5 thói quen phổ biến khiến bạn ngày nào cũng đánh răng nhưng vẫn bị sâu răng như thường

Mặc dù bạn đã vệ sinh răng miệng mỗi ngày, nhưng nếu mắc phải 1 trong những sai lầm dưới đây thì sớm muộn gì răng của bạn cũng bị hủy hoại.

Chúng ta đều biết rằng việc đánh răng sẽ giúp đánh bay mảng bám, ngăn ngừa nguy cơ bị sâu răng. Tuy nhiên, một số người ngày nào cũng đánh răng chăm chỉ nhưng vẫn bị sâu răng, điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực tế đã có rất nhiều người rơi vào tình cảnh này.

Nguyên nhân của nó có liên quan đến một số thói quen xấu mà vô tình bạn mắc phải, tưởng là vô hại nhưng chúng lại ngấm ngầm phá hủy hàm răng dù cho bạn có "ra sức" đánh răng mỗi ngày. Dưới đây là 5 thói quen như thế, nếu bạn mắc phải dù chỉ 1 cái thì cũng cần bỏ càng sớm càng tốt.

1. Đánh răng quá vội vàng

Đánh răng là phương pháp làm sạch bề mặt răng thông dụng nhất. Ngoài việc phải thực hiện đúng thao tác, bạn phải chải răng trong ít nhất 3 phút trong mỗi lần đánh. Chải răng quá vội vàng sẽ làm chúng ta bỏ qua bước chải lưỡi mà chỉ tập trung vào bề mặt răng. Điều này dẫn đến việc các mảng bám sẽ không được làm sạch hoàn toàn.

Càng để lâu như vậy sẽ càng khó làm sạch, dần dần mảng bám sinh vi khuẩn tích tụ, tấn công vào răng của bạn gây sâu răng.

5 thói quen phổ biến khiến bạn ngày nào cũng đánh răng nhưng vẫn bị sâu răng như thường - Ảnh 1.

2. Dùng bàn chải quá cứng

Bàn chải đánh răng quá cứng có thể gây ra những tổn thương trên răng và nướu. Sử dụng nó liên tục trong một thời gian dài khiến lợi của bạn sẽ bị co lại, chân răng mòn đi và trở nên rất dễ chảy máu. Vì thế để tránh trường hợp này, tốt nhất là bạn nên chọn những loại bàn chải có lông mềm, mỏng, không gây áp lực cho lợi.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, chúng ta cần thay bàn chải nhất cứ mỗi 3-6 tháng một lần. Lý do là bởi mảng bám cũng có thể xuất hiện trên bàn chải đánh răng đã được sử dụng trong thời gian dài. Những chiếc bàn chải có “tuổi đời” càng lâu, hiệu quả làm sạch sẽ càng giảm.

3. Không súc miệng, đánh răng ngay sau khi ăn đồ ngọt

Vi khuẩn trong khoang miệng tồn tại nhờ chuyển hóa đường thành năng lượng, trong quá trình đó, chúng tạo ra axit làm mòn, đổi màu và khiến răng dễ gãy hơn. Nếu bạn giữ những mảng bám thức chứa nhiều đường này càng lâu trong miệng, vi khuẩn có hại càng có nhiều thời gian để "ăn" đường và tạo ra nhiều axit phá hủy răng hơn.

Vì thế súc miệng, đánh răng sau khi ăn đồ ngọt cũng quan trọng như việc phải đánh răng trước khi đi ngủ. Nếu không muốn răng sớm “thoái hóa”, tuyệt đối đừng bỏ qua lưu ý này!

5 thói quen phổ biến khiến bạn ngày nào cũng đánh răng nhưng vẫn bị sâu răng như thường - Ảnh 2.

4. Dùng tăm xỉa răng

Nhiều người có thói quen dùng tăm loại bỏ thức ăn dính giữa các kẽ răng. Tuy nhiên, tăm bị hạn chế về khả năng tiếp cận giữa các kẽ răng do kích thước quá lớn. Sử dụng nó thường xuyên không chỉ gây tổn thương nướu mà còn tạo ra các lỗ hổng giữa kẽ răng để vi khuẩn kí sinh và phá hủy hàm răng của bạn.

Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hôi miệng và sâu răng. Lời khuyên cho bạn chính là sử dụng chỉ nha khoa thay vì dùng tăm thông thường. Sử dụng chúng trước khi đánh răng sẽ mang lại cho bạn hiệu quả làm sạch tối ưu!

5 thói quen phổ biến khiến bạn ngày nào cũng đánh răng nhưng vẫn bị sâu răng như thường - Ảnh 3.

5. Không khám răng định kỳ

Đừng chủ quan với những chiếc răng sâu, đôi khi bạn không thể tự mình phát hiện ra nó.

Bên cạnh đó, không phải chỉ khi bị sâu răng, bạn mới cần đi khám răng. Cao răng có thể tích tụ khiến nướu bị co lại, gây tiêu xương ổ răng... cũng có thể là lý do khiến bạn cần đi khám răng. Vì vậy, bạn nên đi khám răng định kỳ từ 3-6 tháng một lần để kiểm tra răng và làm sạch cao răng, tránh các bệnh viêm nướu về sau.

Nguồn và ảnh: QQ, Healthline, Pinterest

Link gốc: https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/5-thoi-quen-pho-bien-khien-ban-ngay-nao-cung-danh-rang-nhung-van-bi-sau-rang-nhu-thuong-162211905213036536.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang