5 điều từ trước tới nay bố mẹ tưởng làm hại con nhưng thực ra lại tốt cho sự phát triển của trẻ

Có những hoạt động hoặc hành vi mới nghe qua thì nghĩ tiêu cực, tuy nhiên, nó lại có những lợi ích nhất định đối với sự phát triển và hình thành tính cách của một đứa trẻ.

Tất nhiên, nhiệm vụ của cha mẹ là bảo vệ con cái khỏi bị tổn thương, nhưng những bao bọc thái quá có thể cướp đi của trẻ cơ hội được khám phá xem chúng là ai, chúng thích gì. Nó cũng sẽ cho ra lò những con người trưởng thành thiếu kỹ năng, ý chí và những tính cách cần thiết để hiểu bản thân và vẽ lên cuộc sống mong muốn của mình.

"Những gì bọn trẻ cần nhất là tình yêu và sự hỗ trợ của người lớn khi chúng nỗ lực trong việc học hỏi các kỹ năng và tư duy cần thiết để trở thành một người trưởng thành hạnh phúc sau này.", Julie Lythcott-Haims, tác giả của cuốn sách bán chạy Làm thế nào để nuôi dạy một người trưởng thành, cựu trưởng khoa tại Đại học Stanford chia sẻ.

Để trẻ tham gia vào một số trò chơi mạo hiểm

"Không được leo cao", "Đừng đi ra đó một mình" … Không có gì ngạc nhiên khi phụ huynh thường lo lắng nếu trẻ tham gia vài trò chơi mạo hiểm, nhưng liều lĩnh một chút, trẻ sẽ vừa hồi hộp, vừa phấn khích, và chúng đang kiểm tra giới hạn của mình. 

5 điều từ trước tới nay bố mẹ tưởng làm hại con nhưng thực ra lại tốt cho sự phát triển của trẻ - Ảnh 1.

Khi liều lĩnh một chút, trẻ sẽ vừa hồi hộp, vừa phấn khích, và chúng đang kiểm tra giới hạn của mình.

Nếu nhìn về khía cạnh sức khỏe, bất cứ trò chơi hay hoạt động nào cũng có thể gây ra thương tích. Các nhà khoa học cho biết, việc để trẻ trải nghiệm các trò chơi mạo hiểm không phải sự vô trách nhiệm trong nuôi dạy mà là cách giúp trẻ tăng cường hoạt động thể chất, kỹ năng xã hội, kỹ năng quản lý rủi ro, rèn luyện tính linh hoạt và sự tự tin.

Tất nhiên khi trẻ tham gia các hoạt động này, bạn cần giám sát và can thiệp kịp thời trước những tình huống không mong muốn.

Không trả lời ngay khi trẻ ngắt lời người lớn

Những đứa trẻ thường có thói quen cắt ngang đoạn hội thoại của bố/mẹ khi có việc cần thiết hoặc đôi khi chỉ là để gây sự chú ý. Nếu bạn trả lời ngay, trẻ sẽ không ý thức được việc mình vừa làm là mất lịch sự và tình trạng này lần sau sẽ tiếp diễn.

Việc lặng im và không trả lời ngay khi trẻ ngắt lời có vẻ khiến chúng trông tội nghiệp khi chờ đợi. Tuy nhiên, điều này giúp bạn nhắc nhở trẻ rằng cảm xúc và suy nghĩ của chúng quan trọng nhưng phải đợi người lớn cho phép mới được tham gia vào cuộc trò chuyện.

Không bắt con làm bài tập ngay sau khi về nhà

Tiến sĩ Vanessa Lapointe, chuyên gia về nuôi dạy con cái người Mỹ, khẳng định việc này dẫn đến nhiều tác động tiêu cực hơn là lợi ích. Trẻ đã trải qua một ngày dài ở trường, bạn nên để chúng tham gia vào các hoạt động không đòi hỏi quá tập trung và cần suy nghĩ nhiều để thư giãn đầu óc trước khi yêu cầu trẻ làm bài tập. Khi đầu óc được giải tỏa, việc học sẽ đơn giản và bớt căng thẳng hơn.

5 điều từ trước tới nay bố mẹ tưởng làm hại con nhưng thực ra lại tốt cho sự phát triển của trẻ - Ảnh 2.

