Đối với cha mẹ, có con là điều tuyệt vời và hạnh phúc nhất trên cuộc đời. Đôi khi, các con chính là điểm tựa, nơi chữa lành những vết thương cho cha mẹ mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, stress. Chúng cũng là động lực để ba mẹ luôn phấn đấu, nỗ lực để nuôi dạy con cái tốt hơn.
Sau chuỗi ngày đi làm mệt mỏi, về thấy con vui vẻ, nghe tiếng cười đùa của chúng cũng giúp ba mẹ giải tỏa căng thẳng. Thế nhưng, ba mẹ không biết rằng trẻ cũng rất yêu bố mẹ, và tình yêu của con dù đôi khi không nói thành lời nhưng được thể hiện qua những hành động dưới đây.
1. Luôn nói với mọi người rằng "con rất tự hào và yêu mẹ"
Hình tượng người mẹ trong mắt con vô cùng quan trọng. Nếu như trẻ thường xuyên nhắc tới mẹ trước mặt người khác, hoặc làm chuyện gì cũng hỏi ý kiến mẹ, điều đó chứng minh mẹ có vị trí vô cùng quan trọng trong lòng trẻ. Lúc này, với trẻ, mẹ là sự tự hào, là niềm kiêu hãnh. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, chỉ cần mẹ hướng dẫn con tự ra quyết định, như vậy sau này lớn lên trẻ sẽ trở thành người có chủ kiến.
2. Để phần cho mẹ món ăn mà bản thân thích nhất
Thông thường, trẻ con rất ít khi đem món mình thích cho người khác ăn. Cho nên nếu như trẻ thường xuyên đem đồ mình thích phần cho bạn, chứng tỏ bé rất yêu bạn. Các mẹ chớ vì không thích ăn mà phụ lòng con trẻ nhé! Hãy cảm ơn con và ôm bé vào lòng.
3. Chú ý đến cảm xúc của mẹ
Nếu như bé nhà bạn thường xuyên vỗ về an ủi mỗi khi bạn tức giận hay mệt mỏi, điều đó chứng tỏ bé rất quan tâm bạn và yêu bạn. Người xưa thường nói "mẹ hiền con hiếu". Nếu như các mẹ yêu thương con, quan tâm con đúng đắn thì các con sẽ đáp trả lại bằng tình yêu thương. Nếu trẻ nhà bạn trước lúc 4 tuổi có những hành động trên, điều đó cho thấy trẻ rất yêu bạn.
4. Hay quấy, nghịch phá hơn khi có mẹ ở đó
Nhiều người phải công nhận rõ ràng rằng khi vắng bố mẹ, con chơi rất ngoan mà chẳng 1 lần mè nheo. Song, cứ thấy mẹ là bé lao vào bám, không được thì khóc ăn vạ, giãy đành đạch. Với một người mẹ vừa đi làm về, lại thêm loạt việc nhà đang chờ đợi thì việc này thực sự quá sức. Tuy nhiên, rất nhiều trẻ đều có chung hành động như vậy thực ra là có lý do đằng sau.
Nguyên nhân của việc này là do não bộ của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Trẻ luôn suy nghĩ rằng mình cần phải cư xử tốt trước mặt những người lạ hơn là những người thân thiết. Từ đó, con sẽ có những hành vi khác nhau giữa mọi người và mẹ. Đây chính lý do vì sao trẻ có thể rất ngoan khi ở cùng ông bà, bố... nhưng cứ hễ thấy mẹ thì lại ỉ ôi, khóc lóc, la hét và ăn vạ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng liệt kê thêm một số nguyên nhân khiến trẻ không bao giờ cư xử lịch sự khi đứng trước mẹ. Chẳng hạn như:
- Mẹ là người cho con cảm giác an toàn, thoải mái nhất: Không có ai có thể thay thế mẹ trong mắt của con, và với con mẹ luôn là nơi bình yên và an toàn nhất. Khi ở bên mẹ, trẻ không còn cảm giác đề phòng hay dè chừng, con cũng không phải sợ sệt như khi gặp người lạ. Bé bắt đầu thể hiện tính cách thật của bản thân mà không lo lắng điều gì cả, như trước đây mà trẻ vẫn làm.
- Mẹ là nơi con chọn lựa để "xả cảm xúc": Biểu cảm thường thấy nhất mỗi khi nhìn thấy mẹ sau giờ học đó là con sẽ òa lên khóc, chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Trẻ luôn là như vậy, với người mà con yêu thương, tin tưởng, bé sẽ tự giải tỏa mọi cảm xúc ra ngoài mà không kìm nén như khi ở bên người lạ. Nếu như ở lớp cùng cô giáo, ở nhà với ông bà, con thể hiện ra mình là một đứa trẻ rất ngoan thì khi ở bên mẹ lại trái ngược.
- Con đang tìm kiếm sự quan tâm từ mẹ: Đó là khi con cảm thấy mẹ quan tâm con chưa thực sự đủ. Sau một ngày đi làm về, mẹ phải nấu ăn, dọn dẹp, làm đủ các công việc không tên trên đời nên thời gian dành cho con nghiễm nhiên bị rút ngắn lại. Con trở nên hư vì mẹ đã phân tán sự quan tâm của mình cho các anh chị em, những người lớn khác trong nhà, vật nuôi hay công việc của mẹ.
5. Chỉ muốn chia sẻ cảm xúc với mẹ
Có những điều được con cho là quan trọng, bí mật, bé sẽ chỉ muốn chia sẻ với người mà con tin tưởng nhất. Nếu con lựa chọn tâm sự với mẹ, hãy hiểu rằng con rất yêu và tin ở mẹ. Hãy lắng nghe con một cách chân thành, đừng bao giờ tiết lộ bí mật ấy cho người khác nếu chưa hỏi ý kiến con. Nếu không, bé sẽ không kể chuyện cho bạn nghe thêm lần nào nữa.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.