xảy ra 4 đoạn sạt lở lớn, khiến toàn bộ xã gần như cô lập.
Đến 5h sáng mới có 7 xe ủi thông tuyến. Quân đội phải lội bộ qua điểm sạt để vào hiện trường. Khu đất rộng 5.000 m2 giờ đã bị san lấp bởi 2 triệu khối bùn đất, nhiều điểm sạt sâu hơn 10 mét khiến công việc tiếp cận vô cùng khó khăn.
Bộ đội dùng máy xúc san lớp đất đá, dùng chó nghiệp vụ đánh hơi rồi dùng tay thủ công gỡ từng tấm bê tông lẫn trong bùn. Thế nhưng, suốt cuộc tìm kiếm, núi vẫn tiếp tục lở như bom nổ chậm, bộ đội vừa chạy vào tìm, gặp nguy lại phải đổ ngược trở ra.
Đến 8h30, nạn nhân đầu tiên được đưa ra hiện trường. Là quân nhân chuyên nghiệp Lê Cao Cường. Chàng trai Nghệ An, vui vẻ, ngày nào cũng ghé nhà ông Thy, khiến ông không kìm được nước mắt.
Cách thêm 20 phút, sĩ quan Lê Đức Hải, chủ nhiệm hầu cần Lê Văn Quế cũng được đưa ra khỏi hiện trường. Đến đầu giờ chiều, đã có tổng cộng 8 thi thể được phát hiện. Bên cạnh đó, cán bộ Đoàn 337 viết ra tay thông tin quê quán của nạn nhân để thông báo cho gia đình.
Đến 17h, qua 15 tiếng đồng hồ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng mới thấy tổng cộng 14 chiến sĩ.
Ngoài cổng Đoàn 337, người nhà nạn nhân đi những chuyến xe vượt lũ từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, đứng đợi chờ trong mưa, mắt ai cũng đỏ hoe khi thấy từng thi thể được đưa ra.
Lực lượng càng phải chạy đua với thời gian, mở rộng cuộc tìm kiếm xuyên đêm. Thế nhưng, 18h, mưa tiếp tục đổ lớn, núi lở mạnh khiến ngay sau đó hoạt động phải tạm ngừng.
Người nhà và dân bản đội mưa theo dõi suốt hành trình.
Đến 1h sáng 19/10, một tiếng ầm lại nổ ra lần nữa. Ngọn núi Coọc Tác lại tiếp tục lở. Tiếng lở lần 2 vẫn khiến người dân hoảng hốt. Lực lượng cứu hộ quay sang, vừa tập trung khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến đường dẫn vào hiện trường, đồng thời ra sức đưa người dân trong khu vực có nguy cơ sạt ra khỏi nơi nguy hiểm.
Đến 5h, công tác tìm kiếm người bị vùi lấp bước sang ngày thứ hai. Hơn 500 quân nhân cùng phương tiện cứu hộ đã được điều động đến để đẩy nhanh quá trình cứu nạn. Cuộc chạy đua với thời gian ngày càng gấp rút vì những người còn sót lại. Ngoài trời, mưa lạnh như cắt.
Đến 14h30, 3 thi thể cuối cùng đã được đưa ra. Tuyến đường được nối lại, xe cứu thương lần lượt đưa 22 chiến sĩ về khu truy điệu tập trung tại Nhà thi đấu đa năng Quảng Trị (TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).
Những cuộc chạy đua ra khỏi miệng hố "tử thần"
Với anh Huy, 1h đêm 18/10 hôm ấy là khoảnh khắc anh từ cõi chết trở về. Nhưng những người anh em khác thì không được may mắn như vậy.
Huy nhớ, khi ấy, anh cùng 9 người khác đang nghỉ ngơi tại dãy nhà Ban hành chính. Vừa chợp mắt, một tiếng ầm rung chuyển trời đất. Chưa hết bàng hoàng, Huy nhận ra mình đã bị vùi trong lớp đất đá.
"Căn phòng đổ ập, tiếng la hét khắp nơi. Tôi bị thương và mắc kẹt lại ở góc tường nên không thể thoát ra được" - anh kể.
May mắn, đồng đội đã phát hiện ra Huy qua tiếng kêu cứu, ra sức lôi anh ra khỏi đống đổ nát.
"Căn phòng đổ ập, tiếng la hét khắp nơi. Tôi bị thương và mắc kẹt lại ở góc tường nên không thể thoát ra được" - anh Huy người thoát nạn kể lại.
Cạnh đó, anh Phạm Tấn An cũng là người may mắn vượt ra khỏi trận sạt lở. Là chiến sĩ thông tin, làm việc ở nhiều vùng đồi núi, song đây là lần đầu tiên An chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp như thế.
Người lính kể, giây phút mọi thứ đổ ầm xuống, anh chỉ còn nghe những tiếng kêu yếu ớt từ đồng đội trong tiếng đất đá. Cả một khu dãy nhà đổ ầm, có người bị hất văng lên khiến anh vô cùng đau đớn.
"Nó quá nhanh! Nếu lúc đó chúng tôi không bỏ chạy ra ngoài thì chắc không thoát được… Nhưng 22 đồng đội thì mãi nằm xuống đấy. Chỉ cần nhắm mắt lại, nghĩ về những ngày còn ở cạnh, tôi không sao chịu đựng được" - anh An nhớ lại.
Những lời hứa mãi không thực hiện được
19h, chuyến xe cuối cùng chở thi hài đồng đội trong Đoàn 337 đã về tới Nhà thi đấu đa năng Quảng Trị. Suốt buổi chiều mưa, người nhà nạn nhân đã tụ về quanh cánh cổng sắt. Tiếng gào khóc, quỵ ngã, tang thương cả một vùng.
Hôm nay, chị Lê Thị Thuý dắt theo 2 con nhỏ từ Nghệ An vào Quảng Trị để thăm chồng. Thế nhưng, hôm nay là một ngày buồn... Chồng chị, trung úy Lê Cao Cường là nạn nhân đầu tiên được đưa ra khỏi hiện trường vụ sạt lở Đoàn 337.
Cạnh đó, chị Triệu Thị Nhung khóc không ngừng. Chồng chị, thượng uý Trần Quốc Dũng là một trong 22 chiến sĩ không may mắn.
Suốt 10 năm cưới nhau, vì tính chất công việc, hai vợ chồng chị Nhung chưa từng có tấm hình gia đình chung. Anh Dũng hứa sau hết chiến dịch, sẽ về thăm nhà, chụp ảnh kỷ niệm. Vậy mà hôm nay, anh Dũng chỉ còn im lặng trên xe cứu thương.
5h sáng, bà Hà Thị Dung bật điện thoại lên. Bên đầu dây, con gái bà, chị Huyền khóc, thông báo tin anh Lê Hương Trà, (36 tuổi, con rể bà) đã nằm lại trong đống đổ nát của vụ sạt lở núi tối qua. Bà lù bù lỗ tai.
Sáng hôm ấy, bà Dung vượt những đoạn sạt vào tận Đoàn 337 để nghe tận tai, thấy tận mắt. Và rồi tất cả đã vỡ oà.
10 ngày tham gia chiến dịch, nhà ở thị trấn Khe Sanh, chỉ cách trụ sở hơn 10km, nhưng Trà chưa về nhà. Trong cuộc gọi ngắn tối qua, nghe tin ba đứa nhỏ ốm vì thời tiết lạnh, Trà vẫn hứa xong chiến dịch sẽ về thăm con.
"Tối đó, nó còn gọi thăm sức khoẻ tôi. Thấy tôi cảm ốm, lại lo công tác xã hội cho thôn nhiều nên dặn tôi cẩn thận. Tôi cũng dặn con phải đề phòng vì sạt lở nhiều, đoàn con lại đóng quân gần đồi. Vậy mà…", bà Dung khóc.
Ở Đoàn 337, anh em đồng đội sống với nhau như người một nhà. Cái Tết năm tới, chị Nhung kể, anh Dũng bảo sẽ ăn Tết tại sư đoàn. Anh em bàn nhau sẽ đều đón vợ con lên vui cùng.
Cái lời hứa ấy, hôm nay, mãi không thực hiện được.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.