Bắt con làm bài tập về nhà ngay dẫn đến nhiều tác động tiêu cực hơn là lợi ích.

Sau khi con ôn bài xong, bố mẹ hãy cố gắng sắp xếp nửa tiếng đến một tiếng "chơi cùng con", có lẽ đây sẽ là điều có ý nghĩa hơn rất nhiều so với yêu cầu trẻ ngồi hàng tiếng làm bài tập. Cả nhà có thể cùng nghe một cuốn sách nói, chơi trò giải đố, chơi với đất nặn, vẽ một bức tranh…

Không vội vàng tách con ra khỏi một đứa bạn không tốt

Jennifer Soos, cố vấn gia đình tại San Antonio, Mỹ, nhớ lại trải nghiệm khi con trai kết bạn với đứa trẻ hay gây rắc rối nhà hàng xóm. "Người bạn đó thường xuyên phá vỡ quy tắc gia đình, làm hỏng đồ đạc và không bao giờ dọn dẹp. Sau đó, con trai tôi cũng dần học theo những điều này", cô kể.

5 điều từ trước tới nay bố mẹ tưởng làm hại con nhưng thực ra lại tốt cho sự phát triển của trẻ - Ảnh 3.

Không vội vàng tách con ra khỏi một đứa bạn không tốt là một cách dạy con tự chịu trách nhiệm.

Theo Jennifer, nếu ngăn cấm con ngay lập tức, con sẽ thấy không phục, thậm chí chống đối bố mẹ vì lúc này, đứa trẻ không thể hiểu hết lý do. Thay vì vậy, cô yêu cầu con trai chịu trách nhiệm về việc làm của mình, dọn dẹp nếu bày bừa và phải dùng tiền tiết kiệm để trả cho những món đồ chơi bị hỏng. "Sau vài tuần, con tôi dần nhận ra việc chơi với người bạn hàng xóm đã ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống của con. Tôi nói với con rằng bạn bè là lựa chọn của con nên nếu bạn không tốt, con có thể chọn người khác để chơi", Jennifer nói.

Các chuyên gia cho rằng việc trẻ làm bạn với một người thiếu tích cực có thể khiến nhiều phụ huynh vội vàng tách con mình ra. Tuy nhiên, việc này không giúp trẻ nhận ra được nhiều điều, thậm chí tìm cách "lách luật". Tương tự câu chuyện của Jennifer, bạn nên đóng vai trò giám sát và dạy trẻ chịu trách nhiệm, từ đó thay đổi.

Nói chuyện với người lạ

Chúng ta thường dạy trẻ em tránh nói chuyện với người lạ thay vì dạy cho trẻ các kỹ năng phát hiện ra người xấu vốn chiếm số ít trong cộng đồng đa số là người tốt. Vì vậy, trẻ em luôn không biết làm thế nào để tiếp cận một người lạ nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ, hướng dẫn hoặc hỏi đường khi cần.

5 điều từ trước tới nay bố mẹ tưởng làm hại con nhưng thực ra lại tốt cho sự phát triển của trẻ - Ảnh 4.
 

Nancy McBride, Giám đốc điều hành của Trung tâm Quốc gia về Trẻ em tại Lake Park, Mỹ, cho biết, trẻ em có thể áp dụng quy tắc này sai cách và chống lại sự giúp đỡ của cảnh sát hoặc nhân viên cứu hỏa mà chúng không biết.

Thay vì tạo ra nỗi sợ hãi về bất kể người lạ nào mà trẻ không biết, hãy yêu cầu trẻ hỏi ý kiến bạn trước khi bắt đầu nói chuyện với ai đó. Bạn có thể chỉ cho bé bằng cách chỉ cần nhìn vào hành vi gật hay lắc đầu của bạn trước một người lạ nào đó.

Hãy đưa ra các tình huống, yêu cầu con giải thích những gì sẽ làm, sau đó hướng dẫn con cách hành động hợp lý. Bạn cũng có thể áp dụng câu thần chú an toàn yêu thích của McBride: "Nếu ai đó khiến con cảm thấy buồn, sợ hãi hoặc bối rối, cần phải nói với bố/mẹ ngay lập tức." 

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang