Là cha mẹ, ai cũng mong con có một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, không lo lắng. Tuy nhiên, việc đối mặt với những cảm xúc tiêu cực hay những điều không may được coi là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành và bất kì ai cũng cần học cách đối mặt với chúng.
Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Điều đó có nghĩa là một số việc con sẽ tự cảm thấy bản thân phải thay đổi khi chứng kiến bố mẹ chúng hành động, cư xử trong cuộc sống hàng ngày. Thế nên, có những điều cha mẹ không nên giấu mà để con được biết, từ đó bé sẽ học được cách thông cảm và thấu hiểu ba mẹ hơn.
1. Khóc khi cảm thấy buồn
Khóc lóc hay buồn bã không hề yếu đuối như nhiều người vẫn tưởng. Nó đơn giản như một cách bộc lộc cảm xúc. Khi vui, chúng ta không thể giấu giếm nụ cười vậy thì tại sao khi buồn lại phải giấu đi giọt nước mắt. Nếu coi khóc là một cách biểu hiện cảm xúc thì việc được thoải mái thể hiện với người thương yêu là hoàn toàn bình thường.
Bình thường hóa cảm xúc là một phần quan trọng trong việc nuôi dạy những đứa trẻ thông minh về cảm xúc. Nếu cha mẹ khóc khi đối mặt với tình huống cũng làm con cái họ buồn (như cái chết của ông bà hoặc thành viên khác trong gia đình), hãy để trẻ chứng kiến nỗi đau này, nó có thể giúp những đứa trẻ nhận ra rằng chúng không cô đơn trong sự mất mát này.
Ngoài việc đảm bảo rằng mọi thứ vẫn sẽ ổn, bố mẹ cũng cần đưa ra lời giải thích cho hành động của mình khóc vì cái gì. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên hỏi trẻ về cảm xúc của chúng.
Mặc dù việc trẻ thấy bố mẹ mình khóc là điều bình thường, thậm chí trong một số trường hợp là tốt nhưng cũng có những trường hợp không lành mạnh. Nếu trẻ thấy bố mẹ khóc quá thường xuyên hoặc quá mức, điều này có thể gửi tới thông điệp khiến trẻ học theo, và nên cho trẻ biết, khóc chỉ để giải tỏa chứ không phải cách giải quyết vấn đề.
2. Mệt mỏi vì stress và muốn được con giúp đỡ
Cảm xúc của bố mẹ có thể ảnh hưởng lớn tới con cái. Rõ ràng những cha mẹ hạnh phúc sẽ giáo dục những người con vui vẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, cuộc sống có rất nhiều thăng trầm và chúng ta không phải lúc nào cũng vui vẻ. Khi những mâu thuẫn trong công việc, đồng nghiệp, gia đình... ập đến thì stress là điều không thể tránh khỏi.
Những lúc này, việc che giấu cảm xúc không phải là cách hay. Sẽ rất khó cho bố mẹ khi đang mệt mỏi nhưng vẫn phải tỏ ra vui cười với con cái. Bạn hoàn toàn có thể cho con biết bố mẹ đang khá mệt mỏi và cần thời gian để lấy lại năng lượng. Điều này đồng nghĩa với việc bố mẹ coi con là người lớn và con hoàn toàn có thể học cách hiểu cảm xúc của người khác.
Hãy bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ con bằng cách: "Con có thể tự chơi một lúc trong khi mẹ nghỉ ngơi không"?, "Mẹ hy vọng mình có thể nghỉ một chút để lấy lại năng lượng tích cực, trong thời gian đó hãy đợi mẹ nhé"...
3. Tranh luận giữa các thành viên trong gia đình
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng người lớn luôn đúng, còn trẻ con luôn sai. Tuy nhiên ở lứa tuổi của trẻ, việc phải răm rắp làm theo những gì người lớn sai bảo là quá nguyên tắc. Muốn con nghe lời, bố mẹ cần có cách.
Chính vì suy nghĩ đó nên các bậc phụ huynh thường kết thúc cuộc tranh luận bằng một câu: "Bố mẹ nói gì mày phải nghe, cấm cãi!" hay "Con giỏi tự làm đi, không cần bố mẹ nữa chứ gì?", hay tệ hơn nữa là các vị bắt đầu mắng con bằng những ngôn từ kinh khủng nhất... tất cả những cách đó đều khiến cuộc tranh luận đi vào ngõ cụt, mâu thuẫn cứ thế âm ỉ, người này không bằng lòng người kia, dẫn đến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái ngày càng xa cách và thêm căng thẳng.
Việc giấu đi những mâu thuẫn giữa các thành viên sẽ chỉ khiến mối quan hệ thêm tệ đi, bao gồm cả sự im lặng. Vì vậy, khi gặp khó khăn, hãy ngồi lại với nhau và cùng nói chuyện nhé.
4. Những khó khăn hiện tại của gia đình
Cha mẹ luôn muốn đem lại điều tốt đẹp nhất cho con về cả cuộc sống vật chất lẫn tinh thần. Nhiều cha mẹ dù gia đình không có điều kiện nhưng vẫn cố chấp chiều chuộng theo ý con, con đòi gì được nấy. Tuy nhiên, việc giấu không cho trẻ biết hoàn cảnh của gia đình sẽ gây nên hậu quả khôn lường. Trẻ sẽ ỉ lại, không biết cố gắng và không thấu hiểu cho sự vất vả của bố mẹ.
Hãy chia sẻ với con về hoàn cảnh của gia đình, không cần quá chi tiết nhưng đủ để trẻ biết hiểu bố mẹ vất vả kiếm tiền nên việc chi tiêu không được phung phí.
5. Điểm yếu của con cần cải thiện
Nhiều cha mẹ mặc định con mình là giỏi nhất, luôn tung hô con bằng những ngôn từ như "Con của mẹ giỏi nhất thế giới", "con của mẹ tốt nhất". Tất nhiên, không phủ nhận lợi ích từ các lời khen, nhưng việc tung hô quá đà thì không. Việc giấu đi những điểm yếu của con sẽ khiến trẻ khó thành công trong cuộc sống sau này.
Bố mẹ hãy khéo léo chỉ ra những điểm con cần sửa để trẻ ngày một cải thiện hơn. Qua đó, con cũng học được cách lắng nghe những lời khuyên nhủ hoặc nhắc nhở từ người lớn.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.