5 khoảnh khắc hủy hoại sự lạc quan của trẻ, cách phản ứng của bố mẹ là cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến con cái suốt đời

Những lời nói tưởng chừng rất đơn giản trong các tình huống vô cùng gần gũi và bình thường mà có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đến như vậy.

Có thể rất nhiều phụ huynh đã biết rằng, trong quá trình nuôi dạy con cái, mỗi lời nói, việc làm của bố mẹ đều có ảnh hưởng sâu sắc đến đứa trẻ và cách mà trẻ nhìn nhận về bản thân chúng.

Yêu thương con, muốn con luôn được vui vẻ hạnh phúc, phát triển một cách khỏe mạnh nhưng rất nhiều bậc cha mẹ lại thường mắc phải một số sai lầm trong lời nói của họ và khiến cho con cái đánh mất niềm tin vào bản thân chúng.

Những lời nói tưởng chừng rất đơn giản trong các tình huống vô cùng gần gũi và bình thường lại có thể để lại hậu quả nghiêm trọng đến như vậy. Bố mẹ thử xem mình có mắc phải trường hợp nào không nhé!

5 khoảnh khắc hủy hoại sự lạc quan của trẻ, cách phản ứng của bố mẹ là cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến con cái suốt đời - Ảnh 1.
 

1. Khi trẻ được khen ngợi hoặc đánh giá cao

Nhiều phụ huynh thích tỏ ra khiêm tốn trong trường hợp này và nói: "Làm gì có, thằng bé/con bé này mà siêng năng cái gì cơ chứ".

Con sẽ nghĩ rằng: "Trong mắt bố mẹ mình mãi mãi không đủ tốt".

Trẻ có thể cảm nhận một cách nhạy bén thái độ của người lớn đối với mình. Đây là cơ sở để trẻ đưa ra những nhận định đúng đắn về lời nói và hành động của chính mình. Vì vậy khi trẻ được khen cha mẹ không nên khiêm tốn quá mức hay phủi bỏ đánh giá tích cực dành cho trẻ. Nếu lời khen là khách quan, đúng đắn thì trẻ xứng đáng được nhận và sự tán thành của người lớn là động lực để trẻ tiến bộ hơn.

2. Khi trẻ quyết tâm làm một việc nào đó

Bố mẹ hay sợ con làm sai, sợ con không thành công hay nghĩ rằng con chưa đủ tuổi, đủ sức làm việc đó: "Con còn nhỏ lắm, làm sao làm được chứ!".

Thậm chí khi con thật sự thất bại, bố mẹ lại nói: "Thấy chưa, đã bảo con không làm được rồi cơ mà".

Những câu nói mang tính tiêu cực này chỉ càng lúc càng khiến cho con mất đi sự tự tin vào bản thân. Trước khi làm việc gì, trẻ đều cảm thấy lo lắng, sợ hãi, thậm chí không còn muốn thử thách hay khám phá bất cứ thứ gì nữa.

Bên cạnh đó, trẻ luôn bị bố mẹ phản đối, không ủng hộ thì dần dà trẻ cũng tự tạo ra khoảng cách với bố mẹ, không còn muốn chia sẻ hay tâm tình với bố mẹ nữa.

5 khoảnh khắc hủy hoại sự lạc quan của trẻ, cách phản ứng của bố mẹ là cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến con cái suốt đời - Ảnh 2.
 

3. Khi trẻ bị thành tích kém

Nhiều ông bố bà mẹ thường có thói quen so sánh con với những đứa trẻ khác xung quanh, biến tiêu chuẩn "con nhà người ta" trở thành một thứ mà mãi mãi con không thể với tới được.

"Hãy nhìn con nhà người ta học giỏi chưa kìa. Con đi học thêm tốn bao nhiêu là tiền rồi sao vẫn cứ học dốt?".

"Cái A nhà kế bên thi được hẳn mấy điểm mười. Con nhìn xem bảng điểm của mình có xấu hổ không?".

Đối với con cái, sự so sánh của phụ huynh không chỉ làm suy yếu lòng tự tin của con mà còn khiến chúng luôn tồn tại một suy nghĩ tiêu cực rằng: "Mãi mãi mình sẽ không trở thành đứa con mà bố mẹ mong đợi".

Chỉ khi được bố mẹ nhìn thấy và đánh giá đúng điểm mạnh của con thì con mới có thể tràn đầy lạc quan và tự tin để phát triển bản thân tốt nhất.

4. Khi con có hành vi xấu

Trong những trường hợp con có thái độ hoặc hành vi không tốt, bố mẹ muốn nhanh chóng bắt con sửa đổi bằng những câu nói mang ý đe dọa như: "Con mà không... con sẽ bị..."

Nhưng đối với đứa trẻ, sự đe dọa của bố mẹ chỉ khiến chúng sợ hãi tức thời nhưng không có sự hối lỗi và nhận ra được sai lầm của mình.

Thay vì dùng câu nói dọa nạt, bố mẹ nên thay thế bằng những lời hứa thú vị và vui vẻ hơn. Chẳng hạn nếu con ăn vạ không muốn về nhà, đừng nói "Con cứ ở đấy đi, bố mẹ về đây. Mặc kệ con đấy!", mà hãy nói "Mình về nhà sớm để còn có thời gian chơi trốn tìm và đọc truyện nào".

Nếu mọi việc cứ tiếp diễn như vậy, mỗi khi nhận được yêu cầu của bố mẹ, trẻ sẽ luôn nghĩ đến hậu quả theo chiều hướng tốt hơn, và tự nhiên trẻ sẽ đáp lại bằng sự lạc quan và bớt đi sự phản kháng.

5. Khi bố mẹ thích bêu xấu con

Nhiều phụ huynh luôn có thói quen như vậy. Khi nói về con cái cùng bạn bè, họ hàng, họ luôn bêu riếu tật xấu của con mình như một chuyện rất bình thường. Chẳng hạn như con tôi lười biếng, ở dơ, không chịu cắt móng chân...

Giống như người lớn, trẻ em cũng có lòng tự trọng và không thể tùy tiện chà đạp. Là cha mẹ, bạn nên cố gắng bảo vệ lòng tự trọng của trẻ, không chọc ngoáy hay phô ra những điểm yếu của con với người ngoài. Mặt khác, hãy giúp con nhìn nhận và sửa đổi khuyết điểm, xây dựng sự tự tin cho bản thân. Hãy yên tâm rằng những vấn đề nhỏ của con sẽ biến mất sớm trước khi phụ huynh kịp nhận ra đấy!

(Nguồn: 163)

 

Theo Pháp luật và bạn đọc

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